Những điểm cần làm rõ vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị quên trên xe đưa đón của trường Gateway
Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng và phẫn nộ trước cái chết oan uổng của bé trai 6 tuổi do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Nhất là khi nguyên nhân ra đi của em vẫn chưa được làm rõ và nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ chưa có câu trả lời.
Bé trai lúc đi học mặc áo đỏ, rời xe áo trắng
Sáng 7/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự Vô ý làm chết người để điều tra việc bé trai 6 tuổi trường Gateway tử vong khi bị bỏ quên trên xe đưa đón.
Trên Tri thức trực tuyến, bác ruột của bé trai cho biết sáng 6/8, cháu Lê Hoàng Long mặc đồng phục màu đỏ. Mẹ bé trai cũng khẳng định Long mặc áo đỏ của trường Gateway, quần sooc trắng khi lên ô tô cùng hơn chục học sinh khác. Nhưng hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy bé trai khi được đưa khỏi ô tô lại mặc áo trắng.
"Gia đình chúng tôi có cơ sở để nghi ngờ khi phát hiện cháu tử vong trong xe, nhà trường đã thay áo để xóa đi dấu vết nguyên nhân thực sự khiến thằng bé tử vong", người này nói.
Tại cuộc họp sáng nay, phóng viên đã đặt câu hỏi thông tin về việc khi cháu bé đi học mặc áo màu đỏ nhưng đến khi cháu được đưa đến bệnh viện thì lại mặc áo trắng. Vậy quá trình đưa cháu bé đến bệnh viện có sự thay đổi quần áo của cháu bé hay không? Và việc này có làm thay đổi ảnh hưởng đến quá trình điều tra nguyên nhân cái chết không?
Đại diện cơ quan điều tra đã trả lời phóng viên và khẳng định sự khách quan của cơ quan điều tra về nguyên nhân cái chết của cháu bé. "Tất cả các kết quả điều tra sẽ được chúng tôi thông tin lại cho các cơ quan báo chí nhanh nhất và chính xác nhất.
Về việc sự thay đổi áo của cháu bé có hay không tác động và ảnh hưởng đến quá trình điều tra, chúng tôi sẽ thông báo sớm nhất khi có kết quả về nguyên nhân cái chết của cháu bé".
Giáo viên phụ trách và tài xế không kiểm tra lại xe sau khi trả học sinh tại trường?
Theo đó, một số trường, đặc biệt là các trường quốc tế thường đưa, đón học sinh bằng xe buýt của trường và luôn có giáo viên phụ trách đi theo xe để điểm danh học sinh lúc nhận và trả học sinh. Do đó, nếu thiếu học sinh nào thì giáo viên phụ trách sẽ là người phát hiện đầu tiên và thông báo cho gia đình và nhà trường biết để tìm kiếm. Đồng thời tài xế xe cũng phải kiểm tra lại xe trước khi tắt máy và khóa cửa xe.
Tuy nhiên, trong vụ việc trên, tại sao xe đưa, đón học sinh vào trường lúc 7h30 sáng 6/8 thì đến khoảng 16h30 cùng ngày cháu bé mới được phát hiện bị bỏ quên trên xe?
Tại buổi họp, phóng viên đã đặt câu hỏi cho các cơ quan có chức năng về thông tin liên quan đến cô Q. người có trách nhiệm đón học sinh từ xe đưa đón. Theo một số thông tin, sau khi đưa 13 học sinh đến trường thì có 2 em học sinh khóc rất nhiều nên cô Q. đã đưa 2 học sinh này lên lớp trước.
Thế nhưng sau khi đưa 2 học sinh này lên lớp, cô Q. lại không hề quay lại kiểm tra số học sinh trên xe theo đúng quy định.
Thế nhưng khi câu hỏi về thông tin này được phóng viên đề ra thì không nhận lại bất kỳ câu trả lời nào chính thức từ cơ quan có chức năng.
Bên cạnh đó, 1 câu hỏi được đặt ra trong buổi làm việc chính thức này xoay quanh việc cô Q. là giáo viên mới làm việc được 2 ngày, chưa hề kí hợp đồng chính thức với trường Gateway, cũng như cô Q. là người còn rất non kinh nghiệm.
Trả lời vấn đề này, đại diện Phòng Giáo dục cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang cùng các cơ quan điều tra rà soát lại hợp đồng với các giáo viên có liên quan đến vụ việc này của trường Gateway".
Giáo viên chủ nhiệm không có số của phụ huynh
Theo thông tin cung cấp ban đầu từ bà Trần Thị Hạnh, Chủ tịch Hội đồng trường Quốc tế Gateway thì giáo viên kiểm soát sáng 6/8 có báo cháu L không đến lớp, nhưng do giáo viên phụ trách gọi điện cho các phụ huynh lại nghỉ phép nên đã xảy ra bất cẩn nghiêm trọng này.
Như vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi là tại sao khi giáo viên chủ nhiệm phát hiện ra học sinh vắng mặt tại lớp lại không gọi điện ngay cho phụ huynh mà lại phải thông báo cho hệ thống quản trị của trường? Phải chăng giáo viên chủ nhiệm không có số điện thoại của phụ huynh để liên lạc?
Đồng thời cũng trong trường hợp này, tại sao khi giáo viên phụ trách gọi điện cho các phụ huynh nghỉ phép thì nhà trường không phân công người khác làm việc này? Bởi đây là việc vô cùng quan trọng để đề phòng những trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra.
Trao đổi với báo chí tại trường Gateway (Hà Nội), ông Trương Tất Thành - Trưởng ban phụ huynh lớp Tokyo, nơi có bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe cho hay, tối qua, ông nhận hung tin và vào viện cùng gia đình nạn nhân.
Theo ông Thành và nhiều phụ huynh, mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh rất lỏng lẻo. Khi đưa con đến lớp học, gia đình nạn nhân mới biết tên cô giáo chủ nhiệm.
Trường quy định phụ huynh không được lấy số điện thoại cô giáo chủ nhiệm và ngược lại, cô giáo cũng không có số của cha mẹ học sinh.