'Vua rác' Việt có khuynh đảo chính trường Mỹ?

Ngày 20-6, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bất ngờ khám xét nhà ở của 'vua rác' David Dương và con trai Andy Dương. David Dương là ai, vì sao FBI lại khám xét nhà của cha con ông Dương?

David Dương chụp hình với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Từ người di dân thành “vua rác”

David Dương tên thật là Dương Tử Trung, con trai của ông Dương Tài Thu, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Gia đình ông Dương Tài Thu là chủ hãng giầy Cogido nổi tiếng một thời, nhưng đến năm 1979 họ đã rời khỏi quê hương sang định cư ở San Francisco, Mỹ.

Năm 1983, ông Dương Tài Thu quyết định thành lập doanh nghiệp tái chế Cogido Paper Corporation, và mua một nhà kho ở West Oakland cùng năm đó. Ông David Dương, với tư cách con trai trưởng, được cha cho giữ chức vụ giám đốc. Năm 1989, Codigo được chào mời mua lại với giá lên tới hàng triệu USD, nên David Dương đã nhanh chóng đồng ý.

Đầu năm 1991, được biết chính quyền Oakland chuẩn bị tổ chức đấu thầu thu gom rác thải phế liệu, ông David Dương quyết định thành lập California Waste Solutions (CWS).

Dù chỉ vừa mới “khai sinh”, nhưng CWS đã ngay lập tức thắng thầu thu gom rác thải cho một nửa thành phố, với trị giá hàng chục triệu USD. Tiếp đó, vào năm 2006, CWS trúng gói thầu thứ 2 với trị giá lên tới hàng trăm triệu USD, đánh bại đối thủ đứng hàng thứ 4 của Mỹ trong ngành môi trường là Norcal Waste Systems.

Đến năm 2014, Hội đồng thành phố Oakland đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khi bỏ phiếu trao cho CWS hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để điều hành các dịch vụ thu gom và tái chế rác của địa phương. Đối thủ tranh thầu là Waste Management, một tập đoàn lớn hơn CWS, đã phản đối quyết định.

Các nhân viên thành phố cũng cho rằng, việc giao toàn bộ gói thầu cho công ty của gia đình ông Dương là rủi ro đối với Oakland, vì CWS không phải là một công ty lớn và có nhiều kinh nghiệm. Hội đồng thành phố Oakland sau đó phải nhượng bộ và bỏ phiếu chia tách hợp đồng, giao việc thu gom rác cho Waste Management, còn CWS xử lý việc tái chế.

Đến nay, CWS là đơn vị thu gom rác tái chế chính thức của Oakland. Công nhân của đơn vị này thu gom rác tái chế từ các hộ gia đình và doanh nghiệp mỗi ngày. Công ty của gia đình ông Dương cũng cung cấp dịch vụ cho thành phố San Jose và điều hành một cơ sở xử lý rác thải tại Việt Nam. Nhờ đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đã tặng cho David Dương biệt danh “vua rác”.

Nghi vấn “rửa tiền chính trị”

Việc CWS được Hội đồng thành phố Oakland “ưu ái” từ lâu đã là chủ đề bàn tán. Trong khi đó, David Dương và con trai Andy Dương không hề che giấu việc họ có quan hệ với các nhân vật máu mặt chính trị.

Trên các tài khoản mạng xã hội của cha con ông Dương như Facebook và Instagram, người ta thấy hình ảnh 2 cha con chụp chung với các chính khách nổi tiếng, từ cựu Tổng thống Barack Obama, đến Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Thống đốc California Gavin Newsom, Tổng Chưởng lý Rob Bonta, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh kiêm cựu Tổng chưởng lý California Xavier Becerra... Danh sách này cũng bao gồm các nhà lãnh đạo được bầu ở các tiểu bang khác, như Tổng Chưởng lý Nevada Aaron Ford…

Còn Thị trưởng thành phố Oakland Sheng Thao thì thường xuyên có mặt bên cạnh gia đình họ Dương.

Andy Dương khoe hình với các chính trị gia cộm cán.

Theo tờ Oakland Side, từ năm 2019, cơ quan giám sát chính trị của Oakland, Ủy ban Đạo đức công cộng (PEC) và Ủy ban Thực hành chính trị công bằng (FPPC) của tiểu bang California, đã tiến hành một cuộc điều tra chung sau khi nhận được cáo buộc gia đình ông Dương đã bí mật trao hàng chục ngàn USD, cho các ủy ban vận động tranh cử của các thành viên hội đồng thành phố Oakland.

Theo đó, từ năm 2016-2018, gia đình ông Dương bị cáo buộc đã chuyển 67.000USD vào quỹ vận động tranh cử của Dan Kalb, Rebecca Kaplan, Lynette Gibson McElhaney, Larry Reid, Abel Guillen, Desley Brooks và Sheng Thao, người lúc đó đang là thành viên Hội đồng.

David Dương nói gì?

Ông David Dương đã lên tiếng ngày 23-6, liên quan vụ FBI xét nhà và doanh nghiệp. Ông nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy FBI đến khám nhà. Tôi biết đây là chuyện lớn, liên quan những việc kinh khủng. Tuy nhiên, cho đến giờ này, mình chỉ biết tuân theo pháp luật, hợp tác chặt chẽ với họ. Tôi thấy nhân viên công lực đến khám nhà cũng tử tế, không có gì phải lo lắng”.

Luật sư Douglas Straus đại diện CWS, gửi thông cáo báo chí cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên trước việc cơ quan công lực liên bang khám xét nhà và văn phòng của chúng tôi. Để tạo điều kiện cho cơ quan công lực thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng tôi là những công dân tốt và luôn tôn trọng luật pháp, đã hợp tác và tạo mọi điều kiện để cơ quan công lực có thể thực thi công việc của họ một cách tốt nhất.

Chúng tôi tin rằng mình không tham gia hoặc làm bất cứ điều gì sai pháp luật và chờ đợi sự phán quyết của cơ quan công lực, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn hoạt động bình thường”.

Dang dở và “tai tiếng” tại Việt Nam

Năm 2003, theo lời mời của đoàn lãnh đạo TPHCM sang Mỹ tìm nhà đầu tư về lĩnh vực xử lý rác và môi trường, ông David Dương bắt đầu về Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh. Đến năm 2005, ông thành lập Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS).

Sau đó năm 2007, công ty này đã đưa vào vận hành Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước tại Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM trên diện tích 128ha. Dự án Đa Phước được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ hiện đại của Mỹ, đặc biệt là trong khâu xử lý nền móng, chống thấm bãi chôn lấp và hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi. Thế nhưng, câu chuyện mùi hôi lại trở thành vấn đề “nhức nhối” cho nhiều cư dân sống quanh đây suốt những năm qua.

Khu xử lý rác của VWS tại Đa Phước (TPHCM).

Năm 2009, dự án đã nhận được rất nhiều bức xúc của người dân xung quanh Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) về mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đặc biệt, mùi hôi phát tán ra xung quanh vào thời điểm giao mùa, chuyển từ mùa khô sang mùa mưa và khi thay đổi hướng gió.

Năm 2017, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty VWS số tiền 1,5 tỷ đồng vì vi phạm các vấn đề môi trường.

Trước đó, trong kết luận của Thanh tra TPHCM đầu năm 2016, giá xử lý rác tại Đa Phước cao hơn tất cả các đơn vị khác. Cùng là công nghệ chôn lấp, nhưng TPHCM áp dụng giá xử lý một tấn rác với VWS cao hơn 67.384 đồng (tương đương 3 USD), so với Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị thành phố.

Với đơn giá này, chênh lệch giá được giới chuyên gia về môi trường tính toán TPHCM đang cho VWS xử lý 5.000 tấn mỗi ngày, tức là mỗi năm phải chi nhiều hơn cho công ty này 3 triệu USD, và việc đó đã kéo dài gần chục năm nay.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố cáo của người dân và chỉ ra nhiều sai phạm liên quan tới việc xử lý rác tại khu xử lý rác Đa Phước.

Nhiều nỗ lực vào cuộc, nhưng vấn đề mùi hôi tại bãi rác Đa Phước vẫn không hề được cải thiện. Phía VWS cho rằng do TPHCM không tổ chức phân loại rác tại nguồn nên rác thải lẫn lộn mọi thứ, không thể tổ chức tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu. Hơn nữa, công suất của nhà máy đã quá tải.

Vào năm 2020, phía Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, khu chôn lấp này sẽ đầy công suất và đóng cửa vào năm 2024. Theo kế hoạch, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì VWS phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt rác phát điện khoảng 3.000 tấn rác/ngày, chấm dứt việc chôn lấp.

Thế nhưng, đến tháng 5, VWS vừa gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày lên Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, dự án đốt rác phát điện mới sẽ được VWS đầu tư khoảng hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư bỏ 30% vốn, 70% còn lại vay ngân hàng.

Dự án đốt rác phát điện sẽ được triển khai ngay tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước với diện tích 9ha, bao gồm 2 nhà máy với 4 lò đốt hoạt động, công suất thiết kế mỗi lò đạt 750 tấn/ngày. Và tất nhiên dự án này tiếp tục phải chờ.

Ngoài dự án ở Đa Phước thì năm 2015, UBND tỉnh Long An đã chính thức trao giấy phép đầu tư thành lập CTCP xử lý chất thải Việt Nam-Long An, đây là doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng và vận hành khu công nghệ môi trường xanh tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Tuy nhiên, sau khi khánh thành 2 cây cầu VWS1 và VWS2 vào năm 2019, công trình hiện chưa hoàn thiện thêm vì nhiều vấn đề thiếu thống nhất với chính quyền địa phương.

Trong lần chia sẻ với báo chí Việt Nam gần đây nhất, ông David Dương cho biết với dự án khu công nghệ môi trường xanh tại tỉnh Long An, công ty vẫn đang chờ đợi được chính quyền tỉnh cho phép khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, phân loại rác.

ÁNH VÂN - ĐỨC MẠNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/vua-rac-viet-co-khuynh-dao-chinh-truong-my-post115314.html