Những đảng viên 'Bộ đội Cụ Hồ' trên tuyến đầu chống dịch

Bài 2: Tỏa sáng phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ'

Bài 2: Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

>>> Bài 1: Quyết liệt đối đầu với thử thách, khó khănBài 2: Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Tinh thần “Ở đâu nhân dân cần, ở đâu có khó khăn, ở đó có bộ đội” được phát huy trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong cuộc “tiếp sức” tổng lực hỗ trợ các tỉnh phía Nam đẩy lùi dịch bệnh, những CBĐV, chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” của LLVT Hà Nam lại một lần nữa thể hiện bản lĩnh kiên trung cao đẹp, đầy tính nhân văn.

Tình nguyện vào tâm dịch

Trong cuộc chiến này, vai trò gương mẫu của những CBĐV, chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy cao độ và được thể hiện rõ nét qua tinh thần tình nguyện, dấn thân, sẵn sàng lên đường đến những nơi nguy hiểm nhất, chung sức cùng đồng đội giúp đỡ nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Ngày 23/8, một ngày sau khi Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh triển khai nội dung công điện của Tư lệnh Quân khu 3 về việc điều động nhân lực, phương tiện tăng cường vào các tỉnh miền Nam thuộc Quân khu 7 hỗ trợ phòng chống dịch, lập tức nhiều CBĐV, chiến sĩ quân y viết đơn tình nguyện xung phong lên đường làm nhiệm vụ.

Kíp y bác sĩ quân y (Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh) gồm: Nguyễn Văn Hiển, Lã Hồng Quân, Nguyễn Quang Nguyên trong những ngày thần tốc chống dịch ở các tỉnh phía Nam. Ảnh nhân vật cung cấp

Hai CBĐV: Thượng úy Trần Tuấn Nam (y sĩ, Bệnh xá Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh) và Thượng úy Nguyễn Văn Hiểu (Đội Vận tải, Bộ CHQS tỉnh) được lựa chọn tham gia đoàn công tác Quân khu 3 tăng cường làm nhiệm vụ tại các tỉnh phía Nam. Ngay sau đó, hàng loạt CBĐV, y bác sĩ quân y viết đơn tình nguyện lên đường “Nam tiến” chống dịch. Điều đặc biệt là có CBĐV tình nguyện lên đường dập dịch ở các tỉnh phía Nam thì vợ ở nhà cũng đang ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu chống dịch. Không ít CBĐV con nhỏ, gia đình khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng gác lại việc riêng, tình nguyện lên đường vào Nam chống dịch bằng một quyết tâm và niềm tin chiến thắng rất cao.

Với Đại tá Lã Văn Tư, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, việc người con trai - Y sĩ quân y Lã Hồng Quân tình nguyện lên đường vào tâm dịch các tỉnh miền Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch thực sự là một điều rất đáng tự hào. Dù có đôi chút lo lắng cho con và những đồng đội đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy nơi tâm dịch, nhưng ông luôn tin rằng với quyết tâm cao, những CBĐV, y bác sĩ quân y sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và thật vui, thật xúc động khi biết rằng tiếp theo những y bác sĩ nêu gương đi đầu, nhiều CBĐV cũng đã viết đơn tình nguyện sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ bất kể lúc nào. Tinh thần tình nguyện, dấn thân đó được hun đúc và giáo dục từ chính trong mỗi gia đình quân nhân và truyền thống của quân đội anh hùng.

Đại tá Lường Văn Thắng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đánh giá rất cao tinh thần tình nguyện của CBĐV, y bác sĩ quân y. Theo đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nhiệm vụ xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch là “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” của bộ đội. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, với tinh thần “ở đâu nhân dân cần, ở đâu gian khó, ở đó có bộ đội”, dẫu biết rằng tình nguyện vào tâm dịch, nhiệm vụ sẽ rất vất vả, gian nguy nhưng nhiều CBĐV, chiến sĩ vẫn sẵn sàng và luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho rằng: Tinh thần tình nguyện vào nơi tâm dịch của những CBĐV, y bác sĩ quân y đã tạo sức lan tỏa tích cực, toàn lực lượng luôn xác định rõ tư tưởng, sẵn sàng lên đường bất kể lúc nào chi viện làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở các “điểm nóng” cũng như các nhiệm vụ đột xuất khác.

Cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh và thị xã Duy Tiên gấp rút triển khai xây dựng hàng rào thép để bảo đảm an ninh, an toàn khu cách ly tập trung tại Khu thiết chế Công đoàn. Ảnh: QPHN

Hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi sẽ trở về

Đó là lời khẳng định của những CBĐV, y bác sĩ quân y đang tình nguyện thực hiện nhiệm vụ tại các tỉnh vùng tâm dịch miền Nam. Đối mặt với khó khăn, nguy hiểm nhưng những CBĐV, y bác sĩ quân y luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thượng úy Trần Tuấn Nam (y sĩ, Bệnh xá Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh) đang tăng cường làm nhiệm vụ tại “điểm nóng” ở TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngay khi vào tới nơi, chúng tôi lập tức bắt tay thực hiện nhiệm vụ tại Đội cấp cứu 115, trạm dã chiến tại Nhà Thiếu nhi huyện Bình Chánh. Nhiệm vụ của đội là cấp cứu bệnh nhân tại nhà, vận chuyển bệnh nhân nặng (cả bệnh nhân dương tính, âm tính với SARS-CoV-2) tới bệnh viện điều trị. Thực hiện nhiệm vụ ở “điểm nóng” tâm dịch bệnh nên cường độ làm việc cực kỳ căng thẳng. Anh em trong đội luôn phải chạy đua với thời gian để cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất. Thương cảm với những bệnh nhân xấu số (do các bệnh viện quá tải, không thể kịp thời tiếp nhận bệnh nhân, nên có những ca bệnh tử vong tại nhà hoặc trên xe cấp cứu), y sĩ Trần Tuấn Nam và đồng đội càng nỗ lực hơn nữa, tận dụng từng giây phút để cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất, giảm thiểu thấp nhất số ca tử vong. Anh cho biết, công việc của anh em ở đội cấp cứu không kể ngày giờ, làm tới 1, 2 giờ đêm, có hôm 5-6 giờ sáng mới về tới chỗ nghỉ là chuyện thường gặp. Bữa ăn thì hầu như không đúng giờ. Đang ăn, có điện thoại của bà con, các thành viên trong đội vội buông bát, mặc bộ đồ bảo hộ và lao đi. Thương bà con, những CBĐV, y bác sĩ luôn thầm nhủ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn, khẩn trương, kịp thời hơn để có thể cấp cứu và đưa bệnh nhân đến viện nhanh nhất.

Với kíp y, bác sĩ quân y: Nguyễn Văn Hiển, Lã Hồng Quân, Nguyễn Quang Nguyên (Bệnh xá Bộ CHQS tỉnh đang làm nhiệm vụ tại “điểm nóng” Bình Dương), khi vào tới nơi, tổ công tác của các anh lập tức triển khai nhiệm vụ vừa phối hợp hỗ trợ dập dịch ở các điểm dịch bùng phát mạnh, vừa phối hợp với y tế địa phương tiêm vắc-xin, vừa lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và trực tiếp tham gia tổ quân y cơ động điều trị bệnh nhân F0 tại nhà. Làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp và cao hơn là ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình để có thể cứu giúp được nhiều nhất bà con gặp nạn. Cơ động làm nhiệm vụ ở nhiều vị trí khác nhau, tiếp cận, thấu hiểu, cảm thông với bà con bị nhiễm bệnh, đã nhiều ngày phải sống trong cảnh giãn cách xã hội, khó khăn mọi mặt… nên tổ quân y của bác sĩ Nguyễn Văn Hiển vừa nỗ lực điều trị tốt nhất cho các ca F0 tại nhà, vừa động viên bà con cố gắng thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch, để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiển cho biết: Những ngày “thần tốc” tiêm vắc-xin cho bà con vừa qua, tổ công tác của các anh làm việc xuyên ngày, thậm chí tối muộn, không biết đến ngày nghỉ. Thời gian nghỉ ngơi hằng ngày cũng chỉ rất ngắn ngủi, vội vã. Không kể ngày, đêm, tổ quân y cơ động (4-5 người) với đủ loại máy móc, thiết bị, thuốc men lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ để khám cấp cứu và điều trị bệnh nhân F0 tại nhà. Biết rõ tình trạng các bệnh viện đều đang quá tải nên các anh luôn cố gắng điều trị, chăm sóc tại chỗ một cách tốt nhất, hạn chế tối đa số bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị tại bệnh viện. Làm việc trong môi trường nhiều khó khăn, áp lực, thường xuyên phải di chuyển ở các địa bàn dịch bùng phát nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Hiển và đội ngũ y bác sĩ quân y tỉnh Hà Nam luôn tự nhủ: sẽ nỗ lực hết sức để góp phần kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Cuộc chiến với kẻ thù giấu mặt Covid-19 vẫn còn rất khốc liệt, song với tinh thần nêu gương, xung kích và quyết chiến, quyết thắng, những CBĐV, y bác sĩ quân y LLVT tỉnh Hà Nam đã, đang và sẽ ngày đêm không ngừng nỗ lực, vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình, góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại nhịp điệu bình yên.

Phương Dung

Nguồn Hà Nam: https://www.baohanam.com.vn/quoc-phong/nhung-dang-vien-bo-doi-cu-ho-tren-tuyen-dau-chong-dich-53613.html