Những đại quan tham Trung Quốc nổi tiếng gục ngã trước 'ải mỹ nhân', 'bẫy quyền sắc' (Kỳ 5, phần 2): Thành Khắc Kiệt, lãnh đạo cấp nhà nước bị tử hình từ việc ngoại tình
Trong lịch sử Trung Quốc từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập (1949) đến nay, có duy nhất một 'người lãnh đạo đảng, nhà nước' phải nhận án tử hình vì tội tham nhũng. Đó là ông Thành Khắc Kiệt, UVTW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 14, Phó Bí thư, Chủ tịch Khu tự trị (tỉnh) Quảng Tây, Phó chủ tịch Quốc hội khóa 9. Ngày 31/7/2000, Thành Khắc Kiệt bị Tòa án thành phố Bắc Kinh tuyên phạt mức án tử hình, tịch thu tài sản về tội nhận hối lộ 41 triệu NDT; ngày 14/9/2000, bị hành quyết bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Lộ chuyện tham nhũng từ việc có phụ nữ ở chung phòng nơi đất khách
Thành Khắc Kiệt là người dân tộc Choang, sinh năm 1933, quê huyện Thượng Lâm, Quảng Tây. Gia đình ông ta là cả tấn bi kịch: Cha mẹ đều bị đấu tố đến chết trong “Cách mạng Văn hóa”; có 2 con trai thì một người bị cảnh sát đánh chết khi chống cự lệnh bắt, người còn lại nghiện ma túy; vợ thì mắc chứng trầm cảm do chồng ngoại tình rồi treo cổ tự tử. Đổi lại, quan lộ của ông ta khá hanh thông: Năm 1957 sau khi tốt nghiệp Học viện Đường sắt Bắc Kinh, Thành Khắc Kiệt về công tác tại Cục Đường sắt Liễu Châu (Quảng Tây), từ kỹ thuật viên lên Tổng công trình sư rồi Cục phó, Cục trưởng (1985). Năm 1986 được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch Khu (tỉnh) Quảng Tây, năm 1989 là Phó bí thư khu ủy, 1990 là Chủ tịch Khu. Năm 1992 được bầu vào Trung ương tại Đại hội 14; tháng 3/1998 được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa 9, trở thành “người lãnh đạo đảng, nhà nước” cấp phó.
Thành Khắc Kiệt (giữa) khi còn là "Vua Quảng Tây".
Vụ việc của Thành Khắc Kiệt bị bại lộ từ việc đầu năm 1999, ông ta theo đoàn đại biểu Quảng Tây ra nước ngoài khảo sát; khi quá cảnh Ma Cao, các thành viên trong đoàn tình cờ bắt gặp cảnh vị Phó chủ tịch Quốc hội tình tứ với một phụ nữ trẻ ở quầy giải khát của khách sạn; khi đoàn rời Ma Cao thì thấy người phụ nữ này đi từ phòng của ông ta ra. Sau khi về nước, một số thành viên trong đoàn đã báo cáo với trung ương. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW) lập tức tiến hành điều tra, xác minh người phụ nữ đó là Lý Bình, sinh 1955, kém 22 tuổi, người mà trước đó đã có đơn thư tố giác là người tình của Thành Khắc Kiệt. Đi sâu điều tra đã phát hiện hàng loạt vụ tham nhũng lớn liên quan đến 2 người. Tháng 8/1999, Trung ương chính thức giao UBKTKLTW tiến hành điều tra về tội lỗi của Thành Khắc Kiệt; ngày 20/4/1999, Thành Khắc Kiệt bị khai trừ đảng, 5 ngày sau ông ta bị Viện kiểm sát tối cao phát lệnh bắt giữ về tội trực tiếp và thông qua người tình Lý Bình nhận hối lộ 41,09 triệu NDT trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quảng Tây từ 7/1994 đến 7/1997 để giúp các tập thể và cá nhân trong làm ăn, kinh doanh, thăng quan tiến chức. Phần lớn số tiền này đã được Lý Bình gửi vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.
Thành Khắc Kiệt bị Tòa án Bắc Kinh đưa ra xét xử trong các ngày 13, 14/7/2000. Ngày 31/7, Tòa án Bắc Kinh tuyên án, phạt Kiệt mức án tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản. Thành Khắc Kiệt chống án những bị bác bỏ; ngày 14/9/2000, ông ta bị quyết tại nhà tù Tần Thành.
Ngày 31/7/2000, khi phiên tòa sơ thẩm Thành Khắc Kiệt kết thúc với án tử hình thì người tình Lý Bình của ông ta cũng bị đưa ra xét xử trong một vụ án khác, Ngày 9/8/2000, Tòa án thành phố Bắc Kinh đã tuyên phạt Lý Bình, 46 tuổi mức án tù chung thân vì các tội “hợp mưu với Thành Khắc Kiệt nhận hối lộ trong thời gian Thành Khắc Kiệt giữ chức Chủ tịch Quảng Tây và buôn lậu”; đồng thời Tòa cũng đưa ra mức phạt tiền 400 ngàn NDT (48 ngàn USD) và tịch thu 27 triệu NDT (3,4 triệu USD) là tài sản cá nhân của Lý Bình.
Ông Vi Thuần Thúc, cựu Chủ tịch Quảng Tây, sếp trên và người tiền nhiệm của Thành Khắc Kiệt, bố chồng Lý Bình.
Ngoại tình với con dâu của người tiền nhiệm
Lý Bình là Giám đốc khách sạn ngoại vụ Quảng Tây và là con dâu ông Vi Thuần Thúc, nguyên Chủ tịch Quảng Tây, là cấp trên trực tiếp, đồng thời là người tiền nhiệm của Thành Khắc Kiệt. Ông Vi Thuần Thúc giữ chức này từ 4/1983 đến tháng 1/1990, sau khi bàn giao chức vụ cho Thành Khắc Kiệt thì trở thành Ủy viên Ủy ban Cố vấn trung ương. Thành Khắc Kiệt đối với ông Vi Thuần Thúc nặng ân tình. Họ là hàng xóm sống cùng khu, ra khỏi cửa là gặp nhau, Thành Khắc Kiệt và Lý Bình ngày nào cũng gặp mặt, nhưng ban đầu chỉ gật đầu chào nhau mà thôi.
Khách sạn của Lý Bình là đơn vị trực thuộc Văn phòng đối ngoại tỉnh Quảng Tây. Là chủ tịch tỉnh, Thành Khắc Kiệt thường xuyên tới đây để tiếp khách nên tiếp xúc với “cô bé hàng xóm” Lý Bình rất nhiều. Từng lọc lõi trong quan hệ với lãnh đạo thời làm lái xe ở Cục thương nghiệp để kiếm lợi, nay quen biết một quan to như Thành Khắc Kiệt, Lý Bình thấy phải làm cú gì đó thật lớn.
Lúc đầu Lý Bình tìm đến Thành Khắc Kiệt chỉ để nhờ phê duyệt công văn, xác nhận chứng từ lặt vặt; Thành Khắc Kiệt cũng không có ý gì khác, chỉ giúp đỡ Lý Bình để tỏ ân nghĩa đối với người lãnh đạo cũ. Mỗi khi Lý Bình nhờ Kiệt giúp gì đó trong việc kinh doanh, ông ta lại nói với cấp dưới phụ trách việc này: “Đây là con dâu của đồng chí lãnh đạo cũ, các cậu giúp cô ấy nhé!”.
Lý Bình khi còn trẻ.
Lần nào Lý Bình nhờ vả Thành Khắc Kiệt giúp đỡ cũng đều được việc, dần dà trong lòng cô ta nảy sinh tình cảm tốt đẹp với ông, cảm thấy Kiệt là người trượng nghĩa nên đối xử rất nhiệt tình. Nhưng ban đầu, Thành Khắc Kiệt không có ý định đi vào con đường sa ngã.
Trong cuộc sống tình cảm vợ chồng, giữa Thành Khắc Kiệt và vợ không thật gắn bó nồng thắm nên dần dà ông ta muốn tìm kiếm sự bù đắp từ người phụ nữ khác. Mỗi lần đến khách sạn ăn uống, ông ta đều thích gần gũi các nhân viên phục vụ, thậm chí thuộc hết tên họ. Cũng có lúc ông ta cho gọi mấy cô trẻ đẹp đến để tiêu khiển, nhưng Kiệt nhanh chóng nhận ra những cô nàng trẻ đẹp này thực ra chẳng có tình cảm gì với mình, thứ họ cần chỉ là tiền chứ không có chút tình cảm thật. Ông muốn tìm kiếm một người tình, người phụ nữ tri kỷ có tình cảm thực sự với ông.
Lý Bình cũng không hài lòng với người chồng, cô ta phát hiện Thành Khắc Kiệt có quyền, có tiền, lại đa tài đa nghệ. Ông ta có giọng hát rất hay, có thể sánh ngang ca sĩ. Khi ông tới khách sạn ăn cơm, có người mang giấy và nghiên bút đến, Lý Bình kinh ngạc phát hiện thấy thư pháp của Thành Khắc Kiệt rất tuyệt vời. Chữ ông viết rất đẹp, chúng dùng được đề tên cho nhiều nơi công cộng như nhà ga, sân bay…Lý Bình dần đem lòng ngưỡng mộ ông.
Lý Bình bị đưa ra xét xử.
Năm 1991, Lý Bình đầu tư một dự án lớn, nhờ sự giúp đỡ của Thành Khắc Kiệt, vụ làm ăn này rất thành công. Xong việc, Lý Bình đem theo lễ vật tự lái chiếc xe Mitsubishi cao cấp đến nhà Thành Khắc Kiệt để cám ơn. Thấy Lý Bình đến tận nhà cám ơn, Thành Khắc Kiệt ngắm kỹ và chợt nhận ra vẻ đẹp quyến rũ toát ra từ người phụ nữ này. Ông ta nắm chặt hay tay Bình, nheo mắt đầy ý tứ: “Em cám ơn tôi thế nào đây?”. Lý Bình biết rõ ý tứ của Thành Khắc Kiệt nhưng dù sao Thành Khắc Kiệt cũng là bề trên về tuổi tác, nên Bình giả ý không hiểu, chỉ nhiệt tình hỏi han về gia đình, Thành Khắc Kiệt thừa cơ ôm chặt và hôn điên cuồng lên môi, lên ngực Lý Bình. Sau một hồi kháng cự yếu ớt, Lý Bình buông xuôi. Đó là lần đầu tiên họ mây mưa cùng nhau…
Sau lần đó, hai người luôn tìm mọi cơ hội để được ở bên nhau. Lần đầu khi họ cùng nhau qua đêm ở khách sạn, Lý Bình rất sợ, nhưng Thành Khắc Kiệt thì không, lửa dục khiến ông ta bất chấp. Khi đó Kiệt đang ở đỉnh cao quyền lực, ông ta thấy mình yêu Lý Bình là hợp pháp, vị trí của ông ta có thể lấy bàn tay che cả bầu trời, là chủ tịch thì phải sợ ai?
Dục vọng về quyền lực của Lý Bình ngày càng mãnh liệt. Cô ta biết rõ, mình từ lái xe trở thành giám đốc là nhờ quyền lực của bố chồng. Nay ông đã về hưu, chính người đàn ông đang nằm trong vòng tay cô mới là “đại ca” nắm giữ vận mệnh của Quảng Tây. Chinh phục được người này nghĩa là chinh phục được Quảng Tây và có những ngày tháng sống sung sướng trước mắt.
Thành Khắc Kiệt bị đưa ra xét xử và nhận án tử hình.
Trước khi đem lòng yêu Lý Bình, Thành Khắc Kiệt cũng từng “tầm hoa vấn liễu”, Lý Bình cũng từng lên giường với người đàn ông khác ngoài chồng. Lúc đầu, khi tìm đến với nhau, họ đều có động cơ lợi ích. Lý Bình thì dùng sắc mưu quyền, để kiếm thêm được nhiều lợi lộc; Thành Khắc Kiệt thì dùng quyền đổi sắc để khỏa lấp sự trống trải. Ban đầu cả hai người đều không mấy để tâm đến chuyện ngoại tình lần này bởi đó đều không phải là lần đầu tiên họ làm chuyện này. Lý Bình cảm thấy khi lên giường cùng Thành Khắc Kiệt không có mấy khoái cảm, lên giường với ông già này chỉ là để ông ta ngoan ngoãn làm việc giúp mà thôi. Thành Khắc Kiệt cũng không mấy để tâm đến hình ảnh của Lý Bình, vì khi đã là “Vua Quảng Tây”, đừng nói đến người phụ nữ đã trung niên như Lý Bình, nếu cần các cô gái trẻ 17, 18 phục vụ, cũng có ngay người nhào vào lòng ông.
Có lần một sẽ có lần hai, họ như lửa cháy gặp rơm khô, ngọn lửa dục tình giữa họ ngày càng bốc mạnh. Do thân thế của Thành Khắc Kiệt, có lúc họ cùng nhau trong phòng khách sạn, có lúc hẹn nhau làm chuyện ấy ngay trên xe hơi. Giấy không bọc được than, chuyện ngoại tình của họ nhanh chóng đến tai bà vợ Thành Khắc Kiệt. Bà không dung thứ cho hành động phản bội của chồng nên lập tức báo cáo với tổ chức. Không ngờ Thành Khắc Kiệt thẳng thừng: Bà cứ việc tố cáo, tôi thà không làm quan nữa cũng quyết sống cùng Lý Bình thay vì bà!
Năm 1992, do có mối quan hệ thân thích ở hải ngoại và được Thành Khắc Kiệt quan tâm, tạo điều kiện, Lý Bình được sang Hong Kong định cư cùng anh trai và mẹ. Giá nhà ở Hong Kong rất đắt, khi mới sang Lý Bình không có nhà, tạm thời ở nhờ nhà anh trai. Người anh chỉ học trung cấp chuyên nghiệp, sang Hong Kong chỉ biết đánh bạc suốt ngày đêm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và nghỉ ngơi của Lý Bình. Sau đó Lý Bình bỏ ra 5 triệu HKD mua một căn nhà, mở công ty mậu dịch, chuyên đại lý sản phẩm xuất khẩu của Quảng Tây. Với thân phận là doanh nhân Hong Kong, Lý Bình thường xuyên đi về như con thoi giữa Hong Kong và Quảng Tây.
Có Thành Khắc Kiệt chống lưng, những người tìm đến Lý Bình thương thuyết, ký kết hợp đồng buôn bán ngày càng nhiều, kim ngạch giao dịch tăng lên theo chiều thẳng đứng, thậm chí vượt qua cả công ty thương mại của Quảng Tây ở Hong Kong.
Lý Bình trong nhà giam.
Từ tình dục đến tình yêu, cùng nhau phạm tội và kết cục nghiệt ngã
Dần dà hai người đã đem lòng yêu nhau. Nếu ban đầu Lý Bình ngã vào vòng tay Thành Khắc Kiệt là có ý đồ rõ ràng, thì sau đó cô đã yêu ông ta thực sự. Cô ngày càng cảm thấy không thể sống xa ông dù chỉ 1 ngày. Để được người tình vui lòng, Lý Bình tìm đến các cơ sở spa để làm đẹp, tập gym, tuy đã 46 tuổi, nhưng nom cô ta như chưa tới 40. Để tương xứng với người tình, Thành Khắc Kiệt cũng nhuộm tóc, đi phẫu thuật xẻ mí mắt, ăn mặc luôn chải chuốt…
Trước đây họ hẹn hò nhau sau lưng bà vợ, nhưng từ sau khi bà mang chuyện của chồng ra làm ầm ĩ, Thành Khắc Kiệt trở nên bất chấp. Việc bà vợ gây chuyện chỉ càng làm quan hệ hai người gần nhau thêm. Bà vợ Kiệt không muốn mất chồng, nên chủ động tìm gặp lãnh đạo cấp trên rút đơn tố giác: “Trước đây tôi ghen tuông, nhìn gà hóa cuốc; thực ra chồng tôi với Lý Bình không có chuyện gì cả!”.
Sự nhẫn chịu đó của bà vợ lại càng khiến Thành Khắc Kiệt không còn biết sợ. Ông ta công khai đưa Lý Bình về nhà, bà vợ ngồi dưới phòng khách, Kiệt đưa Bình lên phòng trên mây mưa cùng nhau.
Tình yêu như nước triều, Thành Khắc Kiệt đã không thể rời xa Lý Bình. Tất nhiên điều này không qua mắt được người thư ký. Anh ta nịnh hót Kiệt: “Tình yêu phải có cơ sở vật chất, đó chính là tiền. Không có tiền, anh chị ở lều tranh thì liệu có tình yêu không?”. Câu nói đó khiến Thành Khắc Kiệt thay đổi. Cuối năm 1993, Thành Khắc Kiệt và Lý Bình bàn nhau, quyết định sẽ chia tay với người bạn đời hiện có để kết hôn cùng nhau.
Hai người bàn nhau để Lý Bình đứng ra tìm người nhờ lo việc, Thành Khắc Kiệt với cương vị Phó bí thư, Chủ tịch Quảng Tây sẽ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giải quyết việc người ta nhờ, số tiền kiếm được sẽ gửi vào ngân hàng ở nước ngoài, chuẩn bị cho việc tiêu xài sau khi kết hôn.
Thành Khắc Kiệt đã tạo điều kiện để Chu Khôn, Tổng giám đốc công ty nhà đất Ngân Hưng khai thác các khu đất vàng, nhận công trình, vay tiền ngân hàng…làm ăn. Đổi lại, chỉ từ đầu 1994 đến tháng 6/1995 Chu Khôn đã hối lộ hai người hơn 20,21 triệu NDT. Từ đầu năm 1996, Kiệt và Bình lại giúp cho Khôn nhận xây dựng Cung Dân tộc, sau khi xong việc Khôn biếu lại 9 triệu tệ và 8,04 triệu HKD. Ngoài ra, tính đến cuối năm 1997, Kiệt và Bình đã lần lượt nhận quà gồm tiền mặt NDT, HKD, USD, nhẫn quý, vàng thoi, đồ trang sức vàng, đồng hồ…
Cặp tình nhân này đã lợi dụng chức vụ, uy quyền “Vua Quảng Tây” của Thành Khắc Kiệt để “bàn tay che bầu trời”, mưu lợi cho nhiều người để kiếm chác. Lý Bình bị mọi người gọi là “Giang Thanh của Quảng Tây”. Tính ra hai người đã nhận tổng cộng 41,09 triệu NDT, tất cả số tiền này đều được Lý Bình chuyển hết ra ngoài. Trừ 11,5 triệu tệ chuyển khoản cho một ông chủ Hong Kong, số còn lại đều được gửi vào ngân hàng nước ngoài. (Sau này toàn bộ số tiền gửi các ngân hàng này đều đã được thu hồi).
Phần mộ của Thành Khắc Kiệt ít được người thân chăm nom.
Tháng 8/1999, UBKTKLTW triển khai điều tra những hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật của Thành Khắc Kiệt ở Quảng Tây. Lúc này Kiệt đã là Phó chủ tịch Quốc hội. Lý Bình nghe tin người tình bị điều tra vội vàng mua vé máy bay định từ Hong Kong bay sang Australia. Bên đó có cô con gái đang du học, ở nhờ nhà một người bạn của mẹ. Thế nhưng, tuy có hộ chiếu Hong Kong nhưng Lý Bình vẫn không thoát được lưới pháp luật. Cô ta bị UBKTKLTW bắt để điều tra do có liên quan đến vụ án Thành Khắc Kiệt.
Khi bị thẩm vấn, Lý Bình đã khai nhận tuốt toàn bộ quá trình cùng Thành Khắc Kiệt nhận hối lộ của hơn 30 người. Trí nhớ Lý Bình rất tốt, cô ta ghi đầy đủ từng khoản tiền, nhận của ai, ngày nào…với ý nghĩ: thành khẩn khai báo sẽ giữ được mạng sống cho người tình.
Ngày 26/6/2000, Tòa án Bắc Kinh thụ lý vụ án Thành Khắc Kiệt nhận hối lộ. Hai ngày 13, 14/7 tòa án mở phiên xét xử công khai. Khi quan tòa thẩm vấn Thành Khắc Kiệt, ông ta đã nhận hết trách nhiệm về mình, mục đích là nhằm giúp người tình thoát tội.
Sau khi Thành Khắc Kiệt bị thi hành án, lúc đầu cơ quan tư pháp phong tỏa tin tức, không cho Lý Bình biết. Nhưng sau đó Lý Bình cũng biết tin người tình đã bị tử hình, cô ta đau đớn không còn thiết sống, lúc đầu kiên quyết tuyệt thực để chết theo Thành Khắc Kiệt…sau các cán bộ quản giáo phải tìm cách làm công tác tư tưởng, khuyên bảo, thuyết phục, Lý Bình mới dần nguôi ngoai…
(Còn tiếp)