Những dấu ấn lịch sử của các cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ (kỳ 1)
Trong gần 80 năm qua, các cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ đều diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, và mỗi cuộc họp đều tạo nên những bước ngoặt lịch sử.
Vậy là Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã kết thúc vào ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sỹ. Theo giới chuyên gia, cuộc gặp đã diễn ra trong không khí thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và thực tế.
Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp lại được đánh giá là không mang nhiều đột phá.
Dù vậy, đây cũng là một cuộc họp quan trọng, thu hút được sự quan tâm của dư luận quốc tế. Moscow và Washington đã có thể gặp nhau, thu hẹp bất đồng, thăm dò khả năng hợp tác trong các vấn đề có lợi ích chung.
Họp báo sau cuộc gặp cho thấy cả hai đều hài lòng với kết quả. Ông Biden và ông Putin thảo luận về nhiều nội dung, từ các vấn đề song phương như ổn định chiến lược, dân chủ - nhân quyền, kinh tế-thương mại, Ukraine, hoạt động của Nga tại Bắc Cực, tới thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19 và an ninh mạng.
Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Nga và Mỹ gặp mặt. Thế nhưng, cuộc họp thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang gặp phải nhiều trắc trở. Nó gợi nhớ lại chuỗi các cuộc họp thượng đỉnh căng thẳng và gây xôn xao dư luận giữa các nhà lãnh đạo của hai cường quốc từ Thế chiến II đến nay.
‘Sắp xếp’ thế giới thời hậu chiến
Ở một khía cạnh nào đó, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô, khởi nguồn của Chiến tranh Lạnh, được sinh ra ngay từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước trước khi Thế chiến II thực sự kết thúc.
Khi đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đã gặp Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt hai lần, sau đó là Tổng thống kế nhiệm Harry Truman. Mỗi cuộc gặp đều khiến vận mệnh của thế giới rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Roosevelt gặp ông Stalin vào năm 1943 và đầu năm 1945, cả hai lần đều có sự góp mặt của Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Vào Hội nghị Tehran năm 1943, Đại diện Liên Xô tuyên bố sẽ không ký kết hiệp ước hòa bình với Đức, còn phía Anh-Mỹ cam kết sẽ thành lập một mặt trận thứ hai tại Pháp trong năm tới.
Vào tháng 2/1945, khi Thế chiến II bước vào giai đoạn kết thúc với việc Đức sắp thua cuộc, “Bộ ba” nước đồng minh đã cùng dự Hội nghị Yalta tại Cung điện Livadia bên bờ Biển Đen. Tại đây, Liên Xô cam kết cùng tham gia vào cuộc chiến tranh chống phát xít Nhật ở châu Á, nhưng lại không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về những vùng lãnh thổ tại châu Âu mà Hồng quân Liên Xô chiếm lại được từ tay Đức Quốc xã.
Vào tháng 7/1945, sau khi Đức đầu hàng vô điều kiện và Tổng thống Roosevelt qua đời, ông Harry S. Truman trở thành người kế nhiệm và thay mặt Mỹ tiếp tục tham dự Hội nghị Potsdam, gần Berlin, nơi đã bị san phẳng bởi bom đạn.
Trong quá trình diễn ra hội nghị, ông Truman được thông báo rằng, vụ thử bom hạt nhân đầu tiên ở New Mexico đã diễn ra thành công. Các nhà sử học vẫn còn tranh cãi rằng liệu ông Truman, người mới nhậm chức Tổng thống chưa đầy 4 tháng, có nên dùng thông tin này để gây áp lực về phía Liên Xô hay không.
Trong bối cảnh này, hai quốc gia mạnh nhất bước ra từ chiến tranh là Mỹ và Liên Xô đã gia tăng tranh giành khu vực ảnh hưởng trên thế giới.
Hội nghị Yalta, sau đó là Hội nghị Hòa bình Paris và Hội nghị Postdam, đã cho ra đời luật bất thành văn: Đông Âu, Mông Cổ và CHDCND Triều Tiên thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, phần còn lại của thế giới thuộc về phương Tây.
Nhờ những phát minh khoa học kỹ thuật trỗi dậy mạnh mẽ, 2 siêu cường thế giới lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô đều có điều kiện để gia tăng sức mạnh về quân sự, vũ khí… và trở thành đối trọng lẫn nhau.
Nếu không có sự tồn tại (về mối đe dọa hủy diệt) của vũ khí hạt nhân, xung đột giữa hai siêu cường có thể leo thang và dẫn đến một cuộc chiến thật sự, tương tự như hai cuộc chiến đã diễn ra trong thế kỷ XX. Do đó, có thể nói hai siêu cường thường xuyên bị đặt trong tình trạng “bên miệng hố chiến tranh”.
Chiến tranh Lạnh và thời Tổng thống Eisenhower
Ngày 12/3/1947, Tổng thống Harry S. Truman cho ra đời Học thuyết Truman, trong đó lần đầu tiên khẳng định Liên Xô là địch thủ và Mỹ sẵn sàng chống Liên Xô, cũng như trợ giúp những nơi bị Liên Xô đe đọa. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là khởi điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Dưới con mắt của những chính trị gia bảo thủ Mỹ, hai Hội nghị Yalta và Potsdam là thắng lợi lớn của ông Stalin và chủ nghĩa cộng sản. Họ đổ lỗi cho sự yếu kém trong bộ máy chính quyền của ông Roosevelt và ông Truman, những người theo đảng Dân chủ.
Những căng thẳng trên đã lên đến đỉnh điểm trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Tận dụng điều này, ứng cử viên đảng Cộng hòa Dwight D. Eisenhower đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1952.
Một năm sau, ông Stalin đột ngột qua đời. Không lâu sau đó, ông Nikita Khrushchev được bầu làm Tổng Bí thư. Mặc dù được xem là “ôn hòa” hơn so với người tiền nhiệm, nhưng ông Khrushchev vẫn muốn cạnh tranh với phương Tây.
Vào năm 1955, tại Geneva, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã cùng nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tham gia cuộc họp thượng đỉnh song phương lần đầu tiên, cùng với đó là sự góp mặt của các nhà lãnh đạo Anh và Pháp. Cuộc họp tập trung vào các vấn đề về thương mại, kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Năm 1959, trong chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ với tư cách là lãnh đạo Liên Xô, ông Khrushchev đã tham quan trang trại tại bang Iowa và tham gia Hội nghị thượng đỉnh David nhằm cải thiện quan hệ song phương Xô - Mỹ. Hai bên đồng thời quyết định sẽ tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh tứ cường Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ tại Paris vào năm sau đó.
Nhưng mọi nỗ lực hàn gắn đều tiêu tan khi chiếc máy bay tình báo U-2 của Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô. Khi cuộc họp 4 bên được tổ chức vào tháng 5/1960, ông Khrushchev đã đột ngột rời hội nghị, mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng
Thời Tổng thống Kennedy và Johnson: Nhiều vấn đề đan xen
Vào năm 1961, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev và Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ John F. Kennedy gặp nhau tại Thượng đỉnh Vienna. Lần này, phía Liên Xô vẫn đang chiếm ưu thế. Ông Kennedy vẫn còn cảm thấy "nhức nhối" vì thất bại trong kế hoạch lật đổ chính phủ Cuba.
Trong khi đó, ông Khrushchev lại coi đây là một yếu điểm của vị Tổng thống trẻ (khi đó ông Kennedy mới 44 tuổi). Ông Khruschev dường như không bị ảnh hưởng bởi những lời cảnh báo về một cuộc chiến tranh hạt nhân của ông Kennedy. Mùa Hè năm đó, bức tường Berlin đã được dựng lên.
Nhưng trọng tâm của cuộc đối đầu sớm chuyển hướng sang Cuba.
Vào năm 1962, máy bay do thám của Mỹ phát hiện các bệ phóng tên lửa và tên lửa của Liên Xô được lắp đặt ở Cuba. Ngay lập tức, ông Kennedy đã hạ lệnh phong tỏa đường biển và tuyên bố rằng nước Mỹ sẵn sàng tham chiến.
Nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới lúc bấy giờ rõ ràng hơn bao giờ hết.
May mắn thay, ông Khrushchev đã suy nghĩ lại, thu hồi các tên lửa và rút các bệ phóng. Sau đó, hai nước đàm phán và ký kết Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân ngày 5/8/1963, mà không cần đến bất kỳ cuộc gặp thượng đỉnh nào.
Tuy nhiên, hai lãnh đạo không bao giờ gặp lại nhau. Tháng 11/1963, ông Kennedy bị ám sát. Không có một hội nghị thượng đỉnh chính thức nào giữa hai nước được tổ chức trong 6 năm tiếp theo.
Khi ông Khrushchev bị lật đổ, ông Alexei Kosygin đã trở thành lãnh đạo mới của Liên Xô. Ông Kosygin quan tâm đến chính trị nội bộ của và muốn tận dụng trường quốc tế để nâng cao vị thế của chính mình cũng như uy tín của đất nước.
Tại Mỹ, sau khi người tiền nhiệm John F. Kennedy bị ám sát, ông Lyndon B. Johnson đã kế vị chức Tổng thống và tiếp tục nhiệm kỳ tiếp theo với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1964, một phần nhờ chính sách chống cộng quyết liệt.
Tổng thống Johnson muốn tiếp tục lệnh cấm thử hạt nhân, nhưng mong muốn lớn nhất của ông vẫn là có được sự giúp đỡ của Liên Xô để kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam là một vấn đề bị bỏ lửng, nhưng ông Johnson đã tự cho mình quyền quyết định việc tăng cường đánh bom miền Nam Việt Nam. Điều này càng làm chia rẽ nội bộ nước Mỹ, đồng thời gây áp lực lên chức vụ Tổng thống của ông.
Vào tháng 6/1967, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và ông Kosygin cùng gặp nhau tại khuôn viên của Trường Cao đẳng Glassboro (nay là Đại học Rowan) ở New Jersey, trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày, nhân dịp ông Kosygin đến Mỹ để tham dự và phát biểu tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tuy rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở một trường đại học là khá bất thường, nhưng địa điểm này được chọn bởi đây là trung điểm giữa Washington và New York.
Cuối cùng, ông Johnson quyết định không tham gia tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 1968. Ông Richard Nixon đắc cử vào năm đó và hứa rằng sẽ có một "kế hoạch bí mật" giúp Mỹ giành thắng lợi ở chiến trường Việt Nam.
Tổng thống Nixon mở ra thời kỳ ‘hòa hoãn’
Khi ông Richard Nixon nhậm chức tổng thống vào năm 1969, công chúng Mỹ đã mệt mỏi với cuộc chiến ở Việt Nam hơn bao giờ hết. Do vậy, vị Tổng thống thứ 37 dành phần lớn thời gian để tái định hình quan hệ Mỹ-Liên Xô và Mỹ-Trung Quốc, xây dựng một thế cân bằng quyền lực và lấy vấn đề rút quân khỏi Việt Nam làm đòn bẩy.
Nhưng thời điểm quan trọng trong chiến lược của ông Nixon đến vào năm 1972 khi ông đến thăm cả Moscow và Bắc Kinh, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên được tiếp đón tại Điện Kremlin và tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Dù phần nào bị lu mờ bởi cuộc gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, nhưng cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nixon với Nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev được đánh giá là có kết quả tích cực hơn.
Sự việc đó đã khiến Trung Quốc buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Nó cũng khiến cho ông Nixon tưởng rằng rằng mình có thể chiến thắng ở Việt Nam bằng các chiến dịch ném bom tàn bạo và các cuộc xâm nhập bí mật vào các nước láng giềng như Campuchia.
Ông Nixon coi các cuộc gặp với ông Brezhnev như một cách để kìm hãm cuộc Chiến tranh Lạnh. Hai nhà lãnh đạo đã ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược đầu tiên (SALT I), nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân và tên lửa chống tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Nixon cũng tin rằng ông đã mở ra một kỷ nguyên mới, khi chiến thắng được đối thủ trên bàn đàm phán, cũng như khiến Liên Xô “run sợ” trước một mặt trận thống nhất của các cường quốc phương Tây, trong bối cảnh Bắc Kinh cũng không còn quá “mặn mà” để hỗ trợ Moscow.
(còn tiếp)