Những đại gia công nghệ Trung Quốc tiến sâu vào thị trường Mỹ và Châu Âu, đụng độ trực tiếp với Amazon

Pinduoduo và chủ sở hữu TikTok, ByteDance, đã ra mắt các trang web thương mại điện tử ở nước ngoài trong năm nay, đặt mục tiêu bán các sản phẩm từ Trung Quốc cho khách hàng nước ngoài…

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thị trường thương mại điện tử quốc tế do Amazon thống trị.

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thị trường thương mại điện tử quốc tế do Amazon thống trị.

Động thái này đặt hai hãng công nghệ Trung Quốc vào cuộc “đụng độ” trực tiếp với Amazon.

Pinduoduo, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã ra mắt website mua sắm tại Mỹ có tên Temu vào tháng trước, chủ yếu bán các sản phẩm thuộc một số danh mục từ thời trang đến thể thao và điện tử, theo CNBC.

Vài tuần sau, ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng ra mắt một website thời trang có tên If Yooou, hiện đang mở rộng vận chuyển tới Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức và Pháp.

Có thể thấy, cả hai công ty đều cố gắng tìm cách tái tạo thành công của Shein, thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng của Trung Quốc trị giá 100 tỷ USD và đã thành công thu hút một lượng lớn khách hàng lớn ở Mỹ và các khu vực lân cận.

Nền tảng của ByteDance và Pinduoduo là dựa vào thương mại điện tử xuyên biên giới - bán hàng hóa Trung Quốc cho người tiêu dùng ở nước ngoài. Thị trường Mỹ và châu Âu cũng mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng tiềm năng.

Việc mở rộng thị trường diễn ra vào thời điểm nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc đang tìm kiếm con đường tăng trưởng mới trong bối cảnh nền kinh tế trong nước tiếp tục phải đối mặt với thách thức do chính sách kiểm soát Covid nghiêm ngặt và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

"Tôi nghĩ ByteDance và Pinduoduo đang nắm bắt cơ hội để áp dụng những đổi mới thương mại độc đáo của họ vào thị trường nước ngoài”, ông Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của WPIC, một công ty tiếp thị và công nghệ thương mại điện tử hỗ trợ các thương hiệu nước ngoài bán hàng tại Trung Quốc, chia sẻ với CNBC.

CHIẾN LƯỢC CỦA PINDUODUO VÀ BYTEDANCE

Các chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới của Pinduoduo, còn được gọi là PDD, và ByteDance sẽ khác nhau do những điểm mạnh khác nhau giữa hai công ty.

Tại Trung Quốc, PDD đã phát triển nhanh chóng bằng cách xây dựng mối quan hệ liên kết trực tiếp với các nhà cung cấp và giảm giá ưu đãi. Chiến lược này là vô cùng hữu ích khi tìm nguồn cung ứng sản phẩm ở Mỹ và bán hàng với giá thấp.

Trong khi đó, ByteDance lại là nhà điều hành TikTok, một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Các thuật toán của ByteDance giúp công ty hiểu rõ người tiêu dùng trên nền tảng này, "cộng với tiềm năng tận dụng hệ sinh thái TikTok cho thương mại, là những lợi thế lớn", ông Cooke nói.

Các công ty Trung Quốc không phải là người chơi quá mới đối với thương mại điện tử ở nước ngoài. Ở Anh, TikTok đã trang bị một số tính năng mua sắm trong giao diện, nơi các nhãn hàng và KOLs tạo video về sản phẩm và người dùng có thể mua những sản phẩm đó thông qua ứng dụng.

Nhưng thành quả thu về khá ảm đạm. Dmonstudio, một website thời trang nữ mà ByteDance đã ra mắt trước đó, đã đóng cửa chỉ sau vài tháng hoạt động. Và Fanno, một trang thương mại điện tử khác từ ByteDance, cũng không có nhiều sức hút với khách hàng.

Định nghĩa “mua sắm livestream” rất phổ biến ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á, nhưng chưa thực sự tạo dấu ấn ở châu Âu hoặc Mỹ. Tờ Financial Times đưa tin vào tháng 7 rằng TikTok đã từ bỏ kế hoạch mở rộng chiến lược thương mại điện tử livestream ở châu Âu và Mỹ.

Đó có thể là lý do ByteDance vẫn kiên trì với một website mua sắm thương mại điện tử trong chiến lược của mình.

ByteDance và Pinduodudo là những “người chơi” mới hơn đến từ Trung Quốc đang tìm cách tiếp nhận thị trường quốc tế. Alibaba và JD.com, hai công ty thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, đã cố gắng mở rộng ra nước ngoài trong vài năm qua.

THÁCH THỨC ĐẶT RA

Những nỗ lực của ByteDance và Pinduoduo nhằm phá vỡ thị trường thương mại điện tử đã đẩy hai công ty cạnh tranh trực tiếp với gã khổng lồ Amazon của Mỹ.

Pinduoduo sẽ tìm cách thách thức Amazon về giá cả. Còn website If Yooou của ByteDance sẽ cạnh tranh về thời trang, một lĩnh vực mà Amazon đang tìm cách phát triển.

Nhưng cả hai đều có thể phải đối mặt với nhiều thách thức khi muốn đánh bật sự thống trị của Amazon.

Một lý do mà người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc có xu hướng ủng hộ mô hình của Amazon, theo ông Cooke, đó là khách hàng thường đến Amazon để tìm các sản phẩm hoặc thương hiệu cụ thể mà họ đã quyết định mua.

Ngược lại, các nền tảng Trung Quốc như Tmall của Alibaba và JD.com "hoạt động giống như các trung tâm mua sắm ảo, nơi mọi người đang lướt và tham gia vào trải nghiệm xã hội kỹ thuật số".

Pinduoduo và ByteDance "có thể ăn mòn thị phần của Amazon trong một số lĩnh vực nhất định như Shein đã làm, nhưng cuối cùng họ có thể sẽ không gây nguy hiểm cho sự thống trị của Amazon trên thị trường thương mại điện tử Mỹ", CEO Cooke khẳng định. "Họ phải đối mặt với sự công nhận thương hiệu thấp và cần xây dựng lòng tin của người dùng".

Bảo Ngọc -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nhung-dai-gia-cong-nghe-trung-quoc-tien-sau-vao-thi-truong-my-va-chau-au-dung-do-truc-tiep-voi-amazon.htm