Những điểm nổi bật của lô vắc xin phòng COVID-19 vừa về Việt Nam

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được tiêm vắc xin đều có đáp ứng miễn dịch với COVID-19 mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về độ an toàn ở cả hai chế độ liều dùng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lô vắc xin này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất.

Theo đơn vị nhập khẩu, vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao từ 62% đến 90% ở các liều dùng khác nhau.

Thông tin trên SKĐS cho biết, vắc xin đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng.

Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này.

Hiệu lực vắc xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vắc xin COVID-19 Vaccine Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8oC) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Lô vắc xin này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng với vắc xin, trong năm 2020, AstraZeneca đã xây dựng hơn mười chuỗi cung ứng tầm khu vực, vận dụng năng lực của chính công ty và phối hợp với hơn 20 đối tác để đẩy mạnh quá trình sản xuất và cung ứng vắc xin.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc xin cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vắc-xin trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19 (COVAX).

Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca (trước đây là AZD1222) được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vắc xin sử dụng vectơ vi-rút mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng vi-rút gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt vi-rút SARS-CoV-2.

Sau khi tiêm vắc xin, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công vi-rút SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm vi-rút sau đó.

Quyết định phê duyệt của Việt Nam dựa trên phân tích 23.745 đối tượng từ 18 tuổi trở lên, với 232 trường hợp nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ các thử nghiệm lâm sàng pha III của Vương quốc Anh và Brazil do Đại học Oxford thực hiện.

Dữ liệu an toàn được công bố đến nay từ hơn 20.000 người tham gia trong 4 thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi. Công bố trên Tạp chí The Lancet khẳng định, COVID-19 Vaccine AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vắc xin.

Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.

Bên cạnh chương trình do Đại học Oxford thực hiện, một nghiên cứu cũng đang được AstraZeneca tiến hành tại Hoa Kỳ, thuộc chương trình toàn cầu của công ty. Tổng cộng, đại học Oxford và AstraZeneca dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 60.000 người trên toàn thế giới.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, bên cạnh đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc xin cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19”.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nhung-diem-noi-bat-cua-lo-vac-xin-phong-covid-19-vua-ve-viet-nam-hAo8JcsGR.html