Những 'điểm sáng' trong cơn bão khủng hoảng vì dịch nCoV
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng vẫn có một số'điểm sáng hiếm hoi' trong cơn bão khủng hoảng.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV) đang tiếp tục diễn biến phức tạp với việc Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp thông báo trường hợp tử vong và nhiễm mới. Lo ngại bóng ma đại dịch bao trùm toàn thế giới khiến nhiều nước phải áp đặt các giới hạn đi lại và sơ tán công dân về nước nhưng vẫn có một số“điểm sáng hiếm hoi” trong cơn bão khủng hoảng.
Số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5/2 cho thấy, số ca nghi nhiễm mới chủng mới của virus corona ở Trung Quốc đại lục đã giảm trong ngày thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong ngày 4/2, ủy ban trên ghi nhận 3.971 ca nghi nhiễm mới tại 31 khu vực cấp tỉnh, giảm mạnh so với 5.072 ca trong ngày 3/2 và 5.173 ca ngày 2/2.
Ngoài ra, trong ngày 4/2 cũng đã có 262 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới được xuất viện sau khi đã hồi phục hoàn toàn sức khỏe. Như vậy, tính đến hết ngày 4/2, đã có 892 bệnh nhân tại nước này, được điều trị thành công kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus bùng phát.
Tổ chức Y tế thế giới hôm qua cho biết, dịch virus Corona chưa phải là "đại dịch". Người đứng đầu Bộ phận Rủi ro lây nhiễm toàn cầu của WHO bà Sylvie Briand nhận định, "hiện chúng ta chưa rơi vào đại dịch" mà chỉ đang ở giai đoạn dịch bệnh bùng phát với nhiều ổ dịch lây lan.
Theo Tổ chức Y tế thế giớ, hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus corona biến thể, đồng thời khẳng định "đây là một chủng virus khá ổn định".
Trước việc người dân các nước đổ xô đi mua khẩu trang phòng dịch, bà Sylvie Briand khuyến cáo: “Tôi nghĩ để dừng việc lây truyền loại virus này thì rất quan trọng là người ốm cần phải đeo khẩu trang. Điều đó là rõ ràng. Liên quan đến các nguy cơ, tôi nói rằng những người không có triệu chứng ốm, khẩu trang không thể bảo vệ họ 100% nếu họ không áp dụng các biện pháp khác. Do đó thông điệp của tôi đó là khẩu trang riêng là không đủ. Nó là một gói các biện pháp và nếu mọi người áp dụng đầy đủ thì sẽ rất hiệu quả”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Ahanom Ghebreysus ngày 4/2 cũng đã gửi thư đến Bộ trưởng Y tế các nước, hối thúc chia sẻ thông tin về nCoV và cho biết sẽ triển khai một nhóm chuyên gia quốc tế đến để phối hợp với các đối tác Trung Quốc kiểm soát dịch.
Gần đây đã có 22 quốc gia chính thức thông báo biện pháp liên quan đến đi lại và thương mại do nCoV mà theo Tổ chức Y tế thế giới nên được thực hiện trong thời gian ngắn hạn, thích hợp và liên tục đánh giá lại.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cũng tiếp tục kêu gọi các nước trấn an người dân, tránh có những bước đi gây hoang mang lo sợ: “Tôi nhắc lại lời kêu gọi tất cả các quốc gia không áp đặt các hạn chế không phù hợp với các quy định y tế quốc tế. Những hạn chế như vậy có thể có tác dụng làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, không có lợi cho sức khỏe cộng đồng”.
Liên Hợp Quốc cũng đã gửi mặt nạ, găng tay, mặt nạ phòng độc và gần 18.000 quần áo bảo hộ y tế tới khoảng 20 nước cần hỗ trợ.
Mặc dù vậy, mối lo ngại về virus vẫn không ngừng gia tăng khi số các trường hợp tử vong và nhiễm mới vẫn liên tục được báo cáo tại Trung Quốc và nhiều các nước trên thế giới. Các quan chức WHO cho biết, có 27 ca lây nhiễm chủng virus này từ người sang người đã được ghi nhận ở 9 quốc gia ngoài Trung Quốc.
Tính đến ngày 4/2 đã có 2 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục là một người đàn ông tại Hong Kong và một người Philippines. Những người này đều đến thăm Vũ Hán gần đây. Dịch bệnh hiện lây lan ra 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa gây tổn hại kinh tế Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tổng chi phí cho việc đối phó với dịch bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 4 ước tính khoảng 675 triệu USD, chưa kể các hậu quả về kinh tế - xã hội do dịch bệnh này gây ra./.