Thịt trâu lá trơng là một trong những đặc sản Quảng Trị, mang hương vị đặc biệt khó quên với ai từng một lần nếm thử. Sự kết hợp giữa thịt trâu non và loại lá trơng rừng mọc hoang khắp Quảng Trị đem lại mùi thơm cay rất đặc trưng.
Đối với món thịt trâu nướng thì thịt sẽ xắt thành những miếng vừa ăn, tẩm ướp cho ngấm đều gia vị rồi cho lên vỉ nướng đều, hai mặt vỉ trải thêm lớp lá lốt. Nướng thịt trên than hồng cho đến khi thịt chín thơm, chuyển màu vàng nâu đẹp mắt, quyện mùi thơm của lá lốt thì bỏ thịt xuống khỏi bếp và bày ra đĩa. Thịt trâu nướng ăn cùng với lá trơng, rau cải và chấm kèm với muối ớt tiêu xanh vắt chanh vào.
Cháo Vạc Giường: Gọi là cháo, nhưng cháo Vạc Giường lại là rất đặc biệt, thoáng nhìn qua, ai cũng nghĩ nó giống bánh canh hay canh bún cua bởi chúng đều được làm từ sợi bột gạo hay bột mì, nhưng hương vị lại khác hẳn nhau hoàn toàn đó.
Bún hến Mai Xá: Gọi là bún hến nhưng ngon nổi tiếng lại do chắt chắt (họ hến nhưng nhỏ và màu đậm hơn). Chắt chắt phi thơm hành, gia vị đến săn lại rồi đổ nước vào, thêm vài miếng gừng là xong nồi nước dùng ngon lành, ít béo, lại rẻ tiền.
Lòng sả. Tiết heo hoặc tiết vịt được đánh tan vụn, đổ nước vào, nấu chung với gạo rang, đậu xanh cho nhừ. Lòng heo hoặc vịt được làm sạch, cắt miếng vừa ăn rồi thả vào nồi đang đun, sôi lần nữa là ăn được. Món ngon Quảng Trị này được cho rất nhiều ớt, ăn cay xé lòng, tê lưỡi.
Bánh ướt Phương Lan ở Quảng Trị có các công đoạn làm giống nhiều địa phương khác, nhưng cách ăn thì mang nét riêng không trộn lẫn. Ăn cùng bánh ướt là rau sống và không thể thiếu thịt lợn luộc. Thịt lợn luộc ăn kèm phải là loại thịt nhiều nạc, mỡ giòn. Nước chấm pha từ mắm nhĩ ngon với tương ớt, ớt tươi tạo thành vị đậm đà riêng.
Canh ám làng Lam: Canh ám được nấu từ 2 loại thực phẩm chính: cá lóc và rau sông. Cá lóc phải là cá lóc đồng, nếu cá có trứng là càng tuyệt vời. Còn rau sông phải vừa hái từ trên cây xuống và rửa sạch. Nước canh rau sông vừa béo, vừa có vị chua nhạt, vị chát.
Bắp hầm: Chọn những hạt bắp nếp căng tròn bóng bẩy, đãi thật sạch và ngâm sau một đêm. Sáng sớm, họ vớt ra bỏ vào nồi và đun nhẹ lửa bằng củi khô. Bắp vừa chín tới thì bật nồi, cho những thứ gia vị như đậu xanh luộc, đường, muối, tiêu, thêm một ít mè (vừng) trộn đều vào nhau.
Bánh đúc rau câu, một món ăn ngon, đem lại giá trị dinh dưỡng cao mà giá thành lại rất “hạt rẻ”. Món này được biết đến đầu tiên tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Nguyên liệu chính của món chính là rau câu. Rau câu có màu sắc, chất dinh dưỡng và hương vị tựa như rong biển nên rất dễ ăn mà lại tốt cho sức khỏe.
Bánh khoái: Giống như bánh xèo của miền Nam, bánh khoái Quảng Trị cũng làm từ bột gạo, nhưng được đổ trong khuôn nhỏ chỉ bằng khoảng một bàn tay xòe ra, da bánh dày và giòn rụm. Nhân bánh khá đa dạng, nhưng thông thường là tôm thịt với giá, có nơi thêm vào hành tây, nấm rơm, các loại hải sản…
Bánh bột lọc Mỹ Chánh. Bánh làm từ củ sắn mài nho nhỏ với nhân bên trong có thể là thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh... Nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh lọc Mỹ Chánh. Vỏ bánh không bị chua hay nồng mà rất thanh.
Bánh chì An Mỹ: Bánh chì hay còn gọi là bánh giầy là một món ăn truyền thống, thường xuất hiện vào các lễ cúng đình, lễ xuống cấy và lễ Tết Nguyên Đán ở làng An Mỹ (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh). Bánh được làm từ gạo nếp ngon, còn phần nhân được làm bằng đậu đen, đậu đỏ hay đậu xanh đãi sạch vỏ hoặc có thể với mè, đường hay đậu phụng, đường. Ảnh: Internet.
Mời độc giả theo dõi video "Về Xứ Dừa Thưởng Thức Món Ngon". Nguồn: VTV Review.
Thảo Nguyên