Những dấu hiệu cảnh báo thận sắp hỏng mà không biết

Dấu hiệu thận bị suy thường diễn biến âm thầm, khó phát hiện nhưng nếu để ý, bạn vẫn có thể nhận ra những triệu chứng bất thường.

Thận nằm đối xứng 2 bên cột sống thắt lưng, đảm nhiệm chức năng quan trọng là giữ cân bằng dịch, chất khoáng trong cơ thể, lọc máu và các chất thải, chỉ giữa lại protein và các tế bào máu. Các chất thải được tiết ra, vào dịch lọc để hình thành nước tiểu.

Ngoài ra, thận sản xuất nhiều loại hormon (renin, angiotensin, aldosterone, prostagladin...) giúp cân bằng muối nước trong cơ thể, duy trì huyết áp ổn định. Thận cũng sản sinh ra hormone Erythropoietin giúp tủy xương tạo hồng cầu và chuyển hóa vitamin D để hấp thụ canxi…

Là cơ quan quan trọng nhưng thận cũng dễ bị tổn thương. Các bệnh lý toàn thân có thể gây nên các bệnh lý tại thận và ngược lại, các bệnh lý thận có thể dẫn đến các bệnh lý ở các cơ quan khác của cơ thể…

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính thế giới đang có khoảng 500 triệu người có các vấn đề về bệnh lý mạn tính ở thận.

Tại Việt Nam, TS Nguyễn Thế Cường, Trưởng khoa Thận lọc máu, BV Việt Đức cho biết, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có thêm 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu tại các cơ sở y tế là gần 1 triệu người.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, trong đó 40% do các bệnh lý ở cầu thận như: Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống, bệnh ống kẽ thận do nhiễm khuẩn.

Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp cũng là 2 căn bệnh hàng đầu làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính do dễ nhiễm trùng đường tiết niệu hơn người bình thường.

Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lí cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.

Hiện nay cùng với lối sống, ăn uống sinh hoạt không điều độ, số người mắc các bệnh về thận ngày càng nhiều như thói quen nhịn tiểu do quá bận, thói quen ăn mặn.

Khi bị suy giảm chức năng thận kéo dài hơn 3 tháng liên tục được xác định bị thận mạn. Nếu thận mạn không điều trị gây suy thận mạn. Đây là tình trạng không hồi phục, được phân làm 4 giai đoạn khác nhau tùy thuộc vào chức năng thận còn lại.

Ở giai đoạn cuối, nếu chức năng thận còn dưới 15%, sẽ không thể lọc bỏ được các chất độc và dịch dư thừa, bệnh nhân bị giảm lượng nước tiểu, mất khả năng đi tiểu, sụt cân, da khô, ngứa ngáy, thay đổi màu da, đau xương, tăng huyết áp, rối loạn điện giải, thiếu máu mạn tính... Khi đó bệnh nhân sẽ phải dùng các biện pháp điều trị thay thế như lọc máu định kỳ, ghép thận.

TS Cường nhấn mạnh, khi bị suy thận mạn, không có biện pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn song việc điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện các triệu chứng, hạn chế nguy cơ biến chứng.

Thực tế, có nhiều bệnh nhân đã chạy thận 15-20 năm thậm chí hơn vẫn sống tốt.

Để phát hiện sớm suy thận, TS Cường lưu ý ở giai đoạn sớm có thể đi tiểu nhiều lần hơn bình thường, tiểu buốt, tiểu dắt, ứ nước dẫn tới sưng chân tay…

Ở giai đoạn sau, có thêm các triệu chứng như nước tiểu giảm, sưng chân, mắt cá chân và bàn chân do giữ nước, khó thở không rõ nguyên nhân, buồn ngủ quá mức, mệt mỏi, buồn nôn kéo dài, ngứa, đau lưng, đau cạnh sườn…

Để giảm thiểu nguy cơ suy thận, những người có nguy cơ cao như bị tiểu đường, tăng huyết áp, gia đình có người bị bệnh thận… cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh, tránh bệnh tiến triển giai đoạn muộn.

Với người dân, để tránh suy thận cần uống đủ nước mỗi ngày, có chế độ ăn hợp lý và cân bằng để tránh bị béo phì, thừa cholesterol, hạn chế dùng muối, không hút thuốc lá vì hút thuốc làm bệnh thận tiến triển nhanh hơn, tập thể dục thể thao mỗi ngày.

Khi bị bệnh, người dân không tự ý dùng thuốc, không lạm dụng thuốc lợi tiểu.

Thúy Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-suc-khoe/nhung-dau-hieu-canh-bao-suy-than-ban-can-biet-648164.html