Những 'đại bàng' Hàn Quốc sắp rót thêm hàng tỷ USD vào Việt Nam
Hàng trăm doanh nghiệp Hàn Quốc (bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc) tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol đang có chuyến thăm Việt Nam. Đây là số doanh nghiệp đông nhất trong các chuyến thăm nước ngoài gần đây của Tổng thống Hàn Quốc, đi kèm với chuyến công du là các bản ký kết thỏa thuận đầu tư từ vài trăm triệu USD đến cả tỷ USD.
Được biết, Tháp tùng chuyến công du Việt Nam 3 ngày (từ 22 - 24/6) của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có sự góp mặt của hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có các lãnh đạo của nhiều tập đoàn lớn như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte. Điều này một lần nữa cho thấy sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Mong tham gia phát triển các dự án nguồn điện
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, Hàn Quốc xếp thứ 1/43 đối tác đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn FDI 81,5 tỷ USD với 9.666 dự án. 5 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc rót 666,5 triệu USD vào Việt Nam.
Nhân sự kiện diễn đàn kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 2023, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hàng chục dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đang chờ đầu tư vào Việt Nam, thông qua việc ký các biên bản ghi nhớ (MOU). "Có dự án hàng trăm triệu USD, có dự án lên đến cả tỷ USD", ông Hoàng tiết lộ.
Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung chia sẻ, tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động. Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm và thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tiếp tục tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.
Ông Cho Hyun Joon nhận định, hoạt động hợp tác đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là một hình mẫu mà không nước nào khác có được. "Tôi luôn tin tưởng rằng sự phát triển của Việt Nam sẽ đồng hành với sự phát triển của Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn đóng góp trong quá trình và muốn đặt tương lai 100 năm tới của Tập đoàn tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Theo ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung - doanh nghiệp đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam, cũng đánh giá sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, Samsung tiếp tục khẳng định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Doosan Enebility cho biết, đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam với quy mô 300 triệu USD, với khoảng 1.600 nhân viên Việt Nam. Lãnh đạo Doosan Enebility bày tỏ mong muốn nếu Việt Nam có nhu cầu, tập đoàn này có thể tham gia vào phát triển dự án điện nguyên tử, đồng thời doanh nghiệp này cũng rất mạnh trong phát triển các dự án điện gió quy mô lớn.
“Chúng tôi có công nghệ chế tạo công nghệ tubin, tiên phong trong lĩnh vực điện gió, đã tham gia vào một số dự án điện gió Hàn Quốc. Doanh nghiệp của chúng tôi có thể đóng góp vào lĩnh vực điện gió Việt Nam”, đại diện Doosan Enebility bày tỏ.
Cần môi trường kinh doanh minh bạch hơn
Đại diện ngân hàng Shinhan đánh giá, tiềm năng khi đầu tư tại Việt Nam với các lợi thế về tốc độ phát triển thị trường số hóa, tầng lớp sử dụng số hóa tại Việt Nam tăng nhanh. Đến nay, Shinhan đã thu hút 1,2 triệu khách hàng sử dụng ngân hàng số.
Vị đại diện Shinhan cho biết 2023 là năm thứ 30 đầu tư vào Việt Nam, và doanh nghiệp này mong muốn trở thành cấu nối cho việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp.
Tuy vậy, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng minh bạch hơn. Để đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh rất cần muôn khuôn khổ pháp lý rõ ràng.
Trước phản ánh của các nhà đầu tư, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết, đó là là tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của kinh tế thế giới; thủ tục hành chính còn bất cập; tình trạng thiếu điện tại một số địa phương phía Bắc; sức mua giảm, tình hình thiếu lao động cục bộ; đặc biệt là lao động chất lượng cao, bất động trong quy định phòng cháy chữa cháy…
Theo ông Hoàng, giải pháp để thu hút FDI nói chung và nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng là Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát ổn định; Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, ổn định thị trường ngoại tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời gian trả nợ của doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng…
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và sự hợp tác này có tính bổ trợ, cùng nhau cùng phát triển.
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục thể hiện tình cảm và trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, nêu cao tinh thần "cùng thắng", hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng hành bên nhau cả trong lúc thuận lợi, cả lúc khó khăn.