Những điểm du lịch hấp dẫn ở huyện Hóc Môn nhưng ít người biết
Ngành du lịch TP HCM đang nỗ lực làm mới sản phẩm tour để đón khách trở lại dịp cuối năm, trong đó Hóc Môn là điểm đến mới nhất sắp được đưa vào khai thác
Ngày 27-11, đoàn khảo sát chương trình du lịch của Sở Du lịch TP HCM đã tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm một số điểm đến ở huyện Hóc Môn.
Theo đó, tour tham quan Sài Gòn - Hóc Môn với tên gọi "Sức sống mới vùng ngoại thành" do Công ty Vian Travel (thuộc Vidogroup) tổ chức, với sự tham gia của đại diện một số doanh nghiệp lữ hành nhằm cùng góp ý, xây dựng và hoàn thiện chương trình du lịch mới tới Hóc Môn.
Trong lịch trình tour, đoàn du khách đã tham quan một số nơi như Di tích lịch sử Ngã ba Giồng; lên tàu du lịch trải nghiệm hành trình "trên bến, dưới thuyền" ngắm sông Sài Gòn; tham quan Cánh đồng hoa (xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn); tiếp tục xuôi dòng sông trên tàu du lịch đến Làng gốm Lái Thiêu (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bên kia sông Sài Gòn…
Ông Bùi Ngọc Quý, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hóc Môn, cho biết huyện đang xây dựng đề án phát triển du lịch trên địa bàn tới giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, trong đó tập trung đẩy mạnh các sản phẩm du lịch về văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc như 18 thôn vườn trầu; du lịch thiên nhiên, sinh thái…
Chẳng hạn, Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng trước đây chủ yếu đón nhóm khách tham quan là học sinh, sinh viên, nay sẽ được quảng bá, giới thiệu để đưa vào lịch trình tour, trở thành một điểm đến trong tour của công ty lữ hành.
Ông Trương Gia Khánh, Giám đốc điều hành Vian Travel, cho biết trước đây công ty chuyên đón khách quốc tế tới Việt Nam nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công ty chuyển sang khai thác những điểm đến trước đây đón khách quốc tế thành phục vụ khách nội địa. Hóc Môn là một trong những điểm đến được công ty đưa vào đón khách quốc tế, nay sẽ chuyển sang đón thêm khách nội địa trong tình hình mới, cũng tạo sản phẩm mới cho khách nội địa có nhu cầu trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng, góp phần duy trì và phát triển làng nghề thủ công…
"TP HCM vẫn còn rất nhiều điểm, nhiều nơi khách du lịch chưa tìm hiểu, nhiều làng nghề dân gian đưa vào sản phẩm du lịch hấp dẫn để đón khách. Và thị trường nội địa, trong đó TP HCM với hơn 10 triệu dân nếu được khai thác tốt sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn giai đoạn này" – ông Trương Gia Khánh nói.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết hoạt động khảo sát các chương trình du lịch đặc trưng của TP HCM nhằm hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ du lịch để quảng bá, xúc tiến và khai thác du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19. Riêng với huyện Hóc Môn, sau chương trình khảo sát, Sở Du lịch sẽ lắng nghe, ghi nhận và tổng hợp ý kiến đóng góp của các công ty lữ hành để cùng với huyện hoàn thiện sản phẩm du lịch, sớm đưa vào khai thác để tạo hấp dẫn cho du khách.
Trong nỗ lực làm mới sản phẩm hiện có và tìm kiếm thêm những sản phẩm du lịch "độc, lạ" để thu hút du khách ngay trên "sân nhà", Sở Du lịch TP cho biết sẽ tiếp tục khảo sát thêm nhiều điểm đến mới để cùng các công ty du lịch xây dựng nhiều sản phẩm, kéo khách nội địa dịp cuối năm, cũng như làm tiền đề đón khách quốc tế trở lại sau khi được Chính phủ cho phép.