Những điều cần biết về Tết Hàn thực và Tết Thanh minh

Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh không, đây là câu hỏi mà rất nhiều người trẻ nhầm lẫn, hoặc thắc mắc.

Tết Thanh minh

Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh. Tiết thanh minh kéo dài nhiều ngày, thường bắt đầu từ ngày 5/4 dương lịch tới ngày 20 hoặc 21/4 dương lịch mới chuyển sang tiết khí Cốc vũ (mưa rào).

Tiết Thanh minh không có ngày âm lịch cố định, nhưng theo quy luật của âm lịch thì tiết Thanh minh luôn nằm trong tháng 3 Âm lịch. Năm 2022, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 5/3 kéo dài tới 20/3 âm lịch - nhằm vào ngày 5/4 đến 20/4/2022 dương lịch.

Tiết Thanh minh là dịp con cháu đi tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Ảnh minh họa.

Tiết Thanh minh là dịp con cháu đi tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên. Ảnh minh họa.

Tiết Thanh minh là một trong 24 Tiết khí nông lịch, kéo dài gần hết tháng 3 âm lịch và không có ngày âm lịch cố định (chỉ có ngày Dương lịch cố định).

Tiết Thanh minh là một dịp lễ quan trọng để tưởng nhớ tổ tiên, với việc chính là để các thế hệ con cháu bày tỏ tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên bằng cách đi tảo mộ, chăm sóc mộ phần của gia đình, dòng họ.

Nếu có việc tâm linh cần làm thì dịp này mới được động vào mộ phần - đó là nguyên tắc tâm linh từ xa xưa nhằm tránh cho con cháu gặp phải tai ương, xui xẻo khi động chạm vào mồ mả của người đã khuất.

Tết Hàn thực còn gọi là Tết bánh trôi - bánh chay. Ảnh minh họa.

Tết Hàn thực còn gọi là Tết bánh trôi - bánh chay. Ảnh minh họa.

Tết Hàn thực

Rất nhiều người trẻ nhầm lẫn Tết Hàn thực là Tết Thanh minh, và nhiều người khác thắc mắc không biết Tết Hàn thực có phải là Tết Thanh minh không?

Theo các nhà nghiên cứu, Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là hai dịp lễ tách biệt, nhưng đều là những ngày lễ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa cổ đại.

Tết Hàn thực chỉ có 1 ngày cố định là mùng 3/3 Âm lịch.

Tết Hàn thực gắn liền với chuyện ăn đồ nguội trong ngày 3/3 và câu chuyện về vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu (Trung Quốc có bề tôi Giới Tử Thôi rất mực trung thành, cùng vào sinh ra tử nhiều lần. Nhưng khi vua lên ngôi ban thưởng đã quên mất Giới Tử Thôi.

Sau khi Giới Tử Thôi cùng mẹ về núi Điền Sơn ở ẩn, vua mới sực nhớ ra và gọi ra lĩnh thưởng, nhưng ông không chịu rời núi. Vua sai người đốt rừng muốn thúc ép bề tôi xuống núi, nhưng Giới Tử Thôi cùng mẹ đều chết cháy.

Vua quá đau lòng, nên lập miếu thờ và hạ lệnh phải kiêng đốt lửa 3 ngày (từ khoảng mùng 3 - 5/3 âm lịch hàng năm - sau này trở thành Tết Hàn thực (ăn đồ nguội đã nấu sẵn) của người Trung Quốc để tưởng nhớ công lao và ý chí kiên định của Giới Tử Thôi.

Tết Hàn thực ở Việt Nam vào ngày 3/3 Âm lịch. Người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường và dùng bánh trôi - bánh chay tượng trưng là những thức ăn nguội để cúng lễ và thưởng thức.

Do đó Tết Hàn thực ở Việt Nam còn gọi là Tết bánh trôi - bánh chay vì là món bánh được dùng nhiều nhất, làm bánh trước cúng, sau ăn và ngày càng có nhiều kiểu làm bánh trôi bánh chay đơn giản, đẹp mắt.

Ngày nay cuộc sống bận rộn, nên nhiều người cúng gộp cả 3 lễ chung vào ngày 1/3 âm lịch (gồm lễ mùng 1, Tết Hàn thực, và ngày đầu tiên của tiết Thanh minh).

Theo đó bên cạnh hương đăng trà quả xôi chè, còn có thêm đĩa bánh trôi, bát bánh chay thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Hoặc ngày 3/3 âm lịch thì cúng Tết Hàn thực và ngày đầu tiên của tiết Thanh minh.

Còn đa số theo lệ cũ vẫn cúng Tết Hàn thực vào ngày 3/3 Âm lịch.

Người Việt Nam vào Tết Hàn thực vẫn nổi lửa nấu nướng bình thường, và làm món bánh trôi – bánh chay để cúng lễ.

Mâm lễ cúng Tết Hàn thực gồm: Hương, hoa, trầu cau, 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay dâng cúng tổ tiên.

Tiết Thanh minh truyền thống là ngày cắt cỏ, đắp đất lên mộ (tảo mộ) do mùa xuân ấm áp, mưa nhiều nên cây cỏ tốt tươi trùm kín lên mộ, hoặc sụt lở…

Sắm lễ tiết Thanh minh gồm có hương đèn, trầu cau, tiền vàng mã, rượu thịt (chân giò, hoặc gà luộc, hoặc 1 khoanh giò nạc, hoa quả - đặt ở ban Thần linh khu vực nghĩa trang).

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-tet-han-thuc-va-tet-thanh-minh-172220401174747672.htm