Những điểm yếu chí tử của xe bọc thép quân đội Mỹ
Vỏ thép bảo vệ không đủ, khả năng cơ động kém, sức mạnh pháo dư thừa và trọng lượng quá lớn - Lầu Năm Góc buộc phải loại bỏ sớm xe bọc thép Stryker của họ.
Những chiếc xe bọc thép bánh lốp này được phát triển vào đầu những năm 2000, nhưng khi sử dụng trong chiến đấu lần đầu tiên ở Iraq đã bộc lộ sự thiếu hoàn hảo trong thiết kế của cả dòng xe này.
Những điểm hạn chế
Lầu Năm Góc đã sử dụng xe bọc thép Stryker từ năm 2002, được phát triển trên cơ sở xe bọc thép LAV III của Canada, là phiên bản hiện đại hóa xe Piranha bánh lốp của Thụy Sỹ, thiết kế từ những năm 1970.
Xe bọc thép chở quân của Mỹ không khác nhiều so với nguyên mẫu - thân xe và cách bố trí chung không thay đổi. Chiều cao tăng thêm một chút, gia cố lớp giáp bảo vệ và điều chỉnh hình dạng phía dưới. Kíp lái xe gồm hai người, khoang chở quân chứa được 9 quân nhân. Động cơ diesel 350 mã lực cho phép Stryker hai cầu trước tăng tốc độ đến 100 km giờ trên đường cao tốc. Nhiên liệu đủ hoạt động gần 500 km.
Vỏ giáp trước có thể chịu được tác động của đạn xuyên giáp 14mm hoặc mảnh đạn 155mm. Vỏ bên và đuôi xe bảo vệ tốt khỏi đạn 7,62 mm.
Vũ khí tiêu chuẩn là súng máy Browning cỡ nòng 12,7 hoặc 7,62 mm. Có thể lắp súng phóng lựu tự động 40 mm. Một số phiên bản được phát triển: súng cối 120 mm tự hành, xe trinh sát, xe chỉ huy tham mưu, xe công binh và xe cứu thương.
Ngoài ra, còn có một phiên bản trang bị vũ khí hạng nặng - súng chống tăng 105 mm, nhằm mục đích tấn công các vị trí kiên cố, boongke, xe bọc thép đối phương, nhưng Lầu Năm Góc đã sớm quyết định loại bỏ phiên bản này, do họ đã xác định được các vấn đề do súng và bộ nạp đạn tự động.
Quân đội Mỹ đã tính toán các chi phí và đi đến kết luận không có ích lợi gì trong việc nâng cấp pháo tự hành. Việc thay thế Stryker nặng nề bằng hệ thống chống tăng Javelin di động tỏ ra dễ dàng hơn nhiều.
Vào đầu những năm 2000, Lầu Năm Góc đặt hàng hơn 2000 xe bọc thép - ngay lập tức giải quyết tình trạng thiếu phương tiện vận tải bộ binh cơ động. Đồng thời, xây dựng các lữ đoàn cơ giới chuyên dụng (Stryker brigade combat team, SBCT).
Mỗi đơn vị như vậy có khoảng 4,5 nghìn binh sĩ và sĩ quan, sử dụng 300 xe bọc thép bánh lốp nhiều phiên bản khác nhau. Từ quan điểm chiến thuật, SBCT nằm giữa bộ binh cơ giới dùng xe Humvee cơ động cao và các nhóm xe tăng hạng nặng.
Người ta cho rằng các lữ đoàn này có khả năng triển khai nhanh chóng và giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau ở mọi nơi trên thế giới. Việc vận chuyển nhân sự và thiết bị do máy bay vận tải C-130 Hercules đảm nhận.
Năm 2004, đơn vị đầu tiên được gửi đến Iraq. Trong năm đó, người Mỹ đã nghiên cứu các chiến thuật sử dụng các lữ đoàn Stryker trong các cuộc chiến. Bộ chỉ huy sau đó ghi nhận hiệu quả cao của các đon vị xe bọc thép, đặc biệt là trong các trận chiến đấu đô thị. Tuy nhiên, các binh sĩ phàn nàn về những khiếm khuyết trong thiết kế, hỏa lực không đủ và vỏ giáp yếu.
Báo cáo sau đó của một ủy ban đặc biệt của Lầu Năm Góc gần như đã dẫn đến việc đóng cửa chương trình. Hóa ra xe bọc thép chỉ hoạt động tốt trên đường bằng phẳng và đường cao tốc - trên địa hình gồ ghề, xe bị dính bùn hoặc cát. Động cơ thường được sử dụng ở tốc độ cao, làm chúng nhanh chóng hư hỏng. Xe Stryker nặng hơn đáng kể so với các xe của Canada và Thụy Sĩ.
Một tính toán sai lầm nghiêm trọng khác của các nhà thiết kế là vỏ giáp, chỉ bảo vệ tốt trước những vũ khí nhỏ. Trong thực chiến, đối phương thích sử dụng súng chống tăng hơn. Đạn chống tăng RPG dễ dàng xuyên thủng thân xe nên các phương tiện phải khẩn trương trang bị tấm lưới thép bổ sung.
Ngoài ra, do trọng tâm lớn, các xe thường bị lật khi va phải chướng ngại vật hoặc mìn. Hơn nữa, dây an toàn không cố định mọi người đúng cách khiến một số binh sĩ thiệt mạng.
Chuỗi vấn đề
Các khiếm khuyết được tìm cách khắc phục. Ví dụ như lưới chống đạn chống tăng và vỏ thép treo được lắp đặt ban đầu từ nhà máy. Do đó, khối lượng tăng lên và phát sinh các phức tạp trong quá trình vận chuyển bằng đường hàng không - một số sửa đổi nằm ngoài khả năng chuyên chở của máy bay vận tải.
Thiết bị điện tử và kính nhìn đêm mới cũng không tạo ra nhiều khác biệt. Stryker vẫn là một chiếc xe với một loạt các vấn đề chưa được giải quyết. Ngoài ra, việc hiện đại hóa yêu cầu thêm kinh phí cho toàn bộ chương trình.
Tuy nhiên, trong quân đội Mỹ, từ lâu nay đã hiện hữu vấn đề trang bị cho quân đội các xe bọc thép đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Lầu Năm Góc cố gắng thực hiện một số dự án, nhưng vô ích.
Năm 2004, các tướng lĩnh Mỹ thực hiện một cuộc cải tổ lớn trong quân đội. Là một phần dự án Hệ thống chiến đấu trong tương lai (FCS), họ quyết định tạo ra một dòng xe bọc thép phiên bản có người lái và không người lái. Hàng trăm tỷ đô la đã được chi ra, Mỹ lên kế hoạch triển khai lữ đoàn đầu tiên sử dụng xe mới vào năm 2015 và hình thành 15 đơn vị vào năm 2030. Tuy nhiên, chương trình đã bị đóng lại một cách bất ngờ - theo thông tin chính thức, liên quan đến sự thay đổi trong chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Sau đó, người Mỹ khởi động dự án xe chiến đấu bộ binh đầy hứa hẹn - Xe chiến đấu mặt đất (Ground Combat Vehicle - GCV), được cho là sẽ vượt qua xe M2 Bradly đã lỗi thời về khả năng bảo vệ, đồng thời nhẹ hơn, nhỏ gọn và cơ động hơn. Kết quả GCV hóa ra quá đắt để sản xuất hàng loạt - vào năm 2014, tất cả công việc đã bị đình chỉ.
Hiện Mỹ đang thực hiện một chương trình khác - xe chiến đấu có người lái tùy chọn (Optionally Manned Fighting Vehicle - OMFV), liên quan đến việc tạo ra xe chiến đấu bộ binh bánh xích với trí tuệ nhân tạo và điều khiển từ xa.
Lầu Năm Góc hiện phải vận chuyển bộ binh bằng M113 và M2 Bradly cũ, cũng như hiện đại hóa loại xe Stryker. Phiên bản cập nhật A1 được giới thiệu cách đây vài năm: pháo 30 mm, vỏ giáp gia cường, động cơ, hộp số mạnh hơn. Một biến thể xe có khả năng phòng không tầm thấp cũng được cung cấp.
Nhưng liệu xe Stryker này có trở nên phù hợp hơn trong chiến đấu so với các phiên bản trước hay không thì vẫn chưa rõ. Trên thực tế, thiết kế vẫn là như nhau.
(theo Sputnik)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhung-diem-yeu-chi-tu-cua-xe-boc-thep-quan-doi-my-146303.html