Những điều cần biết về đường dây nóng liên Triều

Hệ thống đường dây nóng đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải những hiểu lầm trong các sự kiện khủng hoảng giữa hai miền Triều Tiên.

Hai ống nghe màu khác nhau thực hiện chức năng khác nhau tai văn phòng liên lạc Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Hai ống nghe màu khác nhau thực hiện chức năng khác nhau tai văn phòng liên lạc Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Triều Tiên thông báo quốc gia này đã ngừng hoạt động của các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc từ trưa 9/6, để phản đối việc Seoul không ngăn chặn hành động thả bóng bay tuyên truyền chống phá Triều Tiên tại khu vực biên giới.

Theo hãng tin Reuters, từ những năm 1970, Hàn Quốc và Triều Tiên thiết lập ít nhất 49 đường dây nóng để sắp xếp các cuộc đàm phán ngoại giao, xuống thang các hoạt động quân sự, điều phối giao thông đường hàng không và đường biển, tổ chức các cuộc thảo luận nhân đạo và hợp tác về các vấn đề kinh tế. Hàn Quốc coi hệ thống đường dây liên lạc này như một phương thức quan trọng để hóa giải những hiểu lầm trong các sự kiện khủng hoảng.

Năm 2016, đường dây liên lạc liên Triều ngưng hoạt động. Đến năm 2018, đường dây khôi phục khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un triển khai một loạt động thái "phá băng" ngoại giao sau 2 năm căng thẳng bởi các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, hạt nhân và khẩu chiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo các quan chức Hàn Quốc, mỗi lần Triều Tiên ngừng liên lạc, phía Seoul hàng ngày vẫn gọi sang bên kia biên giới vào cùng một thời điểm.

Hồi tháng 1/2018, khi Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên sau hơn hai năm, quan chức phụ trách liên lạc hai bên đã sử dụng một chiếc điện thoại bàn có hiển thị màn hình.

Bộ Thống nhất của Hàn Quốc chịu trách nhiệm điều hành hệ thống đường dây nóng này, bao gồm một màn hình máy tính, đầu đọc đĩa, cổng USB và hai ống nghe được phân biệt theo mã màu. Ống nghe màu đỏ có chức năng nhận cuộc gọi từ Triều Tiên và ống nghe màu xanh lá dùng để thực hiện cuộc gọi sang kia biên giới. Điện thoại này chỉ dùng để kết nối liên lạc giữa hai bên, không thể gọi cho bất kỳ số nào khác. Khi muốn gửi tài liệu, hai nước sẽ sử dụng máy fax.

Hệ thống đường dây liên lạc giữa hai miền trên Bán đảo Triều Tiên (nguồn: Arirang):

Diễn biến lạc quan từ các cuộc đàm phán liên Triều đã dẫn đến việc mở thêm nhiều đường dây nóng giữa hai bên, trong đó có đường dây kết nối trực tiếp lần đầu tiên giữa văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Năm 2019, Thủ tướng Hàn Quốc tiết lộ đường dây nóng của tổng thống chưa từng được sử dụng.

Hai miền Triều Tiên cũng đã mở một văn phòng liên lạc tại khu công nghiệp chung Kaesong. Kể từ khi thành lập văn phòng liên lạc liên Triều, hai nước thực hiện 2 cuộc gọi điện thoại hàng ngày, vào lúc 9 giờ sáng và 5 giờ chiều.

Sau khi văn phòng “tạm thời” bị đóng cửa vì lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) vào đầu năm nay, các nhân viên liên lạc của hai bên đã phải liên lạc qua đường dây điện thoại và fax được thiết lập giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/nhung-dieu-can-biet-ve-duong-day-nong-lien-trieu-20200610104559250.htm