Những điểm nhấn trong phiên tòa xét xử đại án tại TISCO
Sau một tuần TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' và 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gây thất thoát hơn 830 tỷ đồng, ngày 20/4, phiên tòa đã kết thúc với phán quyết nghiêm khắc của Hội đồng xét xử đối với 19 bị cáo nguyên là lãnh đạo của TISCO và lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).
Dưới đây là những điểm nhấn trong phiên tòa này.
Xác định thiệt hại hơn 830 tỷ đồng là có căn cứ
Trong phần tranh luận, một số bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng, việc xác định hậu quả thiệt hại của vụ án hơn 830 tỷ đồng mà không trừ số tiền đầu tư vào Mỏ sắt Tiến Bộ đã được hoàn thành và hoạt động là chưa chuẩn xác. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định của pháp luật cho thấy, thiệt hại trong vụ án được xác định là hậu quả thiệt hại chung của toàn dự án, đó là việc gói thầu theo Hợp đồng EPC số 01 bị chậm tiến độ, dừng thi công nên không thể sản xuất đúng tiến độ, dẫn đến gói thầu Mỏ sắt Tiến Bộ dù có hoàn thành thì cũng không phục vụ đúng mục đích của dự án, phải dùng cho nhà máy dây chuyền sản xuất khác (đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy) dẫn đến không đạt hiệu quả của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt của VNS. Hậu quả thiệt hại là toàn bộ số tiền vay đã đầu tư vào toàn bộ dự án, chứ không phải riêng một gói thầu nào.
Do đó, việc TISCO xác định hậu quả thiệt hại là khoản lãi mà TISCO đã phải trả cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam hơn 830 tỷ đồng là có căn cứ chấp nhận theo quy định của pháp luật. Tại thời điểm quyết định vay vốn, TISCO vẫn chưa cổ phần và chiếm 100% vốn Nhà nước. Vì thế, thiệt hại của TISCO chính là thiệt hại của Nhà nước. Trên cơ sở đó, khi tuyên án, Hội đồng xét xử buộc 19 bị cáo phải liên đới bồi thường só tiền thiệt hại hơn 830 tỷ đồng.
Giai đoạn hai của vụ án sẽ được xử lý toàn diện
Trả lời thẩm vấn lúc đầu, một số bị cáo không thừa nhận hành vi vi phạm mà cho rằng, những việc họ làm liên quan đến dự án là cố gắng để hoàn thành mục tiêu của Ban lãnh đạo TISCO đề ra. Nhưng sau khi được đại diện Viện Kiểm sát phân tích trong phần tranh luận, các bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của họ. Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, cả 19 bị cáo đều nhận tội, bày tỏ sự ân hận, đau xót về những hành vi vi phạm của mình là do không lường trước được những hậu quả nặng nề có thể gây ra. Các bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét thấu tình đạt lý hành vi của họ, xin hưởng sự khoan hồng của pháp luật và cho họ được hưởng mức án thấp hơn đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát, để bị cáo được sớm đoàn tụ với gia đình.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của nhiều luật sư bào chữa đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét làm rõ vai trò của một số đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ án. Khi đối đáp về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, đã xem xét cẩn trọng đánh giá đối với các bị cáo trong suốt quá trình điều tra vụ án gần hai năm qua, với quá trình thu thập hơn 37.000 trang tài liệu hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa trước khi đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt đối với các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, những ý kiến trên của các luật sư bào chữa sẽ được Viện kiểm sát tiếp tục quan tâm trong quá trình xử lý giai đoạn hai của vụ án này một cách toàn diện và đầy đủ hơn.
Cụ thể, đối với các cá nhân có liên quan thuộc Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) và các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện dự án này còn một số dấu hiệu vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình và các sai phạm khác, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tách nội dung này theo quy trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, và hiện đang tiến hành xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi nhằm tránh bỏ lọt tội phạm.
Tòa kiến nghị khởi tố một số cá nhân sai phạm
Ngoài tuyên phạt tù 19 bị cáo trong vụ án xảy ra tại TISCO và buộc các bị cáo liên đới bồi thường số tiền hơn 830 tỷ đồng, Hội đồng xét xử đã kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố một số cá nhân có sai phạm tại VINAINCON và các đơn vị liên quan đến vụ án này. Bên cạnh đó, căn cứ vào diễn biến thực tế tại phiên tòa, căn cứ vào thái độ thành khẩn khai báo của các bị cáo, khi tuyên án, Hội đồng xét xử đã xem xét và áp dụng chính sách khoan hồng hơn với các bị cáo khai báo thành khẩn, nhưng cũng nghiêm khắc với các bị cáo cố tình bao biện cho hành vi phạm tội của mình. Đó cũng là biện pháp để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.
Đối với các bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO được xác định có vai trò chính trong vụ án, Hội đồng xét xử đã phân tích kỹ vị trí, vai trò của họ trong nhiệm vụ bảo toàn và sử dụng nguồn vốn Nhà nước có hiệu quả, qua đó để họ nhận thức rõ hơn về hành vi của mình. “Quá trình làm việc, các bị cáo phải có trách nhiệm cân nhắc, xem xét toàn diện những thiệt hại có thể gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của nhân dân. Đây không chỉ là bài học cho các bị cáo trong vụ án này, mà còn là kinh nghiệm chung trong lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư, là lời cảnh báo, nhắc nhở và phòng ngừa chung cho những trường hợp tương tự”, Hội đồng xét xử nhấn mạnh.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại TISCO được đánh giá là tiến hành theo tinh thần cải cách tư pháp khi Hội đồng xét xử lắng nghe ý kiến của các bị cáo, ý kiến của các luật sư bào chữa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Hội đồng xét xử cũng đã tạo điều kiện để các bị cáo, luật sư bào chữa trình bày một cách đầy đủ nhất, hướng tới một bản án công minh, khách quan, nhằm tránh oan sai và cũng tránh bỏ lọt tội phạm.