Những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua của Công an TP Hà Nội

Ngày 3/6, Công an TP Hà Nội tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua 'Vì An ninh Tổ quốc' giai đoạn 2020-2025.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Cùng dự có ông Phạm Huy Giang, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thi đua- khen thưởng Trung ương và 75 đại biểu điển hình tiên tiến ưu tú trong phong trào thi đua.

Thứ trưởng Lê Tấn Tới cùng các đại biểu dự buổi lễ.

Thứ trưởng Lê Tấn Tới cùng các đại biểu dự buổi lễ.

Tại Hội nghị, sau phát biểu khai mạc của Trung tướng Đoàn Duy Khương và báo cáo tổng kết phong trào thi đua do Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP trình bày, Hội nghị bắt đầu với phần gặp gỡ và giao lưu với các gương điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an Thủ đô.

Mở đầu phần giao lưu là những chia sẻ của người bà và ước nguyện của cậu cháu Thành Đạt, người thanh niên đã từng có thời lầm lỡ và những tâm sự của người cảnh sát khu vực về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lực lượng CAND.

Mỗi công việc dù là nhỏ bé nhất nhưng khi phục vụ nhân dân bằng tình cảm và trách nhiệm thì đó là cây cầu ngắn nhất để xây dựng niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng, Đạt chơi bời lêu lổng với đám bạn xấu. Bà Yến khi đó đã ngoài tuổi 70 vẫn phải ngày ngày tập tễnh bán hàng nước nuôi cháu.

Khi Đại úy Bùi Văn Kửu về công tác tại Công an phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc với anh là người bà 70 tuổi, trong tiết trời giá lạnh đi tìm cháu ở quán chơi game.

Thứ trưởng Lê Tấn Tới phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Lê Tấn Tới phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Với trách nhiệm của một Cảnh sát khu vực, anh cảm thấy cần phải tiếp xúc và động việc để cháu Đạt thay đổi. Anh đã báo cáo ban chỉ huy phường lập kế hoạch giúp đỡ cháu Đạt. Lần đầu tiên anh gặp là khi Đạt vừa từ quán game về nhà, đầu bù, tóc rối. Ban đầu, anh giúp Đạt vào việc làm ở một bãi gửi xe, với mức lương ban đầu là 2 triệu đồng/ tháng. Sau đó, anh phát hiện Đạt có năng khiếu về sửa chữa điện tử nên đã tham mưu cho UBND phường cho Đạt đi học nghề sửa chữa điện tử. Đến thời điểm này, Đạt có việc làm ổn định, có thu nhập và trở thành người sống có ích.

Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội chia sẻ những kết quả đã đạt của Chuyên đề 231, đây là cơ sở để Bộ Công an tham mưu với Chính phủ xây dựng, triển khai Chỉ thị số 12, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen trên địa bàn cả nước.

Khi tiếp cận, xử lý các vụ án liên quan đến tín dụng đen, việc phát hiện các vụ việc gặp nhiều khó khăn do ban đầu, các bên có sự thỏa thuận dân sự tự nguyện.

Thực tế cho thấy, người bị đe dọa chỉ tố giác với Cơ quan Công an khi không thương lượng được với người vay nợ, cho vay nợ hoặc đã bị cướp, cưỡng đoạt tài sản; bị đe dọa tính mạng, sức khỏe của bản thân, gia đình hoặc bị các đối tượng khủng bố tinh thần. Nhiều trường hợp bị hại không dám trình báo vì bị các đối tượng đe dọa, khống chế.

Thời gian vụ việc kéo dài mới bị phát hiện nên cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn trong thu thập, củng cố, tài liệu, chứng cứ, hành vi vi phạm. Hoạt động tín dụng đen có sự cấu kết giữa các đối tượng trên địa bàn TP với các đối tượng ở tỉnh, thành khác, thậm chí hình thành các ổ nhóm tội phạm có tổ chức mở nhiều cơ sở, chân rết tại nhiều địa phương trong cả nước, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý...

Đó còn là những tâm sự về một vụ án tiêu biểu, đáng nhớ mà Đại tá Nguyễn Bình không thể nào quên như vụ “đánh sập” Công ty Hải Linh – một công ty núp bóng doanh nghiệp “tín dụng đen”; chuyên án liên quan đến tín dụng đen như Quang “Rambo”, Nguyễn Đức Nhân điều hành...

Phần giao lưu của Thiếu tá Nguyễn Thế Nhật, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, nguyên Trưởng Công an xã Minh Châu, Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) và Thiếu tá Đinh Thị Huyền Diệu, cán bộ Đội 3, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội lại cho thấy một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an nhằm tăng cường công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở. Minh Châu là xã đảo cách Hà Nội 55 km, một năm có 2 tháng nước dâng lên không đi đường bộ ra được mà phải đi bằng thuyền; đây cũng là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy với rất nhiều đối tượng nghiện và người nhiễm HIV.

Với một khối lượng lớn công việc như vậy, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Thế Nhật đã xác định những việc cần phải làm ngay. Hơn một năm gắn bó với xã đảo, mới đây, Thiếu tá Nguyễn Thế Nhật đã được bổ nhiệm chức danh Phó trưởng phòng CSĐT TP về ma túy Công an TP Hà Nội.

Chuyển sang một vị trí công tác khác nhưng những tình cảm của người dân với người trưởng Công an xã tận tâm với công việc vẫn như ngày nào. Phát biểu tại Hội nghị, không giấu được xúc động, ông Nguyễn Danh Chương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu cho biết: Đến thời điểm này, Minh Châu hôm nay không còn cảnh người dân kéo nhau đi làm ăn xa ở các tỉnh Tây Bắc, số người nghiện vì thế cũng có dấu hiệu giảm, tình hình ANTT ổn định, đã không còn mất cắp vặt.

Những tín hiệu vui ấy đều bắt nguồn từ sự có mặt của lực lượng Công an chính quy về xã. Đó còn là chia sẻ của Thiếu tá Đinh Thị Huyền Diệu, người nữ cán bộ Công an đã có 13 năm đấu tranh với tội phạm về ma túy. Tính chất công việc phải thường xuyên đi làm đêm; chồng cũng công tác trong lực lượng Công an, lại thường xuyên công tác xa nhà nên có lúc chồng trực mà vợ vẫn phải đi đánh án nên có những hôm, chị và chồng cùng đi làm mấy đêm không về, con cái phải cậy nhờ đến sự giúp đỡ của hàng xóm...

Vất vả là thế nhưng khi đã bắt tay vào công việc thì rất say nghề; đã bước vào trận chiến rồi thì đôi khi không nghĩ đến bản thân, chỉ cố gắng làm sao bắt giữ được đối tượng, thu giữ vật chứng.

Đại úy Bùi Văn Kửu giao lưu tại Hội nghị

Đại úy Bùi Văn Kửu giao lưu tại Hội nghị

Thiếu tá Nguyễn Thế Nhật và Thiếu tá Đinh Thị Huyền Diệu giao lưu tại Hội nghị

Thiếu tá Nguyễn Thế Nhật và Thiếu tá Đinh Thị Huyền Diệu giao lưu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Tấn Tới biểu dương và chúc mừng những thành tích lực lượng Công an TP Hà Nội đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng Lê Tấn Tới nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, lực lượng Công an TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nhiều nội dung phong trào được cụ thể hóa sát với từng đơn vị. Chất lượng thực hiện ngày càng nâng lên đã thực sự là động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an TP thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều nội dung phong trào thi đua đã hướng đến giải quyết các khâu khó, việc mới, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở. Do đó, đã khích lệ được CBCS nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ công tác được giao...

Thông qua phong trào thi đua, nhiều cá nhân đã vượt qua khó khăn thách thức, dũng cảm, mưu trí, lập công xuất sắc trong học tập, rèn luyện và đấu tranh trấn áp tội phạm, trở thành gương tốt, việc tốt trong Công an TP. Nhiều CBCS nêu gương sáng về tinh thần dũng cảm, tận tụy quên mình, lập công xuất sắc trong công tác, chiến đấu, nêu gương liêm khiết, không nhận hối lộ, nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ CAND.

Thứ trưởng Lê Tấn Tới yêu cầu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và chỉ huy các đơn vị cơ sở phải tiếp tục xác định và nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng và tầm quan trọng của phong trào thi đua “ Vì An ninh tổ quốc”. Thường xuyên quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, trong đó phải xác định nội dung thi đua trong công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” phải được tổ chức phối hợp chặt chẽ với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - phong trào “CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn vì nước quên thân, vì dân phục vụ”...; tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp, có sức lôi cuốn mạnh mẽ CBCS tích cực hưởng ứng tham gia, tạo động lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác trên các lĩnh vực của Công an TP.

Khi tổ chức thực hiện phong trào thi đua, các đơn vị phải lồng ghép, đa dạng hóa hình thức giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Ngành, giúp cán bộ chiến sỹ luôn nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của mình trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự trong thời kỳ đất nước đổi mới.

Sau mỗi đợt thực hiện phong trào thi đua phải tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm, nhân rộng các sáng kiến, kinh nghiệm, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực công tác, đồng thời phải nghiên cứu, hình thành những cơ chế động viên khen thưởng đảm bảo dân chủ, khách quan, kịp thời cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc...

5 năm qua, Công an TP Hà Nội đã có 4 năm đạt Cờ thi đua của Chính phủ, 1 năm đạt Cờ thi đua Bộ Công an, liên tục được UBND Thành phố tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc". Trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Công an Thành phố đã có 57.466 lượt tập thể và cá nhân nêu gương sáng về tinh thần dũng cảm, tận tụy quên mình, lập công xuất sắc trong công tác, chiến đấu được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố và Giám đốc Công an TP khen thưởng.

X. Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-dien-hinh-tien-tien-trong-phong-trao-thi-dua-cua-cong-an-tp-ha-noi-597643/