Những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Nặm Lìn
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập ngày 1/4/1930 tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đến nay đã tròn 95 năm. Đây là một mốc son quan trọng trong lịch sử cách mạng Cao Bằng, là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng của nhân dân Cao Bằng vững bước đi lên dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh gồm 3 đồng chí.

Đồng chí Hoàng Văn Nọn (1907 - 1968), bí danh Hoàng Tú Hưu, Tú Hưu, Hoàng Ngọc Như, Hoàng Như, Văn Tân, Hoàng Lương Hữu, Thiết, Hoàng Vĩnh Tuy.
Đồng chí Hoàng Văn Nọn sinh năm 1907 tại làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Truyền thống yêu nước của gia đình và dòng họ đã hun đúc trong Hoàng Văn Nọn tinh thần yêu nước, căm thù giặc từ sớm và quyết tâm đi làm cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Từ năm 1926, Hoàng Văn Nọn và một số thanh niên địa phương được đồng chí Hoàng Đình Giong (là họ hàng và ở cùng làng Nà Toàn) giác ngộ theo cách mạng, tích cực tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh, vận động nhân dân trong xã không đi phu cho thực dân Pháp. Tháng 9/1928, Hoàng Văn Nọn sang Long Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) theo thư mời của đồng chí Hoàng Đình Giong. Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nọn được bồi dưỡng về lý luận cách mạng và cách thức lập đường dây liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Cuối năm 1928, đồng chí Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Văn Nọn cùng đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu do đồng chí Hoàng Đình Giong làm bí thư chi bộ. Sau đó, đồng chí được cử về Cao Bằng hoạt động, trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và lựa chọn những cán bộ ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng, tiến tới thành lập chi bộ Đảng.
Ngày 1/4/1930, tại Nặm Lìn, đồng chí Hoàng Văn Nọn đã kết nạp đồng chí Lê Đoàn Chu và đồng chí Nông Văn Đô vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ ra đời như một Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đến tháng 7/1933, Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm bí thư. Cuối năm 1934, đồng chí Hoàng Văn Nọn được Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương cử làm đại biểu chính thức tham gia đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva (tháng 7/1935). Trong quá trình tham gia Đại hội, tại Matxcơva, đồng chí Hoàng Văn Nọn cùng đoàn đại biểu vinh dự được gặp và báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tình hình phong trào cách mạng trong nước và ở Cao Bằng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học lớp văn hóa - chính trị đặc biệt của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, được Người giúp đỡ nghiên cứu tài liệu, trao đổi kinh nghiệm, chuẩn bị báo cáo, tham luận ở Đại hội về công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng. Sau khi tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản và tham gia khóa đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông tại Matxcơva, đến năm 1937, đồng chí Hoàng Văn Nọn được cử làm đặc phái viên của Trung ương về nước củng cố Liên Xứ ủy Trung - Bắc Kỳ. Tháng 11/1937, đồng chí Hoàng Văn Nọn gặp các đồng chí Xứ ủy cũ (Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh)... triệu tập cuộc họp tại phố Hàng Bột (Hà Nội), để bầu Liên xứ ủy, đồng chí được bầu làm Bí thư Liên xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ. Tháng 4/1938, khi Liên Xứ ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ giải thể, Xứ ủy Bắc Kỳ được lập lại, đồng chí Hoàng Văn Nọn tiếp tục được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Cuối năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Nọn về Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trực tiếp giáo dục, huấn luyện, giúp đỡ phong trào cách mạng tại đây, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông tại làng Vạn Phúc. Trên cơ sở đó, nhiều cơ sở đảng xung quanh Hà Nội được phục hồi và đẩy mạnh phong trào đấu tranh.
Ngày 1/1/1939, đồng chí Hoàng Văn Nọn bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội và đưa về Cao Bằng giam, song không tìm được chứng cứ khép tội, Pháp buộc phải tha tù. Đồng chí xuống Hà Nội gặp Xứ ủy và được Xứ ủy giao nhiệm vụ làm Bí thư Khu B (gồm các tỉnh: Hải Dương, Quảng Yên (nay thuộc Quảng Ninh), Kiến An và thành phố Hải Phòng). Tháng 8/1940, đồng chí Hoàng Văn Nọn bị thực dân Pháp bắt tại Hải Phòng, bị kết án 5 năm tù giam tại trại Bá Vân (Thái Nguyên) nhưng Pháp cho rằng Hoàng Văn Nọn là đầu sỏ, là trùm cách mạng nên đưa về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Đầu năm 1945, đồng chí Hoàng Văn Nọn cùng các đồng chí: Đỗ Mười, Trần Đăng Ninh... vượt ngục về huyện Chương Mỹ, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) hoạt động. Sau đó đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng, tham gia lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí tham gia liên tục nhiều công tác khác. Từ năm 1961 đến năm 1965, đồng chí Hoàng Văn Nọn giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng. Năm 1968, đồng chí Hoàng Văn Nọn qua đời do sức khỏe yếu và bệnh tật hiểm nghèo.
Với những công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998), tặng thưởng Huân chương Độc lập và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tại thành phố Cao Bằng đã có con đường mang tên Hoàng Như - là sự tri ân sâu sắc và tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quê hương Cao Bằng.

Đồng chí Lê Đoàn Chu (1901 - 1979), bí danh Lê Mới, Nam Cao.
Đồng chí Lê Đoàn Chu sinh năm 1901 tại xã Hoàng Tung, châu Hòa An, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cả 5 anh chị em đều thoát ly tham gia cách mạng từ rất sớm.
Từ năm 1926, được đồng chí Hoàng Đình Giong tuyên truyền, vận động, đồng chí tham gia cách mạng. Năm 1928 - 1929, đồng chí sang Long Châu (Trung Quốc) gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ, được học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được huấn luyện phương pháp vận động nhân dân làm cách mạng.
Năm 1930, được đồng chí Hoàng Văn Nọn kết nạp vào Đảng, là một trong ba đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng.
Từ năm 1931 - 1933, đồng chí tham gia lãnh đạo nhân dân đấu tranh, vừa là Bí thư Châu ủy Hòa An, vừa tích cực chuẩn bị thành lập báo Cờ Đỏ (Cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, tiền thân của Báo Cao Bằng). Ngày 1/4/1932, Báo Cờ Đỏ ra số đầu tiên tại hang Tốc Rù (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An). Báo được xuất bản và được bí mật lưu truyền tại Cao Bằng và cả các tỉnh khác đã trở thành công cụ quan trọng để tuyên truyền đường lối của cách mạng, giáo dục lòng yêu nước, vận động đồng bào các dân tộc tham gia các tổ chức cách mạng đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Năm 1934, khi đồng chí Hoàng Văn Nọn được cử là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva, đồng chí Lê Đoàn Chu trở thành Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Từ năm 1934 đến năm 1940, Lê Đoàn Chu với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy đã tích cực chỉ đạo phong trào cách mạng. Đặc biệt, sau Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng năm 1935, đồng chí Hoàng Đình Giong trở lại Cao Bằng, gặp đồng chí Lê Đoàn Chu và triệu tập một cuộc họp Tỉnh ủy mở rộng ở đền vua Lê (nay thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hòa An), phổ biến Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng và những chủ trương của Đảng trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, đồng chí đã lãnh đạo Đảng bộ Cao Bằng khắc phục những khó khăn, thử thách, đưa phong trào cách mạng tiếp tục phát triển, giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ giai đoạn 1936 - 1939.
Tháng 6/1940, đồng chí Lê Đoàn Chu cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Châu ủy Hòa An và Hà Quảng bị thực dân Pháp khủng bố, vây ráp và bắt giam. Trải qua 4 năm tù đày, đến tháng 7/1944, đồng chí được ra tù.
Từ tháng 7/1944 đồng chí tiếp tục thoát ly hoạt động cách mạng, được phân công giữ kho Tỉnh Bộ, tiếp tế cho nhà máy Lê Tổ. Từ năm 1947 đến năm 1950 công tác tại Cục Quân nhu Bắc Kạn, sau đó phụ trách kho ngân hàng tỉnh. Năm 1951 - 1952, do bệnh tật, sức khỏe yếu, đồng chí về nhà dưỡng bệnh một thời gian, đến năm 1953 - 1954 lại ra làm công tác thuế tại xã. Năm 1955 đồng chí là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Hòa An cho đến khi nghỉ hưu năm 1963. Tháng 3/1979, đồng chí qua đời.
Đồng chí Lê Đoàn Chu được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng có công với nước, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh bởi những công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Nông Văn Đô (1905 - 1962), bí danh Bích Giang, Cát Lợi.
Đồng chí Nông Văn Đô sinh năm 1905 tại xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng) trong một gia đình bần nông. Còn nhỏ được đi học chữ Nho ở trường làng, lớn lên được học trường Quốc ngữ, tuy nhiên do bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình neo túng, năm 17 tuổi Nông Văn Đô bỏ học về nhà giúp mẹ lao động. Sớm tiếp thu tư tưởng yêu nước, từ cuối năm 1923, Nông Văn Đô cùng một số thanh niên có tư tưởng tiến bộ tham gia tổ chức Việt Nam quốc dân Đảng. Được đồng chí Hoàng Đình Giong truyền bá con đường làm cách mạng, cuối năm 1928, Nông Văn Đô có ý định xuất dương sang Nam Ninh (Trung Quốc) học tập, tuy nhiên do trên đường đi kế hoạch bị bại lộ nên thất bại. Sự biến chuyển về tư tưởng cách mạng của Nông Văn Đô và một số thanh niên Cao Bằng thể hiện ở việc quyết tâm ly khai khỏi Việt Nam quốc dân Đảng, tiếp thu và đi theo “chủ nghĩa Đỏ” (chủ nghĩa Mác - Lê-nin). Ngày 19/8/1929, tại một địa điểm bí mật là chùa Đống Lân, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay thuộc thành phố Cao Bằng), các đồng chí Hoàng Văn Nọn và Lê Đoàn Chu đã thay mặt Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức lễ kết nạp đồng chí Nông Văn Đô và một số thanh niên ưu tú vào Hội. Ngày 1/4/1930, khi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, đồng chí trở thành một trong ba đảng viên đầu tiên của chi bộ, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tỉnh ủy lâm thời. Từ năm 1930 đến năm 1933, Nông Văn Đô và các đồng chí trong Chi bộ Nặm Lìn tích cực lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi giảm thuế, chống bắt phu vào ngày mùa tại Hòa An, cuộc đấu tranh của công nhân tại mỏ thiếc Tĩnh Túc… Những thắng lợi bước đầu đó đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Từ năm 1933 đến năm 1934, đồng chí vừa tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, vừa sang Nam Ninh (Trung Quốc) học làm vũ khí để chuẩn bị võ trang. Năm 1935 khi Xứ ủy Bắc Kỳ lâm thời thành lập tại Long Châu (Trung Quốc) dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ huy ở ngoài, đồng chí Nông Văn Đô được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy lâm thời. Đến tháng 8/1935 do cơ sở cách mạng đổ vỡ, đồng chí bị địch bắt và từ năm 1935 đến năm 1944, đồng chí bị bắt giam, trải qua các nhà tù của thực dân Pháp tại Căng Bắc Mê (Hà Giang), Phú Thọ, Chợ Chu, Bá Vân (Thái Nguyên). Năm 1944, Nông Văn Đô cùng một số đồng chí đã vượt ngục, thoát khỏi Căng Bá Vân về tới khu căn cứ địa du kích tại Đình Cả, Võ Nhai (Thái Nguyên) và tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng tại địa bàn Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Đầu năm 1945, đồng chí được phân công làm Chính trị viên Trung đội Cứu quốc quân III, tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại các địa phương: Đình Cả, Võ Nhai (Thái Nguyên), Bắc Sơn, Bình Gia, Bằng Mạc (Lạng Sơn).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí công tác tại tỉnh Lạng Sơn, được phân công tham gia công tác ở nhiều vị trí khác nhau: Năm 1946 - 1947 là Quản trị Trưởng Trung đoàn 28 Bộ đội địa phương Lạng Sơn, kiêm Trưởng Ban thương binh Trung đoàn; năm 1948 là Chính trị viên Quân Y viện Bộ đội địa phương Lạng Sơn; năm 1949 phụ trách Ban hậu cần Tỉnh đội Lạng Sơn. Đến năm 1951, đồng chí giải ngũ về địa phương tại xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn.
Năm 1954, đồng chí tham gia phát động giảm tô, làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Nông hội xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn. Từ năm 1955 - 1956 là Chủ tịch Nông hội huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 1957 - 1960 là Huyện ủy viên phụ trách Hợp tác xã mua bán huyện Bắc Sơn. Năm 1960 đồng chí là Huyện ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn cho đến khi lâm bệnh mất ngày 16/8/1962.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nông Văn Đô đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý: Bằng có công với nước; truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2000; truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2001.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nhung-dang-vien-dau-tien-cua-chi-bo-nam-lin-3176360.html