Những điểm du lịch thu hút khách tại Hà Nam
Du lịch tâm linh được xác định là loại hình du lịch chính của Hà Nam. Ngoài những ngôi chùa như: chùa Bà Đanh, chùa Tiên Ông (Kim Bảng), chùa Trinh Tiết (Thanh Liêm), chùa Bầu (Phủ Lý)…, thì những ngôi chùa được xây mới như chùa Tam Chúc (Kim Bảng); chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm) hiện là những ngôi chùa thu hút được nhiều du khách.
Du lịch tâm linh được xác định là loại hình du lịch chính của Hà Nam. Ngoài những ngôi chùa như: chùa Bà Đanh, chùa Tiên Ông (Kim Bảng), chùa Trinh Tiết (Thanh Liêm), chùa Bầu (Phủ Lý)…, thì những ngôi chùa được xây mới như chùa Tam Chúc (Kim Bảng); chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm) hiện là những ngôi chùa thu hút được nhiều du khách.
Điểm chung của những ngôi chùa này là khuôn viên rộng, chùa được xây mới tuy vẫn theo kiến trúc truyền thống nhưng rộng lớn, bề thế. Và đặc biệt, những ngôi chùa này đều được chăm chút về khung cảnh, tiểu cảnh và các công trình phụ trợ đi kèm, vừa phục vụ nhu cầu tâm linh, vừa đáp ứng nhu cầu chụp ảnh lưu niệm của khách du lịch.
Chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, Kim Bảng) là điểm nhấn của du lịch Hà Nam. Chùa tọa lạc trong không gian rộng lớn với khung cảnh nên thơ, non nước hữu tình. Tôn trọng tự nhiên nên khu du lịch này vẫn giữ được những nét hoang sơ thiên nhiên ban tặng, hồ nước rộng lớn, những ngọn núi, dáng núi mang nhiều huyền tích. Điểm nổi bật khi đến với Khu du lịch văn hóa tâm linh chùa Tam Chúc là ba điện thờ đồ sộ với các bức tượng Phật có kích thước lớn. Ngoài ra, tại các bức tường của ba điện thờ là hệ thống 12.000 bức tranh bằng đá núi lửa được khai thác, đục đẽo rất công phu, cầu kỳ và tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân theo đạo Hồi Indonesia. Các bức phù điêu đá trong mỗi đại điện thể hiện một chủ đề khác nhau, nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc và dễ hiểu vì đây đều là những tích chuyện về Phật giáo và con đường tu hành của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đi hết ba điện thờ, bước lên 229 bậc, du khách sẽ lên chùa Ngọc. Chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Thất Tinh nên đây còn được coi như đàn tế trời của khu tâm linh. Công trình chùa Ngọc do những người theo đạo Hindu đến từ đất nước Ấn Độ xây dựng bằng hàng ngàn khối đá granite đỏ với tổng khối lượng nặng 2.000 tấn, ghép liền nhau không cần xi măng. Đứng trên chùa Ngọc, du khách có thể bao quát toàn bộ khung cảnh chùa Tam Chúc. Công trình độc đáo khi đến với Khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc còn là hệ thống vườn cột kinh nằm trong khuôn viên giữa Tam quan nội và điện Quan Âm với hình thể và quy mô đồ sộ, sử dụng đá xanh nguyên khối, mỗi cột cao 12,5m, nặng 200 tấn. Dự kiến khi hoàn thành sẽ có số lượng lên đến 1.000 cột, kinh Phật sẽ được khắc trên thân cột để lưu truyền cho hậu thế. Vườn cột kinh này không chỉ minh chứng cho một nền điêu khắc đá sống động, mà còn là hiện thân cho một giai đoạn lịch sử của một dòng chảy văn hóa, tâm linh đến ngàn đời. Đây đều là những biểu tượng của khu tâm linh, những biểu tượng không chỉ để nhìn ngắm đơn thuần, mà còn là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm thú vị về văn hóa, tâm linh khi đến với Tam Chúc.
Một góc của chùa Địa Tạng Phi Lai (Thanh Liêm). Ảnh: Ngọc Diệp
Rời chùa Tam Chúc, du khách đến với Địa Tạng Phi Lai tự, ngôi chùa nằm ẩn mình giữa rừng thông xanh tại thôn Đùng, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm). Địa Tạng Phi Lai là một ngôi chùa đẹp, cảnh sắc yên bình. Lưng chùa dựa vào núi bạt ngàn thông reo, mặt quay ra cánh đồng rộng mênh mông, cạnh chùa có suối nước róc rách ngày đêm. Ngôi chùa được khởi dựng vào năm 2015 trên nền ngôi chùa cổ đã đổ nát. Tòa Tam bảo được xây cao với sân rộng là nơi sinh hoạt tâm linh, nghe thuyết pháp và các hoạt động phật sự. Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi thờ 42 vị tổ sư từng trụ trì tại chùa. Trong khuôn viên còn có ngôi điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm nằm trên một hồ nước nhỏ. Hai bên tòa Tam bảo còn có công trình thờ Đức Ông và Đức Thánh Hiền cùng các khu phụ trợ khác. Ngôi chùa được sư trụ trì để nhiều tâm huyết với phần sân dẫn vào chùa đều được rải sỏi trắng, hằng ngày 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi trắng tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Ngoài màu sắc của sự thiền định, cảnh chùa còn một số công trình mang màu sắc quê kiểng vùng đồng bằng Bắc Bộ với ngôi nhà khung tre, mái rơm; những con đường lên núi xanh rì cây cỏ hoang dại. Trên đỉnh núi phía sau chùa đang được các nhà khảo cổ khai quật, bước đầu xác định đây là nền tháp của một ngôi tháp cổ cuối thời Lý đầu thời Trần, cùng nhiều cổ vật có giá trị khác. Cảnh sắc khoáng đạt, tiếng thông reo, hương lúa mới, tiếng chuông chùa luôn gợi lên sự thanh tao, thoát tục cho du khách khi tới nơi đây.
Cùng năm khởi công xây dựng với chùa Địa Tạng Phi Lai là chùa Phật Quang. Chùa tọa lạc trong một thôn nhỏ bình yên ở xã Thanh Phong cùng huyện Thanh Liêm. Từ ngoài nhìn vào, chùa Phật Quang không quá nổi bật và hoành tráng, cổng chùa được dựng bằng tre có mái lợp rơm, mộc mạc, đơn sơ. Nhưng bước qua cổng chùa là màu xanh của cây cối và đủ sắc màu của những khóm hoa, cây cảnh, dây leo vấn vít. Ngôi chùa như được phủ trong màu xanh mát mắt đó. Lối đi trong chùa được lát bằng những phiến đá tự nhiên cắt thành miếng nhỏ trên nền những viên sỏi trắng. Các công trình trong chùa có Tam bảo, giảng đường, lầu trà, lầu khách, nhà tổ. Vẻ đẹp của chùa đến từ kiến trúc tinh xảo, là những bức tượng lớn, nhỏ mang ý nghĩa tâm linh được sắp đặt trong khuôn viên chùa, những tạo hình hòn non bộ, hồ cá, tiểu cảnh được chăm chút tỉ mỉ và nhất là những tùy bút thư pháp trên đá, những bức họa của sư trụ trì được bài trí tinh tế càng tăng lên vẻ đẹp tâm linh cho ngôi chùa.
Năm 2022 là năm tỉnh ta có nhiều sự kiện về kinh tế, văn hóa và thể thao nên số lượng khách đến tham quan những ngôi chùa trên khá đông. Nhiều du khách có những phản hồi tích cực về những địa điểm du lịch tâm linh này, mỗi ngôi chùa đều mang một vẻ đẹp riêng, không trộn lẫn, dễ dàng có nhiều khung hình đẹp và ưng ý.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/du-lich/nhung-diem-du-lich-thu-hut-khach-tai-ha-nam-92113.html