Những điểm mới của Bộ luật Lao động: Hướng tới hài hòa quyền lợi
Đánh giá về việc thực thi Bộ luật Lao động của Việt Nam, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định, Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Thêm nhiều quyền lợi cho người lao động
Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động trốn trách nhiệm, không đóng BHXH cho người lao động với hình thức giao kết hợp đồng lao động mùa vụ (hoặc giả cách ký hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc thay cho hợp đồng lao động mùa vụ)… Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ nội dung về hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, chỉ còn quy định 2 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn. Trong đó, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
Đáng chú ý, nhằm phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ số, song hành cùng việc giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, lời nói, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử. Cụ thể tại Khoản 1, Điều 14, Bộ luật này quy định: Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản. Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do…Bên cạnh đó theo Bộ luật mới, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cũng đã được tinh giản. Nếu tranh chấp lao động không được hòa giải thành công, người lao động giờ đây có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Trước đây, cần thêm nhiều bước khác để có thể đình công hợp pháp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi mang tính đột phá trên góp phần đưa pháp luật lao động và quan hệ lao động của Việt Nam tiệm cận hơn với Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập năm 2019, và cải tiến theo Công ước số 87 mà Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023.Tôn trọng và áp dụng đầy đủ Công ước số 87 và Công ước số 98 của ILO là yêu cầu trọng tâm đối với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương.
Cần hướng dẫn để triển khai Luật hiệu quả
Đánh giá về những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019, tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam khẳng định: Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Những thay đổi này tạo nền tảng vững chắc cho chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động tiến lên trên con đường bền vững hơn hướng tới thịnh vượng chung và tránh được bẫy thu nhập trung bình. Điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình nâng cấp xã hội và kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó.
“Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135 về tuổi nghỉ hưu và mới đây là Nghị định số 145 về điều kiện lao động và quan hệ lao động nhằm triển khai các quy định có liên quan. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn đăng ký tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể. Thiếu những nghị định này, người lao động và người sử dụng lao động không thể thụ hưởng những quyền mới theo Bộ luật Lao động 2019” - tiến sĩ Chang-Hee Lee nhấn mạnh.
Theo Giám đốc ILO Việt Nam, thanh tra lao động, mặc dù có vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả, không thể một mình đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ đối với Bộ luật Lao động. Chính vì vậy để thực thi Bộ luật Lao động đạt hiệu quả cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương và xã hội. Trong đó việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về những quy định, điểm mới của Bộ luật Lao động cho người lao động, người sử dụng lao động là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy đưa Bộ luật Lao động vào đời sống.