Những điển hình trong phong trào thi đua

Không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong học tập, lao động, công tác... Đó là những nét nổi bật về những điển hình trong phong trào thi đua của tỉnh. Họ dù ở những cương vị, đóng góp khác nhau, nhưng đều có chung một mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

* Cán bộ Mặt trận tiêu biểu toàn quốc

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng Ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn Công Luận 2, thị trấn Văn Giang (Văn Giang) vinh dự là 1 trong 167 Trưởng ban CTMT toàn quốc được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương vì có thành tích nổi bật trong công tác Mặt trận giai đoạn 2017 – 2022.Ở tuổi 63, nhưng theo nhận xét của người dân địa phương, bà Kim luôn năng động và đầy nhiệt huyết, là đầu tàu gương mẫu trong các phong trào.

Bà Nguyễn Thị Kim (mặc áo dài) cùng đoàn đại biểu tỉnh Hưng Yên dự Hội nghị biểu dương cán bộ Mặt trận tiêu biểu toàn quốc cuối tháng 11/2022

Từ năm 2017 đến nay, với những sáng kiến, đóng góp của bà Kim, từng nội dung của cuộc vận động đã được cụ thể hóa một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, được Nhân dân tích cực tham gia. Đối với tiêu chí “Không tệ nạn xã hội”, Ban CTMT thôn đã đề xuất với thôn đưa nội dung này thành tiêu chí bắt buộc trong quy ước, hương ước; đồng thời tổ chức tuyên truyền và thành lập 4 tổ đến từng hộ dân để ký cam kết thực hiện. Cùng với đó, thông qua các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức thành viên của Mặt trận đều lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội; xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Nhờ kiên trì vận động, đến nay thôn giảm khoảng 70% việc tổ chức ăn uống linh đình khi đám cưới, đám tang. Đối với tiêu chí về môi trường, thôn thành lập 4 tổ tự quản về môi trường với 25 thành viên. Ngoài việc phân công tự quản các tuyến đường, vào ngày 25 hàng tháng, các tổ đi kiểm tra và nhắc nhở các hộ dân chưa thực hiện tốt vệ sinh môi trường, chủ động làm đẹp đường làng, ngõ phố.

Năm 2019, khi Dự án Khu du lịch nhà vườn sinh thái Xuân Cầu được tỉnh chấp thuận đầu tư vào địa bàn thị trấn Văn Giang, trong đó có phần đất của thôn Công Luận 2, bà Kim cùng Ban CTMT thôn khéo léo vận động, giải quyết mâu thuẫn, vướng mắc về nguồn gốc, quyền sử dụng đất... nên các hộ dân nhanh chóng chấp thuận bàn giao mặt bằng. Bà cùng Ban CTMT thôn vận động Nhân dân hiến đất nâng cấp 4 tuyến đường bê tông ngoài đồng phục vụ sản xuất, kết quả đã được 100% số hộ dân ủng hộ.

Các phong trào, các cuộc vận động khi triển khai trên địa bàn thôn đều đạt và vượt mục tiêu. Ban CTMT thôn luôn được chấm điểm, bình xét đạt “Trong sạch, vững mạnh”, khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến xuất sắc, giữ vững danh hiệu làng văn hóa và được các cấp khen thưởng.

* Nhà giáo ưu tú tận tâm vì sự nghiệp “trồng người”

Gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, tài sản lớn nhất mà tôi có được là niềm tin yêu, quý trọng của học trò và các bậc phụ huynh học sinh dành cho mình - Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thục, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đình Cao (Phù Cừ) đã mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng những lời chia sẻ mộc mạc, chân thành.

Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thục, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đình Cao (Phù Cừ)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà giáo, hình ảnh về người cha - một thầy giáo trường làng có tấm lòng bao dung với học trò đã trở thành động lực nuôi dưỡng ước mơ làm nghề “gõ đầu trẻ” của cô thôn nữ Trần Thị Thục. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Sư phạm Hải Hưng (sau này là Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên và hiện nay là Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên), cô Thục rất hạnh phúc khi được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Đình Cao - mảnh đất quê hương đã nuôi dưỡng tâm hồn cô.

Cô Thục cùng với đội ngũ giáo viên nhà trường xây dựng môi trường tích cực giáo dục toàn diện cho học sinh. Dưới mái Trường tiểu học Đình Cao, học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, quan tâm đến mọi người. Để làm được điều này, cô Thục khuyến khích mỗi cán bộ, giáo viên bằng những công việc cụ thể của mình như tiết kiệm điện, nước, nâng cao chất lượng giờ dạy, giờ học. Vận động mỗi giáo viên dạy phụ đạo học sinh yếu kém không hưởng thù lao; phát huy sáng kiến, kinh nghiệm hay để có giờ dạy tốt… Với học sinh, cô cùng nhà trường phát động nhiều phong trào thi đua học tập và rèn luyện theo gương Bác; khuyến khích học sinh khá giỏi kèm cặp học sinh học lực yếu hơn; nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo như: Nuôi lợn nhựa giúp bạn nghèo, quyên góp sách vở, quần áo cho học sinh vùng cao, góp quỹ giúp bạn nghèo tới trường.

Cô Thục luôn có những cách làm hay để kết nối các giáo viên trong nhà trường, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Cô luôn thấu hiểu ở môi trường làm việc có người đồng hành thân thiện, thấu hiểu tâm tư để chia sẻ, động viên sẽ giúp giáo viên duy trì được ngọn lửa đam mê với nghề và vững bước hơn trong sự nghiệp “trồng người”. Từ những cách làm trên, Trường tiểu học Đình Cao nhiều năm liền được các cấp, các ngành khen thưởng và trở thành điểm sáng trong phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành Giáo dục và Đào tạo. Cô Trần Thị Thục được Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cừ tặng khen vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021 và vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” năm 2021.

* Người nông dân thành công từ hướng đi riêng

Mạnh dạn chọn lối đi riêng, đưa cây trồng mới vào canh tác, chịu khó tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp bà Nguyễn Thị Hằng, ở xã Nhuế Dương (Khoái Châu) xây dựng thành công trang trại gần 7 mẫu trồng nho Hạ Đen, thanh long ruột đỏ, vú sữa Hoàng Kim, na dứa Đài Loan, sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trung bình hơn 700 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Nhiều năm liền bà Hằng trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp trung ương. Mới đây, bà vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017 – 2022.

Bà Nguyễn Thị Hằng, xã Nhuế Dương (Khoái Châu)

Giống như bao người nông dân khác ở xã Nhuế Dương, nguồn thu nhập trước đây của gia đình bà Hằng chủ yếu từ cây lúa nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn đưa kinh tế gia đình đi lên, sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở và đến một số nhà vườn tìm hiểu, vào năm 2006, bà Hằng đã mạnh dạn thuê thêm đất để đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm. Bà Hằng cho biết: Khi mới chuyển đổi mô hình sản xuất, tôi có suy nghĩ, mình phải đưa các cây giống mới vào trồng, phải có hướng đi riêng biệt để tạo ra sản phẩm mới. Năm 2006, người dân trồng chủ yếu thanh long ruột trắng, tôi tìm mua và trồng thanh long ruột đỏ. Đến năm 2019, nhận thấy tiềm năng từ cây nho Hạ Đen, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng 1 mẫu. Vừa làm, vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay về cơ bản tôi đã làm chủ được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào từng loại cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Hiện nay, mỗi năm tôi thu hơn 1 tấn quả với giá bán trung bình 80 nghìn đồng/kg; đối với thanh long ruột đỏ mỗi năm thu 30 tấn quả với giá bán trung bình khoảng 25 nghìn đồng/kg. Đối với vú sữa Hoàng Kim và na dứa Đài Loan, tôi trồng thử nghiệm với 2 mẫu, năm nay bắt đầu ra quả.

Với đức tính cần cù, không cam chịu đói nghèo, bà Hằng đã mạnh dạn khởi nghiệp với hướng đi riêng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hội viên nông dân trong tỉnh tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

* Quyết tâm vượt khó của một sinh viên khởi nghiệp

Sinh ra, lớn lên ở xã Tống Trân (Phù Cừ), cuộc sống khó khăn nên việc học đã có lúc gián đoạn, song bằng quyết tâm vươn lên và nỗ lực phấn đấu không ngừng, hiện nay, Nguyễn Anh Hải, sinh viên năm thứ tư Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên không chỉ học tập tốt mà còn xây dựng thành công dự án khởi nghiệp, được đánh giá cao.

Nguyễn Anh Hải (người ngồi hàng đầu bên phải) tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường

Quyết tâm vượt khó, Hải chú tâm học tập, có mục tiêu rõ ràng và thái độ học tập nghiêm túc ngay từ khi còn học các bậc học phổ thông. Khi học đại học, có môi trường rèn luyện tốt, Hải vừa học vừa tham gia nghiên cứu khoa học với sự giúp đỡ của các giảng viên nhà trường. Sản phẩm đầu tiên của Hải được đón nhận, đánh giá cao đó là máy phun thuốc sát khuẩn tự động, đưa ra thị trường vào thời điểm đặc biệt ý nghĩa khi các cấp, ngành, địa phương đang ra sức chống dịch Covid-19. Do đó, sản phẩm của Hải được nhiều nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp đặt mua. Thành công bước đầu trở thành động lực thúc đẩy Hải tiếp tục học tập, nghiên cứu. Từ năm 2018, vừa ấp ủ ý tưởng, vừa tiếp tục học tập tích lũy kiến thức, đến năm 2020, dự án khởi nghiệp “Sản xuất đồ chơi trẻ em thông minh theo phong cách DIY” đi vào sản xuất. Với loại đồ chơi này, người chơi tự làm, tự lắp ghép theo mô hình có sẵn, qua đó vừa giải trí, vừa kích thích trí sáng tạo cho trẻ. Đến nay, dự án đã đưa ra thị trường trên 1.000 sản phẩm, lợi nhuận thu về đủ để Hải trang trải cuộc sống, chi phí học tập và tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Với dự án này, Hải đã đoạt giải Nhất cuộc thi “Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021” do nhà trường tổ chức; đại diện Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc gia và lọt vào TOP 70 dự án "Học sinh - Sinh viên khởi nghiệp" năm 2022.

Hiện tại, ngoài cung cấp sản phẩm đồ chơi thông minh, Nguyễn Anh Hải còn cung cấp, hỗ trợ linh kiện điện tử giúp học sinh THCS, THPT học tập, nghiên cứu theo phương pháp STEAM (Tổ hợp các môn: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học, toán học ứng dụng). Thời gian tới, sau khi học xong, Hải dự định mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất để có thể cung cấp được nhiều hơn nữa những sản phẩm đồ chơi thông minh, an toàn ra thị trường trong nước và quốc tế…

Lệ Thu - Vũ Huế - Hồng Ngọc - Đức Hùng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202301/nhung-dien-hinh-trong-phong-trao-thi-dua-d5e158c/