Những điểm quan trọng không thể bỏ qua khi đầu tư điện mặt trời trên mái nhà

Điện mặt trời ngày càng chiếm cơ cấu quan trọng trong sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống lưới điện quốc gia. Dự báo điện mặt trời sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng sau khi Chính phủ vừa có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp và hộ gia đình quan tâm đầu tư.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu lũy kế 3 tháng đầu năm đạt gần 57,3 tỷ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2019. EVN đã huy động gần 2,8 tỷ kWh điện từ năng lượng tái tạo, trong đó hơn 2,3 tỷ kWh là điện mặt trời, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy điện mặt trời ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

Tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có lượng ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới, có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam của đất nước với cường độ bức xạ mặt trời cao. Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng Việt Nam trung bình tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động trong khoảng từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 5 kWh/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE. Trong khi đó cường độ bức xạ mặt trời lại thấp hơn ở các vùng phía Bắc, ước tính khoảng 4 kWh/m2 do điều kiện thời tiết với trời nhiều mây và mưa phùn vào mùa đông và mùa xuân.

Bản đồ bức xạ mặt trời các vùng miền tại Việt Nam.

Bản đồ bức xạ mặt trời các vùng miền tại Việt Nam là cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc giúp xây dựng quy hoạch, nghiên cứu thực nghiệm đánh giá mật độ năng lượng cho từng vùng miền từ đó đưa ra định hướng quy hoạch cụ thể. Các số liệu này cũng chính là điểu kiện tiên quyết để phân tích, đánh giá tiềm năng và mức độ hiệu quả của dự án điện mặt trời từ quy mô hộ gia đình đến các dự án lớn.

Bảng đánh giá cường độ bức xạ mặt trời tại các vùng miền trong cả nước.

Bảng đánh giá cường độ bức xạ mặt trời tại các vùng miền trong cả nước.

Theo thống kê của EVN, tính đến tháng 1/2020 đã có hơn 19.400 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất 318 MW và hơn 70% trong số này được lắp đặt tại miền nam.

Ưu điểm của hệ thống điện mặt trời mái nhà

Sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên từ mặt trời, đây là nguồn năng lượng sạch và vô tận mà không gây ô nhiễm môi trường hay độc hại cho con người.

Chi phí đầu tư lắp đặt thấp so với những hệ thống điện khác và hiện nay công nghệ trên toàn thế giới đã được cải tiến nên chi phí được giảm xuống rất nhiều. Nên mọi hộ gia đình đều có thể đầu tư được.

Tiết kiệm được tiền điện hàng thàng cho mỗi gia đình và là giải pháp đầu tư tuyệt vời cho các doanh nghiệp khi muốn kinh doanh điện.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể giám sát từ xa qua điện thoại, máy tính bảng hoặc máy tính, được số điện tạo ra hàng ngày, hàng năm, hàng tháng.

Việc thi công cũng dễ dàng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng. Nhà đầu tư điện mái nhà còn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN hỗ trợ lắp công tắc công tơ điện 2 chiều miễn phí.

Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ EVN mua lại điện mặt trời với giá tốt nhất (hiện đang áp dụng giá mua 8,38 cent/kWh tương đương 1.943 đồng/kWh). Hiện nay mô hình này đang được khuyến khích lan rộng trên khắp cả nước.

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại TP. Hồ Chí Minh.

Một hệ thống điện mặt trời áp mái tại TP. Hồ Chí Minh.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời thường chia làm 3 loại: Hệ thống năng lượng mặt trời độc lập (sử dụng ắc quy lưu trữ), hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới điện quốc gia và hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới có lưu trữ.

Trên thị trường hiện nay đa số khách hàng sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới vì đây hệ thống vận hành đơn giản và thân thiện với môi trường mà không tốn quá nhiều chi phí đầu tư và lắp đặt. Điện năng lượng mặt trời hòa lưới hay còn là điện năng lượng mặt trời nối lưới là hệ thống kết hợp giữa hệ thống điện mặt trời và hệ thống điện quốc gia. Những tấm pin năng lượng lượng mặt trời sẽ tạo ra dòng điện 1 chiều (dòng điện DC) đưa tới Inverter biến đổi thành dòng điện xoay chiều (dòng điện AC) hòa cùng với lưới điện. Đây là giải pháp sử dụng điện năng lượng mặt có chi phí đầu tư thấp nhất có giá khoảng 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng trên 1 kWP (tùy vào loại pin mặt trời, thương hiệu, các vật tư phụ và điều kiện thi công sẽ có giá khác nhau).

Đại diện của Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, chỉ riêng trong tháng 3/2020, Tổng công ty đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng và tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời đã lên đến 1.615. Lũy kế đến tháng 3, Tổng công ty đã thanh toán tiền mua điện mặt trời trên mái nhà cho hơn 4.000 khách hàng gần 145 tỷ đồng.

Một Inverter được dán tem kiểm định của EVN.

Một Inverter được dán tem kiểm định của EVN.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà được xem là nguồn cứu cánh cho rủi ro thiếu điện trong các năm từ 2020 trở đi. Điện mặt trời mái nhà không bị nghẽn truyền tải, cung cấp điện tại chỗ và tận dụng mái nhà sẵn có mà không tốn thêm diện tích đất, ngoài những lợi ích kinh tế thu hồi vốn nhanh, bán điện thừa lên lưới cho EVN, còn góp phần làm mát bên dưới mái, tăng độ bền mái và làm đẹp thẩm mỹ công trình.

Đầu tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng tiếp theo Quyết định 11. Trong quyết định này giá mua điện mặt trời trên mái nhà sẽ là 8,38 cent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh) cho các công trình được nối lưới trong giai đoạn từ ngày 01/07/2019 đến hết ngày 31/12/2020. Giá mua điện này được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Bài và ảnh: Trung Đức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/nhung-diem-quan-trong-khong-the-bo-qua-khi-dau-tu-dien-mat-troi-tren-mai-nha/20200422040111682