Những điểm mới nào trong kinh doanh xăng dầu sắp được sửa đổi, bổ sung?

Theo tờ trình dự thảo 2, Bộ Công thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung về công thức và cơ chế giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều kiện kinh doanh xăng dầu, hệ thống kinh doanh xăng dầu và các vấn đề khác như quy định sở hữu cơ sở vật chất kinh doanh xăng dầu, phòng thử nghiệm, dự trữ xăng dầu…

2 phương án tính giá xăng dầu

Chỉ vài ngày sau khi trình dự thảo 1 Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ tờ trình dự thảo thứ 2 đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Theo tờ trình của Dự thảo 2, Bộ Công Thương diễn giải nhiều lý do bổ sung liên quan cơ chế điều hành giá xăng dầu và cho rằng với cơ chế hiện nay cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố.

Bộ Công Thương cho rằng, việc điều hành giá chưa đảm bảo thực hiện theo cơ chế thị trường. Vì vậy, dự thảo mới quy định Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định.

Bộ Công thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung về công thức và cơ chế giá xăng dầu... Ảnh: Bảo Loan

Bộ Công thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung về công thức và cơ chế giá xăng dầu... Ảnh: Bảo Loan

Đáng chú ý, dự thảo mới đưa quy định định kỳ 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân (dự thảo 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường.

Tuy nhiên, giá bán ra của doanh nghiệp không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên bộ. Điều này đồng nghĩa giá xăng dầu tiếp tục có thể giữ nguyên chu kỳ điều hành tính giá 7 ngày như hiện nay thay vì tính bình quân 15 ngày như dự thảo 1.

Dự thảo mới đưa ra 2 phương án tính giá mới:

Phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp được tính theo giá trị tuyệt đối. Theo tính toán của Bộ Công Thương, hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.

Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp sẽ biến đổi theo tỷ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.

Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng điều chỉnh.

Dự thảo Nghị định mới quy định, với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định. "Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Doanh nghiệp tính toán và được phép bán giá thấp hơn giá bán tối đa quy định", dự thảo nêu rõ.

Không cho thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau

Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá, dự thảo mới của Bộ Công Thương cũng đưa ra thêm một số điều của Luật Giá để bảo vệ quan điểm duy trì quỹ.

Theo đó, khi giá thế giới tăng liên tục trong 15 ngày, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng xem xét việc trích lập, chi sử dụng theo quy định của Luật Giá.

Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng yêu cầu phải báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng kho, đồng thời giao các Sở Công Thương kiểm tra, giám sát.

Dự thảo cũng nhấn mạnh quan điểm không cho thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau. Ảnh: Bảo Loan

Dự thảo cũng nhấn mạnh quan điểm không cho thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau. Ảnh: Bảo Loan

Cùng với đó, Bộ Công Thương đề xuất đẩy mạnh việc số hóa, kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan đến tổng nguồn, tiêu thụ, tồn kho…

Dự thảo mới cũng bổ sung nội dung về kinh nghiệm tham gia thị trường của các đầu mối, thương nhân phân phối. Cụ thể, doanh nghiệp trong vòng 3 năm không bị cơ quan quản lý xử lý vi phạm, trong đó có việc tước giấy phép thì sẽ được cấp phép làm đầu mối.

Quy định mới nêu rõ: Đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. Cụ thể, tổng nguồn thực hiện của đầu mối được tính tổng số xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy trong nước.

Xăng dầu mua bán qua lại giữa các đầu mối không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu. Qua đó, góp phần lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm đầu mối.

Dự thảo cũng nhấn mạnh quan điểm không cho thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng một Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ trong Quý I năm 2024.

Với mục tiêu là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng cho nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước, Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu;

Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa;

Giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp;

Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu;

Kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu.

Tình trạng mua sắm online của giới trẻ

Khánh Dương

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-diem-moi-nao-trong-kinh-doanh-xang-dau-sap-duoc-sua-doi-bo-sung-17224040311502354.htm