Những điểm tựa của bản làng

Nơi những bản làng vùng cao thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, những người có uy tín vẫn ngày ngày tích cực vận động người dân chủ động sản xuất phát triển kinh tế, duy trì nếp sống văn hóa, văn minh và giữ vững an ninh trật tự xã hội, bảo vệ biên giới… Họ là điểm tựa của bản làng.

 Bản Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Bản Ba Lin, xã A Vao, huyện Đakrông. Ảnh: Hồ Thanh Thoan

Giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ biên giới

Năm 1970, ông Hồ Văn Mo, tên thường gọi là Hồ Trung (sinh năm 1954) ở thôn Tà Păng, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa tham gia dân quân tự vệ tại địa phương. 3 năm sau, ông xuất ngũ, lập gia đình và sau đó được giao trách nhiệm quản lí bệnh xá của xã Hướng Lập. Từ năm 2009-2015 ông làm trưởng thôn Tà Păng rồi sau đó được bầu chọn là người có uy tín của thôn. Dù ở cương vị nào, ông Mo cũng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hồ Trung chia sẻ: “Là người lính Cụ Hồ và người có uy tín được dân bản bầu cử, tôi thường xuyên phối hợp với các cán bộ trong địa phương, Bộ đội Biên phòng Hướng Lập tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn bản, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội trên địa bàn, theo dõi và báo cáo kịp thời cho Đồn Biên phòng Hướng Lập, chính quyền địa phương khi phát hiện các vụ việc phá hoại, gây mất trật tự trong thôn”.

Trong quãng thời gian chính quyền các cấp tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới, Hồ Trung tích cực vận động người dân cùng tham gia gùi cõng vật liệu xây dựng, giúp chính quyền địa phương đảm bảo tiến độ thi công. Bên cạnh đó, ông cũng đóng góp vào việc cùng với thôn duy trì hoạt động của phong trào kết nghĩa bản - bản 2 bên biên giới, xây dựng mối quan hệ láng giềng đặc biệt, hữu nghị với nhân dân bản Tà Păng Lào.

 Ông Hồ Văn Mo (giữa) ở thôn Tà Păng, xã Hướng Lập trao đổi với cán bộ xã về việc hỗ trợ người dân làm ăn phát triển kinh tế. Ảnh: TT

Ông Hồ Văn Mo (giữa) ở thôn Tà Păng, xã Hướng Lập trao đổi với cán bộ xã về việc hỗ trợ người dân làm ăn phát triển kinh tế. Ảnh: TT

Đặc biệt, năm 2016, Đồn Biên phòng Hướng Lập phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Hồ Trung đã kêu gọi, vận động người dân trong bản tham gia thực hiện phong trào. Nhờ đó, thôn Tà Păng đã thành lập được 1 tổ an ninh trật tự và 24 cá nhân đăng kí tham gia tự quản đường biên cột mốc.

Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Đức Vân cho biết: “Nhận thức được tầm quan trọng của người có uy tín, ông Hồ Trung luôn giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống quý báu của người Bru-Vân Kiều. Ông vận động người dân cùng với chính quyền địa phương xây dựng hương ước, quy ước của thôn. Bên cạnh đó, Hồ Trung còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ và dân bản xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, ăn ở hợp vệ sinh, thực hiện di chuyển chuồng trại xa nhà ở, xây dựng bản làng có đời sống văn hóa tốt đẹp”.

Cầu nối giữa Đảng nhân dân

Thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông có 44 hộ với 231 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 12 hộ với 58 nhân khẩu là người Vân Kiều, 32 hộ với 173 nhân khẩu là người Pa Kô. Đây là thôn đặc biệt khó khăn của xã biên giới A Ngo.

“Tôi được bầu chọn là người có uy tín của thôn Kỳ Ne từ năm 2012 đến nay. Ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm sản xuất thông qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào thực tiễn. Trên cơ sở những kiến thức học được, tôi hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, vận động nhân dân trong thôn tích cực làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo” ông Hồ Đức Diệp (sinh năm 1960), người có uy tín ở thôn Kỳ Ne mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

 Ông Hồ Đức Diệp là người có uy tín ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo. Ảnh: TT

Ông Hồ Đức Diệp là người có uy tín ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo. Ảnh: TT

Năm 2001, khi cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng công trình thủy lợi và thực hiện công cuộc dồn điền đổi thửa, ông Diệp đã gương mẫu thực hiện di dời nhà ở và vận động 21 hộ gia đình khác cùng di dời để tạo mặt bằng trồng lúa nước. Tiếp đó, ông xung phong trồng thí điểm cây lúa nước bằng việc sử dụng phân bón hữu cơ. Sau khi mô hình thử nghiệm đạt kết quả, các gia đình trong thôn được ông hướng dẫn cách thu gom, ủ phân và bón phân hữu cơ cho cây lúa nước. Nhờ công lao của ông mà đến nay, thôn Kỳ Ne có hơn 8,7 ha ruộng lúa nước, sản xuất 2 vụ/năm, năng suất đạt trên 40 tạ/ha. Người dân trong thôn cơ bản đã đảm bảo được an ninh lương thực cho cả năm, không thiếu hụt lương thực trong mùa giáp hạt.

Năm 2005, thực hiện chủ trương giao rừng của nhà nước, ông Diệp xung phong cùng 5 hộ gia đình khác thực hiện chăm sóc, bảo vệ 20 ha rừng phòng hộ. Bằng những kinh nghiệm học hỏi được qua quá trình công tác (từ 1994-2005 là cán bộ địa chính xã A Ngo), ông chủ động phối hợp với ban cán sự thôn vận động các hộ dân xây dựng quy chế, thành lập các tổ, nhóm giúp nhau phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình sản xuất như nuôi bò sinh sản, thâm canh cây lúa nước, trồng mây dưới tán rừng đã phát huy hiệu quả và giúp cho nhiều hộ gia đình ở thôn Kỳ Ne vươn lên thoát nghèo.

Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Diệp thường xuyên phối hợp với ban cán sự thôn, Mặt trận, các đoàn thể giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giáo dục, cảm hóa các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, ông Diệp cùng với ban cán sự thôn đã giải quyết ổn thỏa nhiều vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai. Nhờ đó, trong những năm qua, thôn Kỳ Ne không xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xã hội.

Ông Diệp cũng thường xuyên đưa ra những ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri và tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với rộng rãi nhân dân. Nhiều người dân thôn Kỳ Ne nói với chúng tôi rằng, ông Diệp thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân các dân tộc thiểu số ở thôn Kỳ Ne.

Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi

Từ năm 2007 đến nay, ông Hồ Văn Láo, tên thường gọi là Pả Diên (sinh năm 1960) ở thôn Tà Mên, xã Ba Nang, huyện Đakrông được bầu làm bí thư chi bộ, trưởng thôn và là người có uy tín tại thôn Tà Mên. Là người đứng đầu chi bộ, Pả Diên luôn trăn trở tìm cách giúp gia đình và người dân trong thôn từng bước vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu.

 Người dân thôn Tà Mên, xã Ba Nang luôn xem ông Hồ Văn Láo là điểm tựa vững chắc của bản làng. Ảnh: TT

Người dân thôn Tà Mên, xã Ba Nang luôn xem ông Hồ Văn Láo là điểm tựa vững chắc của bản làng. Ảnh: TT

Qua nghiên cứu, Pả Diên mạnh dạn áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng lúa nước, từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, thu hoạch và bảo quản sản phẩm đều có máy móc hỗ trợ. “Trước đây, người dân trong thôn ít người trồng lúa nước và ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ. Để người dân thấy và làm theo, tôi vận động người thân trong gia đình tiên phong đưa các phương tiện máy móc cơ giới phục vụ trồng lúa nước trên ruộng lớn với diện tích 0,5 ha, sản xuất 2 vụ mỗi năm. Từ đó, nhiều hộ trong thôn học tập làm theo. Đến nay, thôn Tà Mên đã tự túc được lương thực thực phẩm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Trong thôn đã có máy xay xát lúa, xe tải, máy cày…”, Pả Diên chia sẻ.

Ở thôn Tà Mên, ai cũng biết Pả Diên là người tiên phong trồng thành công cây keo trên vùng gò đồi. Đến nay, gia đình Pả Diên có 7 ha keo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những ai có nhu cầu đều được Pả Diên tận tình hướng dẫn kĩ thuật trồng và hỗ trợ cây giống. Ngoài ra, Pả Diên còn đào ao thả cá, nuôi trâu, bò, dê… với tổng thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Pả Diên thường xuyên tuyên truyền, vận động dân bản tích cực lao động sản xuất, chăn nuôi trâu, bò, lợn… bằng hình thức nuôi nhốt. Nhờ vậy, đến nay đời sống của người dân thôn Tà Mên ngày càng được cải thiện, thu nhập dần nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143521