Những dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư không nên bỏ qua
Việc phát hiện bệnh ung thư ở giai đoạn đầu sẽ giúp y bác sĩ có liệu trình điều trị nhằm ngăn cản tế bào ung thư phát triển và lan rộng hiệu quả.
Bác sĩ Tô Kim Sang - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park – chia sẻ một số dấu hiệu cảnh báo ung thư mà mỗi người cần chú ý để thăm khám kịp thời.
Xuất hiện nốt ruồi bất thường: Nếu trên da xuất hiện nốt ruồi mới hoặc nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc thì có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư da. Để có kết quả chính xác, ngoài thăm khám bác sĩ sẽ cho kiểm tra các nốt ruồi này bằng phương pháp sinh thiết.
Ho dai dẳng kéo dài: Ho dai dẳng thường xảy ra khi người bệnh mắc phải hội chứng chảy dịch mũi sau (Postnasal Drip), hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản hoặc nhiễm trùng. Nhưng nếu ho kèm cả máu, kéo dài (đặc biệt nếu là người hút thuốc) thì hãy đến cơ sở y tế để xét nghiệm, chụp X-quang ngực hoặc CT scan phổi liều thấp tầm soát ung thư phổi.
Thường xuyên đầy bụng: Bình thường nhiều người cũng hay gặp phải tình trạng đầy bụng do chế độ ăn uống hoặc căng thẳng. Nhưng nếu các triệu chứng này diễn ra lâu hoặc thường xuyên, cộng với mệt mỏi kèm theo các triệu chứng khác như sụt cân không rõ lý do, đau lưng thì hãy cẩn trọng có thể là một trong những dấu hiệu của ung thư buồng trứng.
Sưng hạch bạch huyết: Thông thường, khi bị nhiễm trùng, các hạch bạch huyết to ra, biểu hiện cho việc cơ thể đang chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng như cảm lạnh hoặc viêm họng. Tuy nhiên, trong một số bệnh lý ung thư như lymphoma, bệnh bạch cầu hoặc ung thư từ vị trí khác di căn đến hạch bạch huyết cũng có thể gây ra tình trạng này.
Khó nuốt: Triệu chứng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp thực quản, chèn ép từ ngoài vào thực quản hoặc thậm chí một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn khó nuốt. Nhưng nếu triệu chứng này kéo dài cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư hầu họng hoặc thực quản. Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ khám và có thể thực hiện một số xét nghiệm như nội soi tai mũi họng, đường tiêu hóa trên hoặc siêu âm/CT scan.
Chảy máu bất thường giữa 2 chu kỳ kinh nguyệt hay chảy máu ngoài kỳ kinh có thể có nhiều nguyên nhân gây ra như u xơ cơ tử cung.
Giảm cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân cũng có thể xảy ra nếu thay đổi chế độ ăn hoặc tập thể dục hoặc có các vấn đề về bệnh lý khác như căng thẳng, bệnh về tuyến giáp. Tuy nhiên, trong trường hợp giảm cân quá nhanh, không có nguyên nhân cụ thể như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn... thì đó có thể là dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ của ung thư tuyến tụy, dạ dày, thực quản, phổi hoặc các loại ung thư khác.
Sốt kéo dài mà không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết.
Những dấu hiệu nêu trên cũng có thể bắt gặp ở các bệnh lý thông thường, nhưng cũng có thể cảnh báo bệnh ung thư. Vì vậy việc “lắng nghe” thay đổi của cơ thể và đi thăm khám, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Bởi việc phát hiện ung thư càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao.
Theo các chuyên gia y tế, có thể “rà tìm” biết sớm các ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt, miệng, da và tuyến giáp qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Phải lưu ý một số triệu chứng báo động khi bệnh mới chớm, người bệnh quyết tâm, kiên trì điều trị chuẩn mực thì không chỉ kéo dài được tuổi thọ mà còn tiết kiệm chi phí điều trị.
Tuy nhiên, việc phòng bệnh vẫn là cần thiết nhất. Theo đó, mỗi người hãy tránh xa khói thuốc lá, hạn chế (dùng chừng mực) rượu, bia; ăn lành mạnh, đảm bảo vệ sinh; dùng nhiều rau quả tươi, hạn chế chất béo động vật, các món muối dưa mặn, món chiên nướng cháy; không để béo phì...