Những địa chỉ tin cậy trong phòng chống bạo lực gia đình ở huyện Hoằng Hóa
Thời gian qua, các địa chỉ tin cậy tại huyện Hoằng Hóa đã góp phần triển khai hiệu quả công tác bạo lực gia đình (BLGĐ), xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới của gia đình chị Trần Thị Thu, xã Hoằng Đạt.
Nhận thức được vai trò quan trọng của các địa chỉ tin cậy tại cơ sở, cấp ủy, chính quyền xã Hoằng Đạt đã chỉ đạo thành lập các địa chỉ tin cậy tại các thôn và trung tâm xã. Đến nay, toàn xã có 6 địa chỉ tin cậy tại 4 thôn, trạm y tế xã và trụ sở UBND xã. Để các địa chỉ tin cậy thực sự trở thành nơi người dân tin tưởng chia sẻ tâm tư tình cảm, tìm đến lúc bế tắc hay bị bạo hành, xã đã chỉ đạo công chức văn hóa phối hợp cùng với hội liên hiệp phụ nữ xã, thôn và bí thư chi bộ, trưởng thôn khảo sát, lập danh sách những người có uy tín trong cộng đồng, có kiến thức, kỹ năng và năng lực để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Bên cạnh đó, xã đã tổ chức tập huấn về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới; bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận và tư vấn cho nạn nhân khi bị BLGĐ. Nhờ đó, người dân tại địa phương thường xuyên được cung cấp những kiến thức về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và phát triển kinh tế gia đình. Chị Trần Thị Thu, thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt cho biết: Không chỉ những chị em là nạn nhân của BLGĐ mới tìm đến địa chỉ tin cậy tại thôn mà hầu hết chị em chúng tôi vẫn thường xuyên đến địa chỉ tin cậy (nhà văn hóa thôn) để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nhờ đó, nhiều gia đình có biểu hiện bất hòa nhanh chóng được tháo gỡ mâu thuẫn và động viên nhau cố gắng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế.
Không chỉ riêng xã Hoằng Đạt mà hầu hết các xã, thị trấn tại huyện Hoằng Hóa đều duy trì và phát huy hiệu quả các địa chỉ tin cậy, góp phần kiềm chế tình trạng BLGĐ dưới mọi hình thức. Đến nay, toàn huyện Hoằng Hóa đã xây dựng được 287 địa chỉ tin cậy. Xác định phòng, chống BLGĐ là mục tiêu của toàn xã hội, vì vậy thời gian qua, các cấp, ban, ngành từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện luôn tăng cường công tác phối hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, hoạt động đặc thù của ngành, chú trọng thành lập các câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ, các địa chỉ tin cậy, cơ sở lánh nạn, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ; bám sát cơ sở phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Để phát huy hiệu quả các địa chỉ tin cậy và công tác phòng, chống BLGĐ tại địa phương, huyện đã thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống BLGĐ và hòa giải cho cán bộ làm công tác gia đình; phối hợp với các ban, ngành thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống BLGĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Loa truyền thanh, treo băng zôn, khẩu hiệu... Đồng thời, thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ với các hoạt động của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,... góp phần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc xây dựng, gìn giữ gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Đặc biệt, để các địa chỉ tin cậy được hoạt động một cách có tổ chức, phòng văn hóa thông tin huyện đã phối hợp với hội liên hiệp phụ nữ và các tổ chức đoàn thể, công an, trạm y tế, thường xuyên bám sát các địa chỉ lánh nạn, tư vấn, can thiệp kịp thời cho các gia đình có biểu hiện mâu thuẫn. Do đó, thông qua các địa chỉ tin cậy và các hoạt động phòng chống BLGĐ tại cơ sở người dân đã thay đổi hành vi, nhận thức, sống hòa thuận, các giá trị trong đời sống gia đình được đề cao, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết. Bên cạnh đó, người dân đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, bất hòa từ đó giúp các ngành chức năng kịp thời giải quyết, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 2 năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra BLGĐ; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 77,7%.
Thời gian tới, huyện Hoằng Hóa tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của địa chỉ tin cậy nói riêng và các hoạt động phòng chống BLGĐ nói chung. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi thành viên trong gia đình nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ, các địa chỉ tin cậy tại các xã, thị trấn; thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung hoạt động của các địa chỉ tin cậy, các câu lạc bộ; tăng cường phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể, thường xuyên lồng ghép nội dung hoạt động về phòng, chống BLGĐ gắn với các phong trào trong khu dân cư, đồng thời, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm Luật Phòng, chống BLGĐ.