Những dân văn phòng đi bar với áo sơ mi, váy bút chì
Nhiều người trẻ đến bar, pub ngay sau giờ làm với trang phục công sở cùng thẻ nhân viên trên cổ. Họ coi đây là nơi giúp giải tỏa áp lực công việc, gặp gỡ đối tác thay văn phòng.
Sau giờ hành chính, Mai Trang (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) di chuyển nhanh đến pub quen thuộc. Chưa kịp về nhà sửa soạn, nhân viên văn phòng này mặc luôn bộ đồ công sở gồm áo sơ mi, quần ống suông.
Dừng xe trước cửa quán đúng 18h, Trang mừng thầm vì vẫn đến nơi kịp "happy hour" (khung giờ giảm giá các loại cocktail). Cô cho biết đây là hoạt động giải trí thường xuyên của mình sau khi tan ca.
"Tôi thường ghé các pub quen 2-3 lần/tuần. Mỗi lần, tôi gọi nhiều hơn một ly cocktail. Đến quán trong happy hour giúp tôi có thể tiết kiệm một khoản đáng kể", Mai Trang chia sẻ cùng Zing.
'Cổ cồn trắng' đi thẳng từ văn phòng tới bar, pub
Trước đây, mỗi lần hẹn gặp bạn bè tại bar, Mai Trang thường dành hàng giờ đồng hồ để trang điểm và lựa chọn cho mình bộ đồ quyến rũ, nổi bật.
Tuy nhiên, khi việc đi uống cocktail đã trở thành thói quen, cô nàng công sở này thường xuyên bước vào quán với đồ đi làm và thẻ nhân viên trên cổ.
Từ lâu, Mai Trang đến quán và không cần sử dụng đến menu. Chỉ cần nói "Như mọi khi", anh chàng bartender sẽ hiểu ý và pha cho cô khách quen một ly Old Fashioned (loại cocktail sử dụng rượu nền whiskey kết hợp với tinh dầu vỏ cam).
"Những ngày tâm trạng không tốt, tôi đổi món bằng cách yêu cầu bartender đem ra một ly cocktail có vị ngọt nhẹ nhàng. Đồ uống ngọt có khả năng cải thiện tâm trạng", Mai Trang chia sẻ thêm.
Dịp cuối năm, khối lượng công việc tăng gấp đôi, cô thậm chí phải mang theo laptop đến quán rượu để chạy deadline.
Nhâm nhi ly đồ uống, nghe nhạc jazz, cô cho biết mình có nhiều ý tưởng sáng tạo hơn so với việc ngồi trong phòng kính 8 tiếng đồng hồ.
Kiều Ly (28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một khách hàng công sở quen thuộc tại các quán bar, thường ghé những quán quen ngay sau giờ hành chính.
Nhưng khác với Mai Trang, nhân viên chăm sóc khách hàng lĩnh vực ngân hàng này không mong muốn tìm kiếm ý tưởng. Cô thường xuyên lui tới những địa điểm này để thảo luận công việc với khách.
"Ai từng làm ngành của tôi sẽ hiểu, việc gặp gỡ đối tác, khách hàng ở những nơi thế này sẽ giúp công việc dễ dàng và thoải mái hơn nhiều", Kiều Ly tâm sự.
Do di chuyển từ công ty, cô thường xuyên bước vào các tụ điểm ăn chơi với áo sơ mi trắng, chân váy bút chì và giày cao gót.
"Khi gặp gỡ khách hàng, tôi sẽ không uống nhiều. Đôi khi, hợp đồng được ký kết ngay trên bàn rượu. Có những tối, trong âm nhạc sôi động, tôi vẫn phải lật giở từng trang giấy để khách ký tên, tránh sai sót không mong muốn", cô kể lại.
Với nhiều người, quán bar, pub là nơi vui chơi và giải trí. Nhưng đối với Kiều Ly, đây như một "văn phòng thứ hai", nơi cô luôn mang theo cặp tài liệu cùng bút.
Cô chỉ thực sự thoải mái khi đi bar trong những dịp tụ tập bạn bè.
Đi với bạn bè, Ly mới dám uống nhiều hơn. Làm việc liên tục với số liệu cả ngày, đây là khoảng thời gian hiếm hoi cô nàng thả lỏng đầu óc và thăng hoa cùng âm nhạc.
"Tuy vậy, tôi vẫn phải mặc đồng phục ngân hàng đi gặp gỡ bạn bè do thường xuyên tăng ca đến 21-22h", cô nói.
Ảnh hưởng sức khỏe và túi tiền
Tại những quán pub quen thuộc của Mai Trang, mỗi ly classic cocktail có giá khoảng 200.000-300.000 đồng. Mỗi dịp ghé quán sau giờ làm, cô thường chi trả hơn 500.000 đồng cho 2 ly cocktail. Thấy ngại vì ngồi lâu, cô hiếm khi chỉ gọi một ly rồi ra về.
"Hàng tháng, tôi chi ra khoảng 3-5 triệu đồng cho những buổi ngồi pub. Cuối tháng trước, tôi bất ngờ khi kiểm tra lịch sử giao dịch ngân hàng và nhận ra đã tiêu tới 8 triệu đồng cho hoạt động này", Trang chia sẻ với Zing.
Phần lớn thu nhập của Mai Trang đến từ các dự án làm thêm (side job). Do đó, khoản chi tiêu mỗi tháng phụ thuộc vào khối lượng công việc cô đảm nhiệm.
Tháng nào công việc không thuận lợi, Trang hạn chế đi uống sau giờ làm.
Đồng cảm với Mai Trang, Kiều Ly cho biết cô cũng gặp áp lực tài chính vì những bữa tiệc liên miên. Sau các cuộc làm việc cùng đối tác, nhóm của cô thường chi trả những hóa đơn lên tới 15-20 triệu đồng.
Không chỉ cocktail, Ly và các bạn còn gọi rượu chai, khay shots, hoa quả và snack (đồ ăn vặt). Những buổi vui chơi thường kéo dài 3-4 tiếng với số tiền phải trả ít khi dưới 10 triệu đồng.
"Sau mỗi đêm ăn chơi, một người bạn của tôi sẽ đại diện quẹt thẻ. Ngày hôm sau, tôi luôn lo sợ khi nhận tin nhắn chia tiền", Kiều Ly cười và nói.
Bên cạnh áp lực tài chính, Ly còn gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Thường xuyên uống rượu đến 3h, song cô nhân viên ngân hàng vẫn phải đến văn phòng chấm công lúc 8h.
Ban đầu, Kiều Ly chỉ lo ngại về những cơn hangover (đau đầu và nôn nao sau khi uống rượu) kéo dài. Cô cho rằng chỉ cần uống thuốc giải rượu và ăn chút hoa quả là cơ thể lại trở về trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, hậu quả của những cuộc vui nghiêm trọng hơn Ly tưởng tượng. Khi đi khám tổng quát theo chế độ chăm sóc sức khỏe của công ty, cô mới phát hiện ra bản thân bị viêm gan. Bác sĩ chẩn đoán đồ uống có cồn là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Sau khi kê thuốc điều trị, bác sĩ cũng yêu cầu Kiều Ly lập tức bỏ rượu.
"Tôi vẫn thường xuyên đến bar, nhưng lựa chọn các loại mocktail nhẹ nhàng", cô cho hay.
Ngành nightlife quen với khách văn phòng
Đang quản lý một chuỗi bar tại Hà Nội, Kim Phụng (28 tuổi) không còn xa lạ với khách hàng là dân văn phòng. Trước đây, cô hiếm khi bắt gặp khách diện sơ mi đóng thùng đến quán. Tuy vậy, khoảng 3-4 năm nay, số lượng người trẻ như vậy ngày một nhiều.
Theo chia sẻ của Kim Phụng, nhân viên công sở chiếm khoảng 20-30% tổng số lượng khách hàng.
Đây cũng là đối tượng mục tiêu mà các bar cô quản lý nhắm tới khi chạy quảng cáo bài đăng trên mạng xã hội.
"Nhân viên văn phòng dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội. Họ dễ dàng nhìn thấy bài quảng cáo của chúng tôi. Nhiều khách cũng chia sẻ biết đến quán qua kênh truyền thông này", Phụng trao đổi với Zing.
Quản lý nhiều mô hình bar khác nhau, cô cũng cho biết sự lựa chọn quán của khách văn phòng tùy thuộc vào mục đích.
Với mục tiêu tiếp khách, họ thường ghé cocktail bar để thưởng thức một số loại đồ uống nhẹ nhàng và trò chuyện trong tiếng nhạc jazz, deep house.
Ngược lại, để vui chơi với bạn bè, khách hàng của Phụng hay tìm đến lounge và đắm chìm trong âm nhạc house lak, bigroom, electro house.
Gắn bó với ngành nightlife hơn 5 năm với vị trí bartender, Quang Huy (25 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng công sở. Theo chia sẻ của Huy, họ thường là khách quen, tần suất quay lại quán cao.
"Nhân viên văn phòng thường đến pub với dáng vẻ mệt mỏi sau ngày dài làm việc. Tôi biết lúc này họ cần một miếng khăn ấm, chút snack lót dạ trước khi gọi đồ uống", bartender 25 tuổi này chia sẻ.
Theo Huy, dân công sở đến pub một mình thường có nhu cầu trò chuyện với nhân viên pha chế. Họ hay chọn một vị trí trên quầy bar và chủ động bắt chuyện với bartender.
Sau những giờ làm việc căng thẳng, các nhân viên "cổ cồn trắng" mong muốn tìm kiếm người trút bầu tâm sự.
Không chỉ chia sẻ với bartender, họ còn gợi chuyện với những vị khách khác.
"Đó là lý do nhiều mối tình bắt đầu từ quầy bar", Quang Huy hóm hỉnh.
Huy cũng thường xuyên chứng kiến khách hàng, đặc biệt là dân văn phòng, tới pub uống rượu khi chưa kịp ăn tối. Về lâu dài, anh cho rằng thói quen này sẽ tàn phá sức khỏe một cách nặng nề. Tuy làm công việc pha chế, Quang Huy vẫn khuyên khách không nên lạm dụng đồ uống có cồn.
"Bartender và quán luôn mong có khách, nhưng cũng mong khách khỏe mạnh để quay lại quán nhiều hơn. Tôi thường hỏi khách ăn gì chưa để gợi ý các thức uống phù hợp", Huy kết luận.