Những điểm trùng hợp của 3 chuỗi hơn 600 ngày không có bão ở nước ta

Sáng nay 23/7, bão số 2 (bão Prapiroon) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh nước ta trước khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vậy là chuỗi ngày không có bão đổ bộ ở nước ta đã dừng lại ở con số 646 ngày. Chuỗi hơn 600 ngày không có bão đổ bộ lần này, thật kỳ lạ, lại có những điểm trùng hợp với 2 chuỗi ngày không có bão trước đây.

Cơn bão số 2 (Prapiroon) đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh vào sáng sớm nay. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6 (39 - 49 km/h), giật cấp 9 (75 - 88 km/h). Nhiều tỉnh thành phía Đông Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Như vậy, chuỗi ngày không có bão đổ bộ ở nước ta đã dừng lại ở con số 646 ngày.

Trước đây, cũng từng có 2 chuỗi hơn 600 ngày không có bão đổ bộ vào nước ta. Đó là chuỗi 624 ngày (năm 1975 - 1977) và 616 ngày (năm 2001 - 2003), theo VTV.

Đường đi (chưa đầy đủ) của bão số 2 năm 2024 (Prapiroon): Sau khi băng qua Vịnh Bắc Bộ, cơn bão này đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh nước ta vào sáng 23/7. Ảnh: Wikimedia.

Đường đi (chưa đầy đủ) của bão số 2 năm 2024 (Prapiroon): Sau khi băng qua Vịnh Bắc Bộ, cơn bão này đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh nước ta vào sáng 23/7. Ảnh: Wikimedia.

Có những điểm trùng hợp đáng chú ý ở 3 chuỗi hơn 600 ngày không có bão đổ bộ này: Đó là những chuỗi ngày này đều dừng lại vào tháng 7. Ở chuỗi ngày thứ nhất, cơn bão chấm dứt nó là bão Sarah, đổ bộ nước ta ngày 21/7/1977. Ở chuỗi ngày thứ hai, cơn bão chấm dứt nó là bão Koni, đổ bộ nước ta ngày 22/7/2003. Và chuỗi 646 ngày không có bão kéo dài từ tháng 10/2022 tới giờ đã dừng lại ở ngày 23/7/2024, khi bão Prapiroon đổ bộ. Có lẽ có sự trùng hợp này là do tháng 7 vốn là tháng dễ có bão và áp thấp nhiệt đới trong khu vực.

Đường đi của bão Sarah năm 1977. Ảnh: Wikimedia.

Đường đi của bão Sarah năm 1977. Ảnh: Wikimedia.

Điểm trùng hợp tiếp theo là 3 cơn bão xuất hiện chấm dứt chuỗi hơn 600 ngày không có bão ở nước ta có đường đi tương tự nhau: Đều xuất phát là một vùng áp thấp ở Tây Thái Bình Dương, băng qua Philippines, vào Biển Đông, đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi đổ bộ miền Bắc nước ta. Đây tất nhiên chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không có lý do cụ thể nào cả.

Đường đi của bão Koni năm 2003. Ảnh: Wikimedia.

Đường đi của bão Koni năm 2003. Ảnh: Wikimedia.

Về cơn bão số 2, tuy suy yếu nhanh khi vào đất liền nhưng nó vẫn sẽ gây mưa diện rộng ở miền Bắc, cục bộ có nơi mưa rất to, có thể đến hơn 300 mm.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhung-diem-trung-hop-cua-3-chuoi-hon-600-ngay-khong-co-bao-o-nuoc-ta-post1657245.tpo