Toàn cảnh Đà Lạt nhìn từ villa của toàn quyền Đông Dương. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam, Lưu Đình Tuân dịch (bài Đà Lạt của P. Munier), năm 1893 bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và nhờ đó ông có ý kiến thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, thành phố du lịch nghỉ dưỡng Đà Lạt dần dần hình thành.
Ảnh thông tin quảng cáo về khu nghỉ mát Sapa, Lào Cai. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (bài Sapa) cho biết năm 1909, chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sapa. Từ năm 1910 đến năm 1920, Sapa có 6 biệt thự được xây dựng trong đó có biệt thự Mangin. Từ năm 1920 đến năm 1930, tòa công sứ, các khách sạn và 28 ngôi nhà được xây dựng. Từ năm 1930 đến năm 1940 có thêm 26 biệt thự và nhà thờ…
Căn nhà nghỉ giữa rừng thông tại khu nghỉ mát Bạch Mã. Năm 1932, ông Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, trong khi tìm địa điểm thuận lợi cho một khu nghỉ mát trên núi quanh Huế, đã thăm dò vùng núi Truồi và Núi Bạch Mã nằm gần đường thuộc địa số 1. Trong lần khảo sát ngày 28 và 29/7/1932, ông Girard đã quyết định chọn núi Bạch Mã, một núi cao 1.450 m trông xuống Cầu Hai và cách Huế 40 km về phía Nam. Từ năm 1933, hạt Công chánh Trung Kỳ đã cho xây dựng tại Bạch Mã những ngôi nhà gỗ khiêm tốn đầu tiên của khu nghỉ mát.
Quang cảnh khu nghỉ mát Bà Nà. Tháng 4/1901, đại úy Debay đã phát hiện Bà Nà có địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu mát mẻ dễ chịu. Tháng 11/1901, quan toàn quyền đã đề nghị đưa Bà Nà thành khu bảo tồn lâm nghiệp. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Bà Nà được người Pháp xây dựng thành khu nghỉ mát.
Tờ quảng cáo về khách sạn Thác Bạc, Tam Đảo. Năm 1904, một phái đoàn quân sự được Phủ toàn quyền giao nhiệm vụ tìm trong dãy núi Tam Đảo, gần Hà Nội một địa điểm thuận lợi để đặt một trạm nghỉ mát mùa hè. Phái đoàn đã báo cáo là ở độ cao 930 m có một khoảnh đất hình vành chảo có thể đáp ứng những yêu cầu của dự án nói trên. Trong hai năm liền, khi thì phái đoàn quân sự, khi thì do một nhân viên có nhiệm vụ kế tục công việc của phái đoàn đã tiến hành quan sát một cách có hệ thống. Kết quả đáng khích lệ đến mức năm 1906, Phủ toàn quyền quyết định dứt khoát xây dựng trạm nghỉ đó.
Một nhóm cua-rơ trên khu nghỉ mát núi Ba Vì. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (bài Ba Vì của Trú sứ Pháp G. Tucat), người Pháp khám phá Ba Vì từ khá sớm, tuy nhiên phải đến năm 1942, người ta mới xây dựng một khu nghỉ mát ở Ba Vì do các khu nghỉ mát trên cao có trước đó ở Bắc Kỳ như Sapa, Tam Đảo, Mẫu Sơn vừa xa xôi, lại chật hẹp.
Chọi trâu ở Đồ Sơn. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (bài Những điểm nghỉ mát trên biển của Bắc Kỳ: Đồ Sơn, tác giả X.), người Pháp biết đến bán đảo Đồ Sơn từ khá sớm. Năm 1886, các ông Vlaveanos, Costa và Gouma “phát hiện” ra Đồ Sơn. Bị chinh phục bởi sự trong lành của khí hậu nơi này, ba người đã khuyên các gia đình muốn trốn cái nóng oi bức của Bắc Kỳ, hãy tới các bãi biển của Đồ Sơn. Năm 1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ký ban hành Nghị định ngày 18/5 về việc nâng Đồ Sơn lên thành đô thị.
Ngư dân giăng lưới tại bãi biển Sầm Sơn. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (bài Sầm Sơn, tác giả Ưng Quả) điểm nghỉ mát này được phát hiện ra vào khoảng năm 1900, lúc đường xuyên Đông Dương làm tới Thanh Hóa. Đến giữa thế kỷ 20, Sầm Sơn trở thành một trong những điểm nghỉ mát bên biển chính của Đông Dương. Nơi đây được quy hoạch gồm hai trung tâm đô thị Sầm Sơn Thượng và Sầm Sơn Hạ với tổng diện tích 244 ha.
Bạch Dinh, Ô Cấp (Vũng Tàu) năm 1930. Theo sách Tỉnh thành xưa ở Việt Nam (bài Ô Cấp của tác giả X.),các điều kiện khí hậu tuyệt vời của Ô Cấp, được nhiều người biết đến, đã lôi cuốn người Sài Gòn đến nghỉ ngơi. Paul Doumer cho xây dựng một biệt thự đẹp tại pháo đài cũ lấy tên là Biệt thự trắng (Bạch Dinh). Quy hoạch đô thị hóa đầu tiên cho Ô Cấp do ông Outrey, quan chức hành chính vạch ra. Nó được thực hiện từ năm 1895 đến năm 1902.
Bãi biển Cửa Tùng. Theo sách Bulletin de l’Agence économique de l’Indochine, biển Cửa Tùng được mệnh danh là nữ hoàng của những bãi biển. Bãi biển tuyệt đẹp bao quanh là những vách đá cao cao xanh màu cây lá, điểm đến thường xuyên của người Âu ở Huế hay vùng lân cận.
Minh Châu
Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I