Những điểm nhấn trong Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga

Ngày 3-7 vừa qua, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã phê duyệt Chiến lược An ninh quốc gia (ANQG) mới, trong đó nhấn mạnh những khía cạnh mới liên quan tới khái niệm 'an ninh' và 'mối đe dọa' mà Nga đang phải đối mặt, đồng thời đặt ra ưu tiên đối với vấn đề an ninh kinh tế theo hướng củng cố nội lực và giảm phụ thuộc vào bên ngoài.

Chiến lược mới cũng nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga như: Bảo tồn dân tộc Nga, bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga cũng như an ninh sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhận thức về những “mối đe dọa” mới

Theo tờ The Moscow Times, Chiến lược ANQG mới mà Tổng thống V.Putin vừa thông qua được sửa đổi 6 năm một lần và là văn bản hoạch định chiến lược cơ bản, xác định các ưu tiên chiến lược và lợi ích quốc gia của Nga, đề ra biện pháp bảo vệ người dân và nhà nước từ các mối đe dọa bên trong và bên ngoài, đặt ra các mục tiêu để tăng cường ANQG, bảo đảm phát triển bền vững về lâu dài. Chiến lược ANQG năm 2021 đánh dấu một bước chuyển biến tích cực trong những ưu tiên của Nga đối với những vấn đề gây quan ngại đến lợi ích quốc gia của Nga, đồng thời cho thấy sự thay đổi trong thế giới quan của Moscow về mối đe dọa.

 Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Chiến lược ANQG mới của Nga cho rằng, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi, xuất hiện các trung tâm phát triển chính trị và kinh tế mới của thế giới, kéo theo đó là sự thay đổi cấu trúc, hình thành các quy tắc và nguyên tắc mới của trật tự thế giới. Nga cũng nhận định rằng, các quốc gia không thân thiện lợi dụng các vấn đề kinh tế-xã hội ở Nga để phá hủy sự đoàn kết nội bộ, kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các thế lực thù địch và chia rẽ xã hội, tạo sự bất ổn lâu dài bên trong. Bên cạnh đó, sự bất ổn, chủ nghĩa cực đoan ngày càng tăng. Một số nước sử dụng các công cụ cạnh tranh không lành mạnh, các biện pháp bảo hộ và các biện pháp trừng phạt, cả trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Các lực lượng NATO đang ngày càng tiến gần biên giới của Nga, đe dọa ANQG Nga.

Bất ổn địa chính trị và xung đột gia tăng, kèm theo đó là mâu thuẫn giữa các nước cùng các mối đe dọa sử dụng vũ lực, trong khi các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế bị suy yếu, thậm chí phá hủy; âm mưu bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lịch sử của Nga, hạ uy tín của Nga bằng cuộc chiến thông tin, nỗ lực phục hồi chủ nghĩa phát xít, kích động xung đột sắc tộc và tôn giáo; hạn chế sử dụng tiếng Nga, công dân Nga sống ở nước ngoài. Đặc biệt những thách thức và đe dọa an ninh phi truyền thống như: Tình hình dịch bệnh, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh sinh học đang là một thực tế đáng báo động.

Liên quan đến hợp tác quốc tế, Nga nhấn mạnh về sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc an ninh phổ quát, bình đẳng và không thể chia cắt, đề cao hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc. Nga cam kết sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết xung đột, áp dụng “các biện pháp đối xứng và bất đối xứng” đáp trả những động thái không thân thiện. Trong các hướng ưu tiên, Nga đặc biệt coi trọng hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ, không gian hậu Xô Viết. Chiến lược ANQG phiên bản năm 2021 không kỳ vọng quá nhiều vào hợp tác với phương Tây, thậm chí Nga đã không đề cập đến xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác với Mỹ và Liên minh châu Âu như đã từng nêu trong phiên bản 2015.

Tăng cường và củng cố chủ quyền kinh tế đất nước

Nếu như trước đây, vấn đề tăng trưởng kinh tế được coi là một phần thiết lập nên nền tảng cho ANQG của Nga thì giờ đây, Chiến lược ANQG năm 2021 miêu tả vấn đề tăng trưởng kinh tế là mục tiêu mà Nga cần đạt được. Một điểm đáng chú ý về vấn đề an ninh kinh tế quốc gia là Chiến lược ANQG năm 2021 đề xuất việc giảm thiểu sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế, giải thích rằng điều này sẽ thúc đẩy và tăng cường an ninh kinh tế của Nga.

Ngoài ra, Chiến lược ANQG mới đề xuất giảm thiểu phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa là sản phẩm công nghệ cao. Văn bản trên cũng khuyến nghị tăng cường đầu tư vào hoạt động kinh tế trong nước mà không cần đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tờ The Moscow Times nhận định, văn bản này cho thấy chỉ số tăng trưởng kinh tế không còn là mục tiêu quan trọng nhất. Thay vào đó, nhiệm vụ ưu tiên của Nga là “tăng cường và củng cố chủ quyền kinh tế đất nước” và tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước “những mối đe dọa bên trong và bên ngoài”.

Về an ninh thông tin, Chiến lược ANQG mới của Nga nhấn mạnh đến vấn đề an ninh mạng, nói rằng kẻ thù của Nga, bao gồm các công ty công nghệ quốc tế tấn công Nga bằng cách phát tán những thông tin không được kiểm chứng” và ngăn dòng chảy thông tin mà chính phủ Nga coi là những thông tin có ý nghĩa xã hội quan trọng. Văn bản này cho rằng, việc sử dụng các thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin nước ngoài làm tăng nguy cơ các nguồn thông tin của Nga bị ảnh hưởng từ luồng thông tin bên ngoài. Ngoài ra, Chiến lược ANQG mới của Nga còn đề cập các kế hoạch đưa Moscow trở thành “nước lãnh đạo” về phát triển khoa học và công nghệ.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhung-diem-nhan-trong-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-moi-cua-nga-665202