Những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội
Năm 2020, tỉnh Tiền Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động từ tình hình hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), sản xuất và đời sống của người dân. Song, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tình hình phát triển KT- XH năm 2020 của tỉnh Tiền Giang dù chưa được như kỳ vọng, nhưng vẫn có những điểm sáng trong một số lĩnh vực.
NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ngành tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển DN theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN như: Tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, động viên DN vượt qua khó khăn cũng như hỗ trợ, giúp các DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh; triển khai thực hiện Cổng thông tin đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi toàn tỉnh; thực hiện liên thông đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; hoàn chỉnh Sổ tay hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành DN, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về mức thu lệ phí đăng ký kinh doanh; tổ chức Hội nghị trực tuyến với DN; hoàn thành giai đoạn 2 hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; hỗ trợ DN tham gia khóa đào tạo cán bộ nguồn về công tác khởi nghiệp do VCCI tổ chức; triển khai phần mềm quản lý DN... Nhờ vậy, tình hình phát triển DN năm 2020 của tỉnh Tiền Giang đạt kết quả phấn khởi.
Số lượng DN thành lập mới trong 9 tháng năm 2020 là 582 DN với vốn đăng ký 3.125,4 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2020, số DN thành lập mới là 750 DN, tăng 12% so với thực hiện năm 2019; tổng vốn đăng ký là 6.000 tỷ đồng. Khả năng đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 6.230 DN đang hoạt động.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phát triển DN còn hạn chế, khó khăn như: Công tác vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do ngại thủ tục hành chính khi hoạt động theo loại hình DN (thuê kế toán, thuê lao động…), phải chấp hành quy định về sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ, lưu trữ hồ sơ chứng từ, báo cáo theo quy định, kể cả e ngại việc thanh tra, kiểm tra hằng năm....
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa nhấn mạnh: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN do bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, góp phần tăng thu cho ngân sách tỉnh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tại Chương trình hành động, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN...
NHIỀU VỤ, VIỆC TỒN ĐỌNG, KÉO DÀI ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
Báo cáo tại kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang lần thứ 14, Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười, cho biết: Trong năm 2020, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) tiếp tục được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phục vụ phát triển KT-XH, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tính đến ngày 15-10-2020, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp 2.489 lượt với 3.164 người (giảm 894 lượt so với cùng kỳ). Tình hình tiếp công dân và số lượt đoàn đông người giảm so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan có thẩm quyền nhận 1.569 đơn, giảm 113 đơn so với cùng kỳ. Qua tiếp công dân, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có kết luận chỉ đạo giải quyết đối với 22 vụ việc và ban hành 14 công văn trả lời cho công dân; chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc và trực tiếp giải quyết một số vụ việc sau khi nghe người dân trình bày, đã giảm được số vụ việc khiếu nại phát sinh.
Việc giải quyết KNTC tồn đọng, kéo dài được xem xét giải quyết với nhiều biện pháp thấu lý, đạt tình, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của công dân, từng bước vận động nhằm chấm dứt khiếu nại phức tạp, đông người.
Đồng chí Nguyễn Văn Mười cho biết: Trong thời gian tới, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC tiếp tục được tăng cường. Trong đó, các ngành, các cấp cần tập trung giải quyết có hiệu quả đơn thư KNTC mới phát sinh. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC, tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đạt tỷ lệ trên 85% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Tuân thủ quy định về đối thoại, phát huy tối đa hiệu quả việc gặp gỡ, tiếp xúc, đặc biệt là đối với các vụ, việc khiếu kiện đông người; đề cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác này…
430 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ LƯỚI ĐIỆN
Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang tại kỳ họp HĐND lần này, những năm qua, ngành Điện đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, ngành Điện thực hiện đầu tư 43 công trình điện với 258,8 km đường dây trung áp, 1.075,3 km đường dây hạ áp, tổng dung lượng trạm 35.278 kVA, tổng vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng.
Việc đầu tư lưới điện trên địa bàn các xã thực hiện nông thôn mới được thực hiện kịp thời; giảm được khoảng cách cấp điện từ đường dây hạ áp đạt chuẩn đến hộ sử dụng điện, chất lượng điện áp được nâng lên, giảm tổn thất điện năng, lưới điện hạ áp từ sau công tơ điện đến hộ dân đảm bảo an toàn, đảm bảo mỹ quan, xóa được các đường dây điện chằng chịt do hộ dân tự kéo về nhà trước đây... Tổng số điện kế được gắn là 639.803 (trong đó 561.221 điện kế sử dụng chiếu sáng sinh hoạt).
Tỷ lệ hộ sử dụng điện được gắn điện kế đạt 100%. Ngành Điện đã triển khai áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành như ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác kiểm tra lưới điện định kỳ; giải pháp giám sát, điều khiển máy cắt trung thế (recloser) từ xa, giải pháp giảm sát và điều khiển tụ bù trung thế từ xa; giải pháp giám sát mất điện các trạm biến áp từ xa; đầu tư, mua sắm mới các thiết bị chống sét van hotline, thiết bị phối hợp bảo vệ với recloser, máy cắt (Fusesaver)...