Những điều cần biết khi ngư dân khai thác hải sản trên biển

Vừa qua, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa theo Chương trình 'Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển', trong đó có tuyên truyền những quy định pháp luật cần biết khi khai thác hải sản trên biển của ngư dân.

Đại tá Vũ Duy Lưu - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Lực lượng hải quân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển đều chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết, các phương tiện sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi có yêu cầu”. Cụ thể là năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, các tàu của Vùng 2 Hải quân thực hiện nhiệm vụ IUU tại vùng biển giáp ranh Việt Nam - Indonesia đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho 27 tàu cá trên biển; cứu nạn, cấp cứu, cấp thuốc cho 81 ngư dân bị nạn, ốm đau trên biển (trong đó có nhiều ca nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng). Những hành động đó để lại ấn tượng và tình cảm rất tốt của bà con ngư dân đối với bộ đội Hải quân Việt Nam.

Tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Vùng 2 Hải quân đã tuyên truyền các quyền lợi của ngư dân khi khai thác hải sản trên biển như: được khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế; được cứu hộ, cứu nạn kịp thời 24/24 giờ; tàu thuyền được neo đậu, cập cảng miễn phí; được cung cấp nước ngọt miễn phí; được sửa chữa tàu thuyền khi bị sự cố tại các âu tàu (miễn phí nhân công); được cấp cứu, khám, chữa bệnh miễn phí; được cung ứng nhiên liệu bằng giá đất liền tại các âu tàu.

Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phát tờ rơi tuyên truyền rộng rãi để nhân dân nắm được quy định của pháp luật. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân phát tờ rơi tuyên truyền rộng rãi để nhân dân nắm được quy định của pháp luật. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Bên cạnh đó, Vùng 2 Hải quân còn hướng dẫn ngư dân liên lạc qua đài canh Hải quân Việt Nam (24/24 giờ), hướng dẫn xử trí một số tình huống trên biển. Chẳng hạn khi đánh bắt tại vùng biển tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu phía nước ngoài tiến hành khám xét, bắt giữ thì ngư dân cần khẳng định đây là 2 quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu phía nước ngoài tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay hành vi khám xét, bắt giữ trái phép. Đọc kỹ nội dung, không tùy tiện ký vào biên bản do phía nước ngoài lập ra để tránh tình trạng bị vu khống. Trong trường hợp bị lực lượng tàu quân sự, tàu chấp pháp, tàu cá nước ngoài vây bắt, thuyền trưởng phải bình tĩnh điều động tàu cơ động vòng tránh không cho tàu nước ngoài cập mạn, đâm va, đồng thời báo ngay cho quân chủng hải quân, lực lượng chức năng khác và các tàu của ta trong khu vực biết để được giúp đỡ.

Ông Phạm Trường Giang, một trong những chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề cho biết, trong quá trình khai thác, ngư dân thường gặp một số vấn đề là tàu thuyền bị hỏng hóc (do chết máy, do va chạm, do sóng gió), tàu hết dầu, nước ngọt, nhu yếu phẩm cần thiết, gặp nạn do bão, có khi ngư dân bị nạn, ốm đau hoặc một sự cố nào đó. “Qua nội dung tuyên truyền, tôi đã biết thêm nhiều kiến thức về pháp luật khi khai thác hải sản trên biển, thấy an tâm hơn khi có hải quân đồng hành qua các tầng số liên lạc được hướng dẫn” - ông Giang nói thêm.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, Vùng 2 Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bảo vệ các hoạt động kinh tế của ta trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các khu vực biển được phân công.

Các hành vi bị cấm khi khai thác hải sản trên biển:

Khai thác hải sản trái với pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Vượt qua đường phân định, đường ranh giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng, vùng biển các nước để đánh bắt, khai thác hải sản trái phép.

Sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản.

Phá hủy, tháo dỡ gây hư hại, lấn chiếm phạm vi công trình của âu tàu, cảng neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các công trình khác trên biển, đặc biệt là các công trình quốc phòng, an ninh; xả chất thải, vứt bỏ ngư cụ không đúng quy định.

Thông tin sai lệch tình hình trên biển cho các lực lượng chức năng.

Lợi dụng việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản làm ảnh hướng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, khai thác thông tin, sử dụng thông tin dữ liệu về nguồn lợi hải sản trái quy định pháp luật.

Vi phạm vành đai an toàn tối thiểu 500 mét xung quanh giàn khoan hay các công trình trên biển; hoạt động tại các khu vực có diễn tập quân sự.

Các hành vi cấm khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nhung-dieu-can-biet-khi-ngu-dan-khai-thac-hai-san-tren-bien-66822.html