Những điều cần biết khi mua xe ô tô cũ

Giá bán rẻ và dễ tiếp cận với người có nhu cầu, tuy nhiên ô tô cũ lại tiềm ẩn những rủi ro. Vì vậy, để tránh cảnh 'tiền mất tật mang' khi mua xe, người mua cần kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng và lịch sử xe trước khi 'xuống tiền'.

Việc không dư dả tài chính đã khiến nhiều người lựa chọn mua xe ô tô cũ để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế về giá, việc mua xe đã qua sử dụng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với việc mua ô tô mới. Bởi nếu không hiểu biết về xe, người mua có thể bị chủ xe cũ "qua mặt". Chính vì vậy, để tránh lâm vào cảnh "tiền mất tật mang, khi quyết định chọn mua xe cũ, người mua cần lưu ý những vấn đề sau:

Tìm hiểu kỹ lịch sử xe: Bước đầu tiên khi đi mua ô tô cũ là tiếp cận và gặp gỡ với người bán, chủ nhân của chiếc xe. Đây là thời điểm bạn cần tranh thủ để hỏi han, tìm hiểu về lý lịch và quá trình sử dụng của chiếc xe (xe mua khi nào, sử dụng mục đích gì, có "tiền sử" đâm đụng, thủy kích hay không, vì sao muốn bán xe…).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kiểm tra nội, ngoại thất xe: Sau khi đã hoàn tất các thủ tục và tìm hiểu về lý lịch của xe, bước tiếp theo cần làm là kiểm tra chất lượng xe, bắt đầu từ ngoại thất. Dĩ nhiên, ở vị thế của người bán xe, thông thường không ai mang một chiếc xe có tổng thể móp méo hay trầy xước nặng ra chào bán. Thay vào đó, chủ xe thường "tân trang" lại cho bắt mắt. Tuy nhiên, dù có kỹ càng đến đâu thì vẫn có những vị trí mà cả những người thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục.

Bên cạnh đó, hãy lưu ý đến nước sơn của xe. Nếu xe đã sơn lại nó sẽ có đường nứt, bong tróc rất nhỏ và rất dễ bị lem màu sơn ở các điểm ghép nối. Đặc biệt, một chi tiết nhỏ nhưng bạn nên "soi" kỹ là tay nắm cửa ở vị trí cửa ghế tài xế. Hãy quan sát kỹ mặt bên trong của móc tay nắm cửa. Bởi nếu một chiếc xe sử dụng nhiều, tay nắm cửa ở vị trí này sẽ mòn nhiều.

Tương tự ngoại thất, bên trong ca-bin, người mua cũng nên chú ý vào các chi tiết nhỏ. Đầu tiên là các nút bấm chức năng trên vô-lăng. Nếu xe dùng nhiều, các nút này có thể sẽ bị mòn hoặc bong tróc. Ngoài ra, cũng cần chú ý các đường chỉ khâu, vân da trên ghế, bảng táp lô, bệ cửa... Nếu xe ít sử dụng vân da ghế sẽ không bị đen, bề mặt da căng đàn hồi tốt. Bên cạnh đó, khi kiểm tra nội thất, hãy nhớ bật tất cả các thiết bị như radio, kính gạt, điều khiển gương, kính chắn, điều hòa không khí… để xem xét tổng thể.

Kiểm tra nước làm mát: Sau khi mua xe cũ, bạn nên kiểm tra két làm mát động cơ. Động cơ quá nóng là vấn đề rất nghiêm trọng, vì sẽ làm hỏng vòng đệm, cũng như các bộ phận khác. Do đó, nước làm mát đóng vai trò rất quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ động cơ. Hệ thống làm mát động cơ hiện nay thường kết hợp nhiều kim loại không đồng nhất. Điều đó khiến nước làm mát dần biến thành chất điện giải và ăn mòn các bộ phận đắt tiền trong động cơ.

Kiểm tra hệ thống phanh, lốp: Phanh và lốp có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an toàn trên chiếc xe. Bạn có thể tự kiểm tra độ mòn má phanh, độ mòn lốp, để xem liệu lốp xe có đảm bảo an toàn khi chạy xe hay không.

Kiểm tra động cơ: Một bước kiểm tra khác cũng rất quan trọng và không được phép bỏ qua khi đi xem xe cũ là kiểm tra động cơ. Với ô tô, động cơ được ví như trái tim. Chính vì vậy, một chiếc xe khỏe mạnh phải có động cơ khỏe, không "mắc bệnh".

Nếu xe bị thủy kích và đã phải rã máy để sửa chữa, có thể dễ dàng nhận thấy các dấu vết còn lại như ốc vít bị trầy xước, các khe của vỏ máy vẫn dính keo còn sót lại. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thợ sửa chữa bôi keo lắp máy thủ công bằng tay nên không thể đẹp như nguyên bản sản xuất từ nhà máy. Bước tiếp theo hãy mở nắp dầu của động cơ. Thử lau que thăm dầu lên một miếng giẻ khô xem có bị lưu lại các vệt nhỏ màu đen không? Trong dầu có lẫn các mảnh kim loại nhỏ không? Nắp bình dầu phụ có bị đầy, đen không? Nếu là xe số tự động, hãy thử ngửi xem que thăm dầu có mùi khét hay không? Đó là những dấu hiệu bất thường từ động cơ mà bạn cần phải tránh. Những xe động cơ có màu đen hoặc thấy nhớt rỉ ra thấm bên ngoài thường là những xe đã đi nhiều và máy đã có trục trặc.

Lái thử xe: Sau khi đã xem xét và kiểm tra các chi tiết bằng mắt thường, bước cuối cùng để thẩm định một chiếc ô tô cũ chính là trực tiếp lái thử xe. Khi lái thử hãy chú ý đến các loại đèn báo xem có hoạt động bất thường không? Ví dụ mở khóa nhưng các đèn báo không sáng hoặc sáng lên nhưng không tắt đi, đèn túi khí nhấp nháy...

Nếu là xe số sàn khi nhả chân côn để ý xem có bị giật, rung hay không. Còn nếu là xe số tự động hãy chú ý tới tiếng động lạ khi chuyển sang chế độ lái. Nên xoay vô-lăng vài vòng để kiểm tra, nếu xe đi ít vô-lăng sẽ còn rất mới, vô-lăng không có độ rơ. Khi xe đã khởi động, nên gạt về số N và nhấn ga, nếu phát hiện động cơ rung lắc mạnh có thể cao su chân máy đã bị vỡ.

Ngoài ra, trong quá trình lái thử xe, cần để ý đến hệ thống phanh có ổn định hay không? Xe khi chạy qua các gờ giảm tốc có bị rung lắc không? Hệ thống treo có phát ra các tiếng động lạ? Xe có bị nghiêng sang một bên? Xe có bị giật tại các thời điểm sang số? Nếu trong quá trình chạy thử động cơ xe phát ra tiếng đập mạnh thì tuyệt đối không mua.

Cuối cùng, đối người có nhu cầu mua xe cũ, nếu không thật sự có hiểu biết về xe, tốt nhất nên có người am hiểu tốt về xe đi cùng để đưa ra những lời khuyên hữu ích trước khi “xuống tiền”.

P.T (t/h)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-dieu-can-biet-khi-mua-xe-o-to-cu-176540.html