Những diễn biến mới quanh vụ tai nạn máy bay quân sự thảm khốc nhất trong 30 năm qua ở Philippines
Đã xuất hiện những thông tin mới về vụ rơi máy bay của quân đội Philippines ngày Chủ nhật 4/7: số người tử nạn đã lên tới 50, 53 người khác bị thương, nguyên nhân máy bay rơi vẫn chưa rõ.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 5/7, số người chết trong vụ chiếc máy bay vận tải C-130H của Không quân Philippines bị rơi trên đảo Jolo thuộc tỉnh Sulu ở miền nam nước này trưa hôm Chủ nhật (4/7), đã tăng lên 50 người, trong đó có 3 thường dân; 53 người khác bị thương, trong đó có 4 dân thường. Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, tướng Cirilito Sobejana sáng thứ Hai (5/7) cho biết, tình trạng của tất cả các nhân viên trên máy bay đã được xác nhận và hộp đen của chiếc máy bay xấu số vẫn chưa được tìm thấy.
Máy bay vận tải này chở 96 người, bao gồm 3 phi công và 5 thành viên phi hành đoàn. 88 hành khách còn lại đều là quân nhân tại ngũ. Hầu hết họ là những tân binh vừa hoàn thành khóa huấn luyện quân sự cơ bản và bắt đầu phục vụ trong quân đội. Họ được điều đến đảo Jolo để trấn giữ và tiễu trừ lực lượng phiến quân của tổ chức khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf chủ trương ly khai.
Chiếc C-130H bốc cháy dữ dội sau khi bị rơi (Ảnh: Đông Phương).
Phát ngôn viên quân đội Philippines, Đại tá Edgard Arevalo cho biết, không có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay vận tải bị tấn công; tuy nhiên, do nhà chức trách vẫn đang tập trung vào các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và điều trị những người bị thương nên các cuộc điều tra liên quan vẫn chưa được khởi động.
Hiện tại, 32 binh sĩ bị thương đã được đưa đến thành phố Zamboanga trên đảo Mindanao để điều trị, khoảng 18 người bị thương khác vẫn đang ở lại đảo Jolo. Quân đội tuyên bố rằng họ sẵn sàng chăm sóc những người bị thương và hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11 giờ 30 sáng Chủ nhật (4/7). Có tin chiếc máy bay vận tải này đã bỏ lỡ vị trí hạ cánh tốt nhất khi hạ cánh xuống đường băng trên đảo Jolo và bị mất kiểm soát khi nó lên cao trở lại. Theo tướng Sirilito Sobejana cho biết, chiếc máy bay quân sự đã đáp trượt đường băng khi vận chuyển quân từ phía nam đảo Mindanao tới, phi công đã cố gắng lấy độ cao trở lại nhưng không thành công.
Phần đuôi chiếc C-130H còn sót lại sau vụ cháy (Ảnh: AP).
Hãng tin Anh Reuters ngày 4/7 cho biết đây là thảm họa hàng không quân sự tồi tệ nhất ở Philippines trong vòng 30 năm qua.
Một bản báo cáo quân sự do Manila Bulletin có được nói rằng tất cả các phi công và thành viên phi hành đoàn đều còn sống nhưng đang trong tình trạng nguy kịch. Các nhân chứng cho biết, vào thời điểm đó, nhiều người lính đã nhảy khỏi máy bay trước khi nó rơi xuống đất và bốc cháy.
Trang tin Rappler của Philippines ngày 4/7 cho biết 50 người trên chiếc máy bay gặp nạn là tân binh từ Sư đoàn Bộ binh số 4. Họ vừa hoàn thành khóa huấn luyện bộ binh cơ bản kéo dài 6 tháng và được triển khai tới tỉnh Sulu để chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf ở đây.
Theo Reuters, chiếc máy bay vận tải gặp nạn là một chiếc C-130H cũ bay lần đầu tiên vào năm 1988 và sau đó phục vụ trong quân đội Mỹ một thời gian dài. Vào tháng 1 năm nay, Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ đã bán chiếc máy bay “second hand” này cho Philippines.
Trực thăng S-70i của Không quân Philippines (Ảnh: sunnews).
Trước khi xảy ra vụ chiếc C-130H này gặp nạn, một chiếc trực thăng S-70I Black Hawk của quân đội Philippines cũng đã bị rơi trong chuyến bay huấn luyện ban đêm vào hôm 23/6, khiến cả 6 người trên máy bay thiệt mạng. Vụ tai nạn này khiến toàn bộ phi đội Black Hawk 5 chiếc mua của Ba Lan phải ngừng bay. Được biết, để tiết kiệm tiền, Philippines đã mua loại trực thăng S-70I Black Hawk do Ba Lan chế tạo với giá 15 triệu USD/ chiếc, trong khi mỗi chiếc Black Hawk nguyên bản do Mỹ xuất xưởng có giá lên tới 50 triệu USD.