Những dấu hiệu bất thường trong giám định tâm thần của một vụ ly hôn

Từ một lá đơn, người vợ được các cơ quan giám định và kết luận mất hết năng lực hành vi dân sự. Người chồng nghi ngờ đây là một sự 'tính toán' trong vụ việc ly hôn của hai vợ chồng, trong đó có tranh chấp về con cái và tài sản chung?

BẤT NGỜ VỚI BẢN GIÁM ĐỊNH TÂM THẦN

Báo Công an TP.HCM nhận được đơn cầu cứu của anh Cao Xuân Bình (SN 1982, ngụ thôn 4, xã Ea Phê, H.Krông Pắc, Đắk Lắk) về vụ ly hôn với vợ là chị Đặng Thị Bình (SN 1985).

Vợ chồng anh Bình có 2 con 14 tuổi và 6 tuổi. Do phát sinh nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống nên chị Bình nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Ngày 30-5-2017, TAND H.Krông Pắc thụ lý vụ án “Ly hôn, tranh chấp về con chung, tài sản chung của vợ chồng”.

Ngày 3-8-2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thái (SN 1965, ngụ thôn 5, xã Ea Phê) - mẹ chị Bình làm đơn gửi đến tòa án yêu cầu tuyên bố con gái bà hạn chế năng lực hành vi dân sự. Chị Bình được tòa trưng cầu giám định pháp y tâm thần (PYTT).

Kết luận (KL) giám định PYTT ngày 3-10-2017 của Trung tâm PYTT khu vực Tây Nguyên (tại Đắk Lắk) KL: “Về y học: Từ đầu năm 2016 đến 19-6-2017, bị trầm cảm nhẹ. Từ 19-6-2017 đến nay, bị bệnh trầm cảm vừa. Từ đầu năm 2016 đến nay, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi”.

Việc giám định do bà Thái cùng TAND đề nghị, anh Bình không biết và chỉ nhận được thông báo. Sau đó, anh Bình khiếu nại và yêu cầu giám định PYTT tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) nhưng không được TAND đồng ý.

Tòa thực hiện giám định PYTT tại Trung tâm PYTT khu vực miền Trung (Thừa Thiên - Huế). Trung tâm này ra KL ngày 24-7-2018: “Từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017: Về y học, phản ứng trầm cảm kéo dài trong rối loạn. Về năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Từ đầu năm 2018 đến hiện tại: Về y học, giai đoạn trầm cảm nặng kèm triệu chứng loạn thần. Đối tượng cần được điều trị ngoại trú liên tục. Về năng lực hành vi dân sự, mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự”.

Ngày 29-3-2019, TAND H.Krông Pắc ra quyết định (QĐ) về chấp nhận yêu cầu của bà Thái: Tuyên bố chị Bình mất năng lực hành vi dân sự; giao dịch dân sự của chị Bình phải do bà Thái xác lập, thực hiện.

Tuy nhiên, ngày 15-4-2019, TAND H.Krông Pắc ra Thông báo số 08/2019/TB-TA sửa đổi, bổ sung QĐ, với nội dung: Tuyên bố chị Bình từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2017 khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; từ đầu năm 2018 đến hiện nay, mất năng lực hành vi dân sự...”.

TAND ra thông báo sửa chữa, bổ sung QĐ với lý do: “Xét thấy cần sửa chữa, bổ sung QĐ do trong quá trình đánh máy lỗi chính tả tại QĐ sơ thẩm giải quyết việc dân sự về việc tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”.

Trao đổi với PV, lãnh đạo TAND tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: “Việc ra thông báo sửa chữa, bổ sung QĐ của tòa đã tuyên là không đúng, mà phải đưa ra QĐ. Đây cũng là lỗi về câu chữ, văn bản”.

Điều 268 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: “Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai (khoản 1). Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án... thì thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên HĐXX đã tuyên bản án đó phải ra QĐ sửa chữa, bổ sung bản án...”.

NHỮNG DẤU HIỆU BẤT THƯỜNG CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ

Điều đáng nói, thông báo trên đã thay đổi bản chất vụ việc khi có thêm cụm từ... “Chị Bình... mất năng lực hành vi dân sự”.

Người chồng khiếu nại QĐ sơ thẩm, thông báo của tòa và các KL giám định PYTT vì anh Bình cho rằng tòa tuyên như vậy là để hủy các văn bản sát nhập tài sản riêng thành tài sản chung của hai vợ chồng. Nghĩa là các giao dịch dân sự chị Bình thực hiện trong thời gian trên là vô hiệu.

Anh Bình nói: “Vợ chồng có một số tài sản chung, cùng tạo lập. Từ giữa năm 2016, vợ chồng đến Văn phòng công chứng lập văn bản sát nhập tài sản riêng thành tài sản chung”.

Anh Bình cho rằng rất khó hiểu khi các cơ quan giám định PYTT xác nhận chị Bình là người mất hết năng lực hành vi dân sự. Từ giữa năm 2017 trở về trước khi còn sống chung, hai vợ chồng kinh doanh dịch vụ nhà hàng tiệc cưới. Vợ phải khám sức khỏe định kỳ, tham gia tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm; khám sức khỏe đều bình thường. Vợ anh thực hiện các giao dịch vay, chuyển tiền tại các ngân hàng, chuyển bảo hiểm, giao dịch tại văn phòng công chứng... và đều ký tên, lăn tay.

"Một người khó khăn trong nhận thức, điều khiển hành vi, mất hết năng lực thì làm sao có thể thực hiện những việc này?", anh Bình thắc mắc.

Giấy khám sức khỏe của chị Bình vào tháng 8-2016

Giấy khám sức khỏe của chị Bình vào tháng 8-2016

Một phiếu giao dịch chuyển tiền tại ngân hàng do chị Đặng Thị Bình thực hiện vào tháng 2-2017

Một phiếu giao dịch chuyển tiền tại ngân hàng do chị Đặng Thị Bình thực hiện vào tháng 2-2017

Bên cạnh đó nhiều nhân viên của nhà hàng tiệc cưới đều cho rằng chị Bình nhìn như người bình thường.

Theo anh Bình, TAND H.Krông Pắc cũng chưa xem xét hết các chứng cứ mà anh cung cấp; trước khi có KL giám định PYTT lần 1 đã không đưa những người có quyền, nghĩa vụ liên quan như bố đẻ và 2 con gái chị Bình (để đảm bảo sự thỏa thuận của các đương sự); chưa làm rõ việc có hay không sự khác nhau trong 2 KL giám định PYTT và lý do của sự khác biệt này.

Chúng tôi đã đến gia đình chị Bình để đề nghị được tiêp xúc, tìm hiểu thông tin về vụ việc. Ông Đặng Xuân Thu (SN 1964) - cha chị Bình không tiếp. PV điện thoại cho bà Thái để xin gặp nhưng bà cho biết: “Đang đưa con đi chữa bệnh ở Sài Gòn”.

Hiện vụ việc đang được TAND tỉnh Đắk Lắk thụ lý hồ sơ. Anh Bình mong muốn cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ việc, chứng cứ và nhân chứng để giải quyết vụ việc một cách công tâm, đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên.

Hoàng Quân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thong-tin-ban-doc/nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-giam-dinh-tam-than-cua-mot-vu-ly-hon_75919.html