Những đàn chuột 'hiến xác' cho khoa học
Mang một sứ mệnh đặc biệt phục vụ công tác phòng, chữa bệnh cho con người, nên những con chuột lang, chuột nhắt ở trong Trại Chăn nuôi Suối Dầu (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - IVAC), xã Suối Tân, huyện Cam Lâm được chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt.
. Chăm chuột như... chăm con
Chỉ tay về phía những “căn hộ” nhỏ liền kề bên trong “chung cư mi ni”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng Trại Chăn nuôi Suối Dầu khoe: “Đây là nơi lưu trú của hơn 17.000 con chuột lang, chuột nhắt của trại”. Đập vào mắt chúng tôi là 4 “chung cư mi ni” với hàng trăm “căn hộ”. Mỗi “căn hộ” rộng từ 0,5 - 1m2, tầng dưới là lớp nệm bằng vỏ trấu, tầng trên là sàn lưới thép, hai bên vách được ốp lát gạch men màu trắng, có cửa sổ để chuột nhìn ngắm bên ngoài…
Cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Minh tạm dừng vì đến giờ nhân viên quét dọn sạch sẽ “căn hộ” để chuẩn bị phục vụ bữa trưa cho đàn chuột. Chị Lê Thị Thu Hà - nhân viên gắn bó với công việc chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chuột ở Trại Chăn nuôi Suối Dầu hơn 22 năm cho biết, phục vụ khu chăn nuôi chuột có gần 15 nhân viên, mỗi nhân viên đảm trách từ 550 - 750 con, cư trú tại 50 đến 60 “căn hộ”. Ngoài việc đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng theo tiêu chí: mùa khô thông thoáng mát mẻ, mùa đông che chắn ấm áp, các nhân viên còn phải cung cấp khẩu phần ăn cho đàn chuột đúng giờ để đảm bảo chúng luôn được “ăn ngon, ngủ tốt”.
Thức ăn cho đàn chuột là những thỏi bánh hình trụ nhỏ bé được tinh chế từ gạo, cám, bắp, đậu nành, bột cá và thỉnh thoảng bổ sung thêm lúa mầm, cỏ xanh, giá đậu để tăng khả năng sinh sản. Nhân viên Ngô Thị Hạnh cho biết: “Khẩu phần ăn mỗi ngày của một con chuột lang trọng lượng 100gram là 6gram thức ăn và 15gram cho một con chuột nhắt trọng lượng 100gram”. Nhân viên Hà Thị Nga tâm sự, không chỉ được chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, những con chuột nuôi ở đây còn được kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng tuần. Mỗi khi phát hiện chuột lâm bệnh, nhân viên thú ý phải kịp thời can thiệp bằng các biện pháp cách ly và áp dụng phác đồ điều trị thích hợp…
Thạc sĩ Minh ví von những đàn chuột lang, chuột nhắt ở đây được các nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, rất khoa học, chẳng khác nào người mẹ chăm sóc đứa “con cưng” bằng tất cả tâm huyết và tình yêu thương sâu sắc. Nhiều thế hệ chuột lang, chuột nhắt du nhập từ Thụy Sĩ, Thái Lan được nuôi dưỡng trưởng thành và sinh sản rất nhanh, đáp ứng kịp thời các hoạt động thử nghiệm y sinh ở IVAC.
. Sứ mệnh thử nghiệm
Sau một quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng khoa học, nghiêm ngặt, nguồn “chuột sạch” đảm bảo đủ sức khỏe, ngày tuổi, trọng lượng và không sử dụng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian sinh trưởng mới được tuyển chọn đưa vào thử nghiệm kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế an toàn cho người.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế cho biết, từ Trại Chăn nuôi Suối Dầu, “chuột sạch” được đưa về tổ chăn nuôi động vật thí nghiệm thuộc Phòng kiểm định IVAC tại Nha Trang tiếp tục chăm nuôi cách ly 3 ngày đêm để thích nghi môi trường mới, trước khi đưa vào thử nghiệm. Khởi đầu sứ mệnh thử nghiệm, mỗi con chuột được cấp mã số riêng biệt, kiểm tra sức khỏe, trọng lượng để ghi chép trong “y bạ” trước khi đưa vào lồng có gắn nhãn. Sau khi tiêm mẫu thử nghiệm, các nhà khoa học giám sát tình trạng sức khỏe của chuột xuyên suốt hai giờ đầu và giám sát mỗi ngày trong thời gian thử nghiệm để theo dõi, ghi chép vào “y bạ” về trọng lượng, triệu chứng bất thường.
Tiến sĩ Thái khẳng định: “Bất kỳ một loại vắc xin và sinh phẩm y tế nào muốn xuất xưởng, đưa ra sử dụng đều phải đạt độ an toàn và công hiệu thử nghiệm trên “chuột sạch”. Ngoài ra, IVAC còn sử dụng “chuột sạch” trong hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển sản phẩm vắc xin và sinh phẩm y tế mới. Vì thế, những năm gần đây, mỗi năm ít nhất có khoảng 3.000 - 3.500 con chuột lang và 30.000 - 45.000 con chuột nhắt được đưa từ Trại Chăn nuôi Suối Dầu về Phòng kiểm định của IVAC để “hiến xác” cho các hoạt động thử nghiệm y sinh. Dẫu cho thời gian sống rất ngắn, nhưng sự cống hiến của chúng trong hoạt động khoa học y sinh thật sự giá trị và ý nghĩa”.
Phan Thế Hữu Toàn