Những điểm sáng về mô hình PCCC Hà Nội triển khai trong năm 2023
Để đảm bảo công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy chính quyền và người dân Thủ đô đã cùng chung tay nỗ lực thực hiện 6 mô hình phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
“Tổ liên gia an toàn PCCC”
Kể từ tháng 5/2023, UBND TP đã có nhiều biện pháp, kế hoạch cho ra mắt, tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Để hưởng ứng, nhiều quận, huyện đã cho ra mắt mô hình này.
Đây là một trong những mô hình vô cùng thiết thực, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân nên được người dân ủng hộ. Kể từ khi ra mắt cho tới nay, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã cho thấy những hiệu quả lớn trong công tác PCCC tại các khu dân cư, đặc biệt là những “điểm nóng” thường xuyên xảy ra cháy nổ hoặc nguy cơ cháy nổ cao.
Với sự quyết tâm cao, tổ liên gia đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện các buổi hướng dẫn, nâng cao nhận thức PCCC cho người dân, qua đó thuyết phục các hộ dân ký cam kết thực hiện mô hình.
Đặc biệt, các buổi tập huấn, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của “Tổ liên gia an toàn PCCC” đã thu hút nhiều tầng lớp người dân tham gia, ủng hộ.
Qua đó, người dân đã nâng cao nhận thức về công tác PCCC&CNCH, phát huy hiệu quả công tác PCCC tại địa phương.
Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” chính là một trong những giải pháp củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, đảm bảo phương châm lấy phòng ngừa là chính.
“Điểm chữa cháy công cộng”
Kể từ đầu năm 2023, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng.
Với đặc trưng của một đô thị lớn đông dân cư, nhiều ngõ nhỏ sâu hẹp, nhà cửa san sát, việc triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” là điểm sáng trong công tác PCCC.
Do đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, đảm bảo thực hiện 100% các ngõ nhỏ, hẹp có chiều sâu từ 50m trở lên phải được bố trí “Điểm chữa cháy công cộng". Đây được xem là một trong những khu vực “nhạy cảm” đối với công tác PCCC khi xe chữa cháy không thể tiếp cận được hiện trường, khiến việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ bị hạn chế.
Các phương tiện PCCC được bố trí tại mỗi điểm gồm hai bình bột chữa cháy, nội quy quản lý và sử dụng phương tiện PCCC&CNCH, cùng với đó là các thiết bị hỗ trợ phá dỡ như kìm cộng lực và xà beng.
Bên cạnh đó, các điểm chữa cháy công cộng này phải được lắp đặt ở những nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận lợi cho việc sử dụng để khi có sự cố xảy ra, người dân có thể nhanh chóng triển khai.
Việc thực hiện các mô hình PCCC như “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã được chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc và được người dân nhiệt tình ủng hộ.
Đơn cử như tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), tới nay đã hoàn tất 100% hai mô hình này và được ghi nhận là một trong những phường đầu tiên cán đích mục tiêu này tại quận Hoàng Mai.
Về hiệu quả của mô hình này, đại diện phường Thịnh Liệt cho biết, ngay từ khi mới đi vào hoạt động nhưng “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” đã phần nào cho thấy hiệu quả.
Dẫn chứng về một vụ cháy xảy ra tại một ngôi nhà vắng chủ trên địa bàn, vị đại diện này cho biết, các đội viên đã chủ động, khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy kịp thời trước khi lực lượng cứu hỏa tới chi viện, qua đó, giảm tối đa thiệt hại của vụ cháy.