Những đại án đã được xét xử tại Hà Nội trong năm 2024
Trong năm 2024, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử tại Hà Nội, điển hình như vụ án Việt Á, FLC…
Năm 2024, nhiều vụ án kinh tế và tham nhũng đã được đưa ra xét xử tại Hà Nội. Việc đưa các vụ án này ra xét xử thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng, bảo vệ tài sản nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội.
Một Thế Giới điểm lại một số vụ án điển hình:
Vụ án Việt Á và sự liên quan của nhiều cựu lãnh đạo cấp cao
Đầu năm 2024, TAND TP.Hà Nội đã đưa các bị cáo trong vụ án Việt Á ra xét xử. Vụ án này liên quan đến việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, với sự liên quan của nhiều cựu quan chức cấp cao, trong đó có hai cựu bộ trưởng. Các bị cáo bị xét xử về hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, gây thất thoát ngân sách…
Cụ thể, phía Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên gấp nhiều lần so với giá thành thực tế, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Trong vụ án này, các cựu lãnh đạo cấp cao, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận hối lộ để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á trúng thầu và nâng khống giá.
Tháng 5.2024, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án do có đơn kháng cáo của các bị cáo. Sau thời gian xét xử, tòa phúc thẩm đã quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nguyễn Thanh Long từ 18 năm tù xuống 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Bản án phúc thẩm xác định bị cáo Phan Quốc Việt đã thông đồng với nhiều người tại Học viện Quân y, Bộ KH-CN, Bộ Y tế để có được quyền sở hữu kit xét nghiệm COVID-19. Sau đó, Việt bán kit xét nghiệm với giá cao tại nhiều tỉnh thành và nhiều cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại 1.235 tỉ đồng, trong đó 402 tỉ đồng của Nhà nước.
Bị cáo Long đã nhận hối lộ 2,25 triệu USD của Phan Quốc Việt, qua đó tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Chuỗi hành vi phạm tội của bị cáo Long thể hiện qua việc can thiệp để sản phẩm kit xét nghiệm từ của Nhà nước thành của Việt Á; hiệp thương giá cao hơn thực tế; tác động lãnh đạo một số tỉnh thành để Công ty Việt Á bán sản phẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Long xuất trình thêm tình tiết mới, trong đó có việc nộp 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Vụ án Tân Hoàng Minh: 6.630 nhà đầu tư bị chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng
Tháng 3.2024, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án đối với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) là người bị tuyên mức án cao nhất, 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh, con trai ông này là Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị tuyên 3 năm tù…
Đến tháng 9.2024, TAND cấp cao tại Hà Nội xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Dũng.
HĐXX phúc thẩm nhận định trong quá trình tố tụng, bị cáo đã tác động gia đình tích cực khắc phục hậu quả số tiền hơn 8.600 tỉ đồng.
Trước phiên xử phúc thẩm có nhiều bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Dũng; ngoài ra, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng có nhiều đóng góp từ thiện cho xã hội. Đây là những tình tiết mới để HĐXX phúc thẩm xem xét.
Do đó, Tòa phúc thẩm chấp nhận giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng, tuyên án 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm).
Theo nội dung vụ án, trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ và có tiền chi tiêu, Đỗ Anh Dũng chỉ đạo cấp dưới tại Tân Hoàng Minh triển khai phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn.
Các bị cáo thống nhất Tân Hoàng Minh sẽ không trực tiếp đứng ra phát hành trái phiếu; thay vào đó, 3 công ty con thuộc tập đoàn sẽ tiến hành bán trái phiếu riêng lẻ. Các công ty con này sau đó mở 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng. Qua đây, Đỗ Anh Dũng và đồng phạm huy động được gần 14.000 tỉ đồng.
Số tiền huy động được, bị cáo Dũng và đồng phạm chi tiêu vào nhiều việc khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Vụ án liên quan đến cựu Chủ tịch FLC
Chiều 5.8, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về cả hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
HĐXX nhận định trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu, đã phân công các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, cố ý, từ việc mua Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), góp vốn khống, nâng vốn khống đến việc sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để bán cổ phiếu rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Theo nội dung vụ án, từ tháng 5.2017 đến tháng 1.2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo “xả bán” cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9.2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.
Tiếp đó, các bị cáo tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
Niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư.
Liên quan đến vụ án này, hiện có nhiều bị cáo gửi đơn kháng cáo, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.