Những điểm nhấn Thái Lan 0-0 Việt Nam: Quân vương bị phế truất
ĐT Việt Nam trong thế chân tường đã có một trận cầu có thể coi là xem được trước kỳ phùng địch thủ Thái Lan.
Sau đây là những điểm nhấn đáng lưu ý ở trận đấu này mà chúng tôi xin được phép điểm qua.
Tinh thần tuyệt vời của các chiến binh Việt
Trong tình thế vô cùng bất lợi sau lượt đi, không ít ý kiến cho rằng thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ không gom góp đủ tinh thần, sẽ không chịu nổi nhiệt trước đẳng cấp chơi bóng của người Thái ở trận lượt về.
Tuy nhiên, những ý kiến chủ quan xem thường tinh thần Việt đã sai. ĐT Việt Nam đã duy trì một sức ép khủng khiếp lên phía thủ thành của ĐT Thái Lan ngay sau tiếng còi khai cuộc, sự áp đảo này thậm chí kéo dài gần như toàn bộ hiệp 1 và "Voi chiến" hiếm hoi lắm mới có được một pha lên bóng phản công trong 45 phút đầu tiên. Trong lịch sử xem bóng đá hầu hết fan Việt có lẽ rằng chưa từng được chứng kiến một hiệp đấu mà "Các chiến binh sao vàng" áp đảo đối thủ Thái Lan đến như vậy.
Chính sức ép dữ dội mà những Quang Hải, Văn Đức, Đức Chinh, Tấn Tài... liên tục tạo ra đã khiến hàng thủ Thái Lan kha khá lần giật mình chệch choạc. Điển hình như tình huống ở phút 28, khi thủ thành Chatchat phải băng ra ngoài vòng cấm để sửa sai cho các đồng đội và dẫn đến pha chấn thương của chính thủ thành này tạo điều kiện cho thủ thành dự bị Siwarak (37 tuổi) vào thay. Nếu may mắn và chính xác hơn, có lẽ các chân sút của Việt Nam đã có được 1 bàn ở hiệp thứ nhất sau những sức ép mà họ tạo ra về phía khung thành đối thủ.
Thủ thành dự bị của Thái Lan hay hơn thủ thành chính?
Khoảnh khắc thủ thành chính Chatchai của ĐT Thái Lan phải rời sân khi trận đấu chưa trôi qua được nửa giờ, và những giọt nước mắt của Chatchai rơi xuống khi phải rời sân nhường chỗ cho Siwarak sẽ khiến đôi người nghĩ rằng đấy là điềm rủi cho người Thái.
Tuy nhiên, kẻ vào thay cho Chatchat là "lão tướng" 37 tuổi Siwarak hoàn toàn không phải dạng thủ môn tầm thường. Thủ thành Siwarak đang đảm nhiệm vị trí "người gác đền" số 1 của CLB Buriram, đội bóng hàng đầu tại giải Thai-League, và anh này đã chứng minh khả năng trấn giữ khung gỗ cực tốt của mình ngay sau khi vào sân thay Chatchai.
Nếu Chatchai ở cả trận bán kết lượt đi lẫn quãng thời gian đầu tiên của trận lượt về cho thấy khả năng ra vào không thực sự hợp lý, có phần nóng vội. Thì về phần Siwarak, anh này cho thấy mình điềm tỉnh hơn hẳn người đồng đội có tuổi đời ít hơn. Vào sân chưa lâu, Siwarak đã cản phá cú sút phạt trực tiếp khá căng của Quang Hải (36'), cũng vẫn chính Quang Hải bị Siwarak cản phá ở phút 59 với pha sút phạt trực tiếp có vị trí chếch ở hướng cánh phải và mang theo đường cong tuyệt vời từ cái chân trái đẳng cấp của số 19. Đó chỉ là 2 tình huống tiêu biểu cho thấy, thủ thành vào sân thay người của ĐT Thái Lan đã rất xuất sắc trận này.
Nếu mất Theerathon ở trận chung kết lượt đi với Indonesia sẽ gây đau đầu khá nhiều cho HLV Polking, thì có lẽ chấn thương của Chatchai không khiến ông Polking quá đắn đo khi vẫn có trong đội hình đôi găng cứng rắn của Siwarak.
ĐT Việt Nam không có được phương án tốt ở hiệp 2
Sau khi áp đảo ĐT Thái Lan một cách khá toàn diện ở hiệp 1, những tưởng HLV Park Hang Seo sẽ kiên nhẫn để cho các học trò thi hành các phương án tiếp cận như vậy ở hiệp đấu thứ 2. Tuy nhiên, mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng khác.
Không hiểu thầy Park cùng BHL của ĐT Việt Nam đã bàn thảo điều gì cùng các cầu thủ trong giờ nghỉ. Nhưng phương án chơi bóng dài mà ĐT Việt Nam áp dụng trong hiệp hai rõ ràng không đủ để gây ra sức ép lớn như Thái Lan ở hiệp 1. Những đường bóng dài của ĐT Việt Nam khiến những cầu thủ phòng ngự cao to của Thái Lan (Manuel Bihr 1m84 hay Elias Dolah 1m96) dễ dàng kiểm soát tình huống hơn, Quang Hải sau khi có hiệp 1 tương đối sáng thì tỏ ra khá lạc lõng với lối chơi bóng dài của ĐT Việt Nam trong hiệp đấu thứ hai. Còn Tiến Linh - trung phong to cao nhất mà ĐT Việt Nam có, lại thể hiện một trận đấu thất vọng.
Có lẽ nếu các hướng tấn công của ĐT Việt Nam vẫn tập trung cho Quang Hải và "tiền đạo ảo" Tấn Tài như 45 phút đầu, thì hiệp đấu thứ hai sẽ nhiều hy vọng hơn cho các "chiến binh sao vàng" trong nhiệm vụ săn tìm bàn thắng.
Quân vương bị phế truất
90 phút của trận đấu lượt về kết thúc cũng là thời điểm người ta xác định rằng AFF Cup sẽ có một nhà vua mới sau khi ĐT Việt Nam đã giữ ngôi vị này trong 3 năm qua (từ 2018).
Giải đấu này cũng đã thành thời điểm mà chuỗi bất bại của HLV Park Hang Seo trước các đối thủ khu vực Đông Nam Á kết thúc (trận thua bán kết lượt đi trước Thái Lan). Quân vương vừa bị phế truất, nhưng nên cần nhấn mạnh rằng, chiến bại này chẳng hề đáng bị xem như thảm họa bởi chúng ta cần hiểu hành trình và kỷ lục nào cũng phải có một điểm dừng, chứ không thể tiếp diễn liên tục.
Thực sự thì ĐT Việt Nam đã bước vào giải đấu này khi có nhiều thiệt hại về nhân lực. Tuy nhiên những gì tai nghe mắt thấy sau hai trận đấu vừa qua với đối thủ Thái Lan, cho chúng ta thấy rằng ĐT Việt Nam không thực sự kém cạnh ĐT Thái Lan. Sự thật là dù chiến thắng thuộc về người Thái, nhưng thế trận của đôi bên chỉ ngang ngữa. Nếu nhìn nhận cho đúng thì Việt Nam đã có quãng thời gian 3 năm vượt lên trước và gom góp nhiều thành công hơn Thái Lan trong mấy năm đó, còn ở giải đấu này thì ĐT Thái Lan tìm được chiến thắng để vượt lên trước sau 2 trận chiến tại bán kết. Cuộc đua giữa hai bên vẫn sẽ còn kéo dài phía trước chứ không phải kết thúc sau đêm nay, đơn giản là vậy.
Tuy nhiên, người Thái cũng nên nhớ họ chỉ vừa thắng một trận đấu chứ không phải toàn bộ cuộc chiến. Các 'chuyên gia võ thuật' Indonesia vẫn chờ họ phía trước.