Những điểm bất thường của bão Yagi - cơn bão mạnh nhất 30 năm qua

Bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông.

Bão số 3 cũng là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh, chỉ trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Đáng chú ý, mức độ giảm cấp trên đường đi của bão không theo quy luật thông thường.

Bão khiến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, tức là gần cấp thảm họa.

Tỉnh Yên Bái, Lào Cai phải cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai tới cấp 3 đối với lũ quét, sạt lở đất, tức là cấp cao nhất.

Cụ thể, thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào Vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12-13. Ngoài ra, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.

"Trong các phiên họp thảo luận trực tuyến của cán bộ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia với các chuyên gia quốc tế thuộc Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản và cơ quan Khí tượng Trung Quốc đều chung nhận định về đặc điểm bất thường của bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão gây ra ở Vịnh Bắc Bộ, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực phía Nam Trung Quốc," Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chia sẻ.

Những con số về đỉnh lũ lịch sử

Về lũ, ngập lụt, theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do mưa lớn, từ 8/9 nên mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3, một số sông vượt báo động 3 từ 3-4m.

"Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m vào 16 giờ ngày 10/9, trên mức báo động 3 là 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

 Phường Hồng Hà, Thái Học và Yên Ninh (thành phố Yên Bái) là các điểm bị ngập sâu trong sáng 9/9/2024. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phường Hồng Hà, Thái Học và Yên Ninh (thành phố Yên Bái) là các điểm bị ngập sâu trong sáng 9/9/2024. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Mực nước đỉnh lũ tại trạm Lào Cai 86,97m trên báo động 3 là 3,47m; tại Bảo Hà 61,95m, trên báo động 3 là 4,95m, trên mức lũ lịch sử năm 2008 (60,93m) 1,02m; tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 35,73m, trên báo động 3: 3,73m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m," ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận cao nhất trong 20 năm.

Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy.

Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Những vụ sạt lở tang thương chưa từng có

Cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét, đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu, tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Thế nhưng khi rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước thì liên kết trở nên yếu ớt, đất đá mềm nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi,… sẽ dẫn tới sạt lở.

Nhưng mưa lớn, ngập lụt, sập cầu mới chỉ là phần một. Bi kịch lớn hơn đã xảy ra sau đó với hàng chục vụ lở đất, lũ quét lớn chưa từng có trong lịch sử, đặc biệt là tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...

Đặc biệt, tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sạt lở đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm.

Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp.

Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng thái bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi.

Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).

Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h ngày 16/9, số người chết và mất tích do bão số 3, mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc lên tới 329 người (291 người chết, 38 người mất tích); 1.922 người bị thương.

Tổng thiệt hại kinh tế ước tính trên 32.787 tỷ đồng.

Ngày 15/9, chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, với tinh thần “tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước,” các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Tang thương Làng Nủ (Nguồn: TTXVN)

Tang thương Làng Nủ (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, các ngành, địa phương tiếp tục thống kế thiệt hại của nhà nước, nhân dân; tổ chức nơi ở tạm, an toàn cho người dân đã mất nhà; đồng thời tổ chức tái định cư cho tất cả người dân bị mất nhà, vùi lấp tới nơi ở an toàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2024 với điều kiện an toàn và tốt hơn nơi ở cũ; tổ chức khôi phục giao thông; đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, miễn giảm học phí cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Đối với sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ; đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Cùng với đó có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước./.

Các vụ sạt lở đất và thảm họa nghiêm trọng của Vietnam Plus

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-diem-bat-thuong-cua-bao-yagi-con-bao-manh-nhat-30-nam-qua-post977216.vnp