Những điểm chính từ cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed

Dù quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25% -5,50% tại cuộc họp chính sách tháng 7, nhưng những điểm chính rút ra từ họp báo và tuyên bố chính sách mới nhất của Fed sau cuộc họp cho thấy một số manh mối quan trọng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cho vay trong những tháng tới.

Bớt cảnh giác hơn về lạm phát

Hoan nghênh lạm phát chậm lại và kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh mẽ nằm trong số những điểm chính sau cuộc họp chính sách tháng 7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Điều quan trọng đối với nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Fed là họ phải tự tin về lạm phát trước khi NHTW có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất, và ở góc độ này Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như đã tỏ ra tự tin hơn nhiều. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Tư (31/7) ngay sau khi cuộc họp chính sách tháng 7 kết thúc, ông Powell cho rằng: "Số liệu lạm phát trong quý II đã làm tăng thêm sự tự tin của chúng tôi và nhiều dữ liệu tốt hơn sẽ củng cố thêm sự tự tin đó". Điều đó cho thấy Fed vẫn cảnh giác về lạm phát, nhưng hiện đã bớt cảnh giác hơn một chút. Ông Powell thậm chí còn nói rằng: "Chúng ta không cần phải tập trung 100% vào lạm phát". Nhìn lại cả quá trình dài, ông Powell cho biết lạm phát đã giảm đáng kể trong vài năm qua, “nhưng vẫn cao hơn một chút so với mục tiêu dài hạn của chúng tôi là 2%".

Tuyên bố chính sách mới nhất của Fed cũng cho thấy các quan chức coi lạm phát hiện không còn là vấn đề lớn như tại cuộc họp vào tháng 6 và trước đó. Theo đó, tuyên bố của Fed mới nhất mô tả lạm phát là "khá" cao - đây không phải là từ đã từng được sử dụng để mô tả lạm phát kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm 2022. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), cho thấy giá tiêu dùng tăng 2,5% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,6% của tháng 5, và tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed.

Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi này trong cách nhìn nhận của Fed có nghĩa là NHTW có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9, qua đó giảm bớt áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang phải gánh chịu chi phí vay cao. Tuy nhiên ông Powell cũng nhấn mạnh lại quan điểm rằng, việc xác định thời điểm cắt giảm lãi suất sẽ là "một quyết định rất khó khăn", bởi sẽ có hậu quả nếu Fed cắt giảm quá sớm hoặc quá muộn.

Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee gần đây đã cảnh báo về tác động của lãi suất điều chỉnh theo lạm phát, vốn sẽ siết chặt sự kìm hãm đối với nền kinh tế nếu lạm phát chậm lại nhưng lãi suất vẫn không đổi. Điều đó có thể là một vấn đề đối với thị trường việc làm - thị trường mà Fed cũng được Quốc hội giao trọng trách - bên cạnh nhiệm vụ giữ được giá cả ổn định.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/7 tại Washington, DC

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31/7 tại Washington, DC

Mọi con mắt đổ dồn vào thị trường việc làm

Trong khi lạm phát tiếp tục xu hướng giảm mang lại sự nhẹ nhõm hơn cho Fed thì tương lai của thị trường việc làm hiện đang là mối quan tâm hàng đầu. Nhu cầu lao động đã giảm mạnh trong hai năm qua và hiện các nhà tuyển dụng không còn tuyển dụng với tốc độ như trước đây, người thất nghiệp khó tìm được việc làm mới hơn, tốc độ tăng trưởng tiền lương đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao nhất trong hơn hai năm (ở mức 4,1% vào tháng 6)... Những yếu tố đó đang gây áp lực lên trọng trách duy trì thị trường việc làm toàn dụng của Fed.

Chủ tịch Fed Powell mô tả đà tăng trưởng chậm hơn của thị trường việc làm cho thấy "sự bình thường hóa dần dần đang diễn ra", xét đến việc thị trường việc làm trước đó đã tăng trưởng nóng sau đại dịch Covid. Nhưng ông lưu ý rằng, bất kỳ sự suy yếu đáng kể nào hơn nữa cũng sẽ đáng lo ngại vì thị trường việc làm "đã trở lại mức trước đại dịch". "Tôi không nói rằng chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự hạ nhiệt nào khác, mà là phải có sự khác biệt đáng kể. Nếu thấy điều gì đó cho thấy sự suy giảm đáng kể hơn, thì đó sẽ là điều mà chúng tôi có ý định ứng phó”, ông Powell nói. Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu đánh giá tình trạng thị trường việc làm tháng 7, bao gồm tăng trưởng tiền lương hàng tháng và tỷ lệ thất nghiệp, vào thứ Sáu.

Bên cạnh đó, một chu kỳ kinh tế rất bất thường cũng đang diễn ra với kinh tế Mỹ hiện nay. Dù Fed cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách cố tình “làm mát” nền kinh tế thông qua lãi suất cao hơn nhưng trái với dự kiến, tăng trưởng vẫn phục hồi mạnh. Về lý thuyết, việc đẩy lãi suất lên cao để đối phó với lạm phát sẽ khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại (thậm chí rơi vào suy thoái) và thực tế lịch sử cũng cho thấy điều này, nên đây được xem là quy luật bình thường.

Tuy nhiên quy luật đó không hẳn lúc nào cũng đúng. Diễn biến kinh tế quý II tại Mỹ cho thấy rõ điều này, trong khi lạm phát có xu hướng dịu lại, tăng trưởng kinh tế vẫn mạnh mẽ. Báo cáo mới nhất cho thấy sau khi điều chỉnh theo biến động theo mùa và lạm phát, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,8% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, cao gấp đôi tốc độ tăng trong quý I và cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế. Chủ tịch Fed Powell gọi đó là một diễn biến "bất thường trong lịch sử". Ông Powell cho biết vẫn chưa rõ nền kinh tế sẽ diễn biến tiếp theo như thế nào, liệu lạm phát chậm hơn và tăng trưởng mạnh hơn có tiếp tục hay không nhưng cho rằng, những tác động từ đại dịch Covid-19 đã làm suy yếu quan niệm, quy luật thông thường. Trước đó vào năm 2023, khả năng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ cũng gây sốc cho không ít các nhà kinh tế, những người đã dự đoán về một cuộc suy thoái nhưng cuối cùng đã không xảy ra.

Hồng Quân

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhung-diem-chinh-tu-cuoc-hop-chinh-sach-thang-7-cua-fed-154219.html