Những điều cần biết về u máu thể hang tại não
U máu thể hang là tổ chức bất thường của mạch máu não nhỏ (mao mạch), tạo thành bởi nhiều khoang, múi nhỏ giống như hình tổ ong hoặc hình quả dâu. Tổn thương là lành tính với thành mạch mỏng, do vậy biểu hiện bởi các đợt tự chảy máu và tự cầm, tổn thương này dễ gây xuất huyết (khoảng 0,7-1,7 %/ năm) và hay tái phát.
Theo TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện K, tỷ lệ mắc u máu thể hang não chỉ khoảng 0,1 - 0,5 % dân số (ít gặp hơn các dị dạng động tĩnh mạch não và phình động mạch não). Chiếm khoảng 10% - 15% các dị tật mạch máu não, đứng sau dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) và phình động mạch não.
Bệnh thường gặp ở độ 30 - 40 tuổi, vị trí thường thấy ở bán cầu đại não (70-80%), có khi gặp ở vùng hố sau hoặc thân não (20-25%), ít gặp ở tủy sống. Tổn thương đơn độc khoảng 75% và khoảng 25% xảy ra dưới dạng nhiều tổn thương.Có tối thiểu 30% những người u máu thể hang sẽ có các triệu chứng.
Bác sĩ Liên cho biết, biểu hiện lâm sàng cũng thay đổi tùy theo vị trí và kích thước của khối u, có thể xảy ra các triệu chứng sau:
Chỉ 50% có biểu hiện các triệu chứng: đau đầu hoặc co giật. Hoặc khi u máu thể hang chảy máu có biểu hiện: Đau đầu buồn nôn, yếu tay chân, giảm trí nhớ tùy vào vị trí của khối u máu
50% u máu thể hang không có biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ bằng phim chụp MRI sọ não hoặc CT sọ não.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hầu hết u máu thể hang phát triển một cách tự nhiên và nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, một số nghiên cứu cho rằng có tính chất gia đình.
Hoặc do vi thể là các mao mạch dãn, thành mỏng không thấy các sợi đàn hồi và cơ trơn nên dễ bị chảy máu khi các thành mạch yếu theo tuổi.
Bác sĩ Liên cũng chia sẻ, u máu thể hang được phát hiện tốt nhất bằng chụp cộng hưởng từ sọ não (có thể tiêm thuốc hoặc không tiêm thuốc đối quang). Phân biệt trên cộng hưởng từ với các bệnh lý: U thần kinh đệm độ thấp, tổn thương di căn chảy máu…
Về điều trị căn bệnh này các bác sĩ thường chỉ định với tổn thương không có triệu chứng (tình cờ phát hiện) nên được theo dõi bằng cách chụp chụp cộng hưởng từ hàng năm. Chụp cộng hưởng từ cần được thực hiện sớm hơn nếu có bất kỳ biểu hiện lâm sàng của xuất huyết hoặc triệu chứng mới xuất hiện để có thể can thiệp kịp thời.
Với tổn thương có triệu chứng sẽ được chỉ định phẫu thuật hoặc xạ phẫu bằng dao Gamma. Cụ thể, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật với các trường hợp: Tổn thương đơn ổ, chảy máu vị trí không ảnh hưởng chức năng thần kinh; U máu thể hang đơn ổ kèm động kinh, co giật
Ngoài ra còn có phương pháp xạ phẫu bằng dao Gamma với các trường hợp: U máu thể hang có biểu hiện chảy máu: đặc biệt ở các vị trí sâu như thân não, đồi thị, cuống đại não, vùng vận động, cảm giác; Các bệnh nhân không muốn mổ hoặc có bệnh lý toàn thân khó có thể phẫu thuật, hoặc với người cao tuổi.
Đây là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn với nguyên tắc là dùng tia xạ với liều lượng vừa đủ để tiêu diệt u máu thể hang.
“U máu thể hang hoàn toàn có thể nhận biết sớm và điều trị kịp thời cho kết quả khả quan khi thăm khám định kỳ. Vì vậy việc quan tâm đến các biểu hiện khác lạ của cơ thể và chủ động khám tầm soát hàng năm là lựa chọn tối ưu trong phát hiện, chữa trị căn bệnh này”, bác sĩ Liên khuyến cáo.