NHỮNG ĐIỂN HÌNH VƯỢT KHÓ, SÁNG TẠO: Xung kích, đi đầu
Nâng cao phúc lợi cho người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững là mục tiêu mà Công đoàn Công ty CP Cấp nước Bến Thành hướng tới
Đối với mỗi người lao động (NLĐ), thu nhập luôn là quan tâm hàng đầu. Một khi có việc làm với thu nhập ổn định và phúc lợi được bảo đảm thì họ sẽ tận lực cống hiến cho doanh nghiệp (DN). Xuất phát từ suy nghĩ ấy, trong mọi hoạt động, Công đoàn (CĐ) Công ty CP Cấp nước Bến Thành (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên) luôn đặt mục tiêu cải thiện thu nhập và nâng cao phúc lợi cho NLĐ lên hàng đầu.
Mang lại lợi ích tốt nhất cho đoàn viên
Tiền thân Công ty CP Cấp nước Bến Thành là Chi nhánh Cấp nước Sài Gòn (trực thuộc Công ty Cấp nước TP HCM). Năm 2007, khi chi nhánh được CP hóa thành Công ty CP Cấp nước Bến Thành, không ít NLĐ tâm tư do quỹ lương sụt giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trong hoàn cảnh ấy, để không phụ lòng tin của tập thể đoàn viên - lao động, CĐ cơ sở đã tranh thủ kiến nghị ban giám đốc điều chỉnh chính sách tiền lương phù hợp nhằm ổn định đời sống NLĐ. Sự nhạy bén của CĐ cơ sở thể hiện ở chỗ biết chọn "điểm rơi" để đề xuất chính sách tiền lương phù hợp, nhất là lúc doanh thu của DN có tín hiệu khả quan.
Trong các đợt DN tiến hành xây dựng các quy chế, quy định quản lý nội bộ có liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ như lương, thưởng, CĐ cơ sở luôn chủ động tham gia ngay từ đầu và đề xuất các phương án phù hợp sao cho vừa bảo đảm quyền lợi vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho đoàn viên.
Chẳng hạn như lần chuyển đổi lương của NLĐ từ thực hiện theo thang bảng lương của DN nhà nước (Nghị định 205/2004/NĐ-CP) sang chế độ trả lương theo chức danh, vị trí công việc (Nghị định 49/2013/NĐ-CP), CĐ đã chủ động thương lượng để DN bảo đảm mức lương trả cho NLĐ phải bằng hoặc cao hơn mức lương cũ.
Kết quả của lần điều chỉnh đó là đa số NLĐ được hưởng mức lương cao hơn trước. Thế nhưng, cũng có một bộ phận nhỏ bị giảm thu nhập. "Cách trả lương cũ tính theo thâm niên nên người làm việc lâu năm sẽ có thu nhập cao. Do vậy, khi xếp lương theo vị trí công việc thì thu nhập của họ sẽ giảm. Để giảm thiệt thòi cho NLĐ, CĐ cơ sở đã đề xuất DN có thêm khoản phụ cấp thâm niên cho đối tượng này, nhờ vậy họ an tâm công tác" - ông Huỳnh Đức Thành, Chủ tịch CĐ công ty, chia sẻ.
Với tập thể lao động tại công ty, chính sự nhạy bén của CĐ cơ sở trong quá trình tham gia giám sát, đặc biệt là góp ý xây dựng chính sách tiền lương đã góp phần giúp họ ổn định đời sống một cách căn cơ. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của NLĐ là 11,1 triệu đồng/người/tháng, thì nay đạt khoảng 16 triệu đồng/người/tháng.
Cứ 3 năm/lần, NLĐ còn được nâng bậc, nâng lương với mức điều chỉnh khoảng 10%/lần. Cũng chính nhờ tinh thần chủ động ấy của CĐ trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mà phúc lợi NLĐ từng bước được nâng cao. Ngoài các khoản thưởng vào dịp lễ - Tết, NLĐ còn được hỗ trợ tiền cơm trưa (730.000 đồng/tháng), tiền đồng phục (5 triệu đồng/năm), được đi tham quan, du lịch miễn phí mỗi năm 1 lần. Đặc biệt, khi nghỉ hưu, cứ mỗi năm làm việc, NLĐ được tri ân 1 triệu đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Với các thành viên trong ban chấp hành CĐ, sự phát triển bền vững của DN là cơ sở để bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ. Do vậy, ngoài nỗ lực thực hiện vai trò đại diện, CĐ cơ sở đều hướng hoạt động phong trào gắn liền với mục tiêu sản xuất - kinh doanh của đơn vị.
Minh chứng rõ nét nhất là việc hằng năm, CĐ cơ sở đều đứng ra lập kế hoạch và ký kết giao ước thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh với giám đốc công ty. Để hiện thực hóa giao kết đó, tại Hội nghị NLĐ hay các buổi đối thoại định kỳ, ngoài tuyên truyền, phổ biến chính sách và giải quyết thắc mắc của NLĐ, CĐ cơ sở còn tranh thủ vận động tập thể NLĐ tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất.
Ý thức được trách nhiệm với DN nên tập thể lao động rất tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sáng tạo do CĐ cơ sở phát động, Từ đó, nhiều giải pháp, sáng kiến hữu ích do NLĐ đề xuất được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn, góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Điển hình như sáng kiến "Ứng dụng GIS để quản lý sự cố mạng lưới cấp nước" của Ban Quản lý giảm nước không doanh thu. Công ty đang quản lý gần 66.000 khách hàng trên địa bàn quận 1 và 3. Trước đây, khi người dân thông báo sự cố về nước, do quy trình xử lý phải qua nhiều khâu nên mất nhiều thời gian và điều này khiến lượng nước thất thoát rất lớn.
Thời điểm năm 2014, tỉ lệ rò rỉ, thất thoát nước tại đơn vị là 42,3%, cao nhất tổng công ty. Tuy nhiên, khi sử dụng ứng dụng GIS, nhân viên sửa chữa sẽ biết được ngay điểm đang gặp sự cố và đến xử lý kịp thời, giúp công ty kéo giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống còn khoảng 24%. Hướng đến mục tiêu nâng chất nguồn nhân lực, CĐ cơ sở còn thường xuyên duy trì tổ chức các hội thi thợ giỏi, hội thi bàn tay vàng, các khóa đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, giao tiếp với khách hàng… nhằm giúp NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần tăng năng suất lao động.
Nhận xét về hoạt động CĐ tại đơn vị, chị Vũ Hiền, nhân viên phòng thương vụ, bày tỏ tự hào: "Nhanh nhạy, sâu sát đời sống đoàn viên nên CĐ cơ sở luôn biết NLĐ cần gì, từ đó kịp thời đề xuất DN có chính sách chăm lo phù hợp. Các chế độ phúc lợi được hình thành có công đóng góp rất lớn của CĐ cơ sở. Ở DN, mọi trường hợp khó khăn đều được CĐ cơ sở thăm hỏi, động viên và chúng tôi rất trân quý sự quan tâm, chăm sóc chí tình ấy".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Kỳ tới: Dấn thân, hết lòng