Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp
Theo Bộ Y tế, ung thư tuyến giáp trên thế giới chỉ chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết và Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ mắc cao.
Ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong số các loại ung thư ở nữ giới với khoảng hơn 160.000 ca mới mắc hàng năm, đứng hàng thứ 20 trong số các loại ung thư ở nam giới với gần 50.000 ca mới mắc hàng năm và đứng hàng thứ 17 chung cho cả 2 giới. Tỉ lệ mắc khoảng 3/100.000 dân ở cả hai giới và tỷ lệ nam/nữ là 1/3.
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở giữa cổ, gồm 2 thùy nối với nhau qua eo giáp trạng, có chức năng tiết ra hormone giúp cơ thể tăng trưởng và phát triển.
Ung thư tuyến giáp có nhiều loại khác nhau: hay gặp là ung thư tuyến giáp nhú, thể tủy, thể không biệt hóa, trong đó thể tủy và thể không biệt hóa có tiên lượng xấu hơn. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp đặc biệt là thể biệt hóa là bệnh ung thư tiên lượng rất tốt.
Cụ thể, ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn chưa di căn xa, u tại chỗ và hạch di căn còn có thể cắt bỏ được và tiên lượng tốt. Trong khi đó, ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi u và hạch đã xâm lấn rộng, không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu.
Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%.
Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp:
Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Người bệnh có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ. Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng, thường sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp ở vùng cổ.
Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp bao gồm, khàn tiếng, nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản, khó thở khi u xâm lấn vào khí quản. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...
Tuy nhiên, những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác mà không phải là ung thư tuyến giáp, nhưng khi có những triệu chứng này nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Điều trị ung thư tuyến giáp như thế nào?
Hiện tại điều trị ung thư tuyến giáp có thể thực hiện bằng cách phẫu thuật, xạ trị, hóa trị.
Đối với phẫu thuật, trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất có tính chất quyết định đến kết quả điều trị. Sau phẫu thuật cắt giáp toàn bộ, bệnh nhân được điều trị bằng dược chất phóng xạ (I-131) và hormon thay thế vừa có tác dụng bổ sung hormon duy trì hoạt động của cơ thể vừa có tác dụng làm giảm nồng độ TSH giúp duy trì bệnh ổn định lâu dài.
Đối với xạ trị, xạ trị có vai trò bổ trợ đối với ung thư tuyến giáp không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy. Điều trị xạ trị có thể làm giảm tốc độ phát triển và sự lan tràn của tế bào ác tính. Ngoài ra, điều trị đích cũng là một phương pháp mới đang được nghiên cứu và bước đầu ứng dụng cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển.
Đối với hóa trị, hóa chất toàn thân hiện tại chưa chứng tỏ được vai trò trong điều trị ung thư biểu mô tuyến giáp.
Các bác sỹ khuyến cáo, người dân nếu thấy xuất hiện bất thường ở vùng đầu cổ đặc biệt khi có khối u thì không nên chủ quan mà cần đi khám ngay.
Hiện nay, Bệnh viện K là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của Việt Nam về phòng chống và điều trị ung thư. Bệnh viện K đã triển khai gói khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp với các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm vùng cổ, chụp X – Quang, CT scan và MRI vùng cổ, chẩn đoán tế bào học (chọc hút kim nhỏ FNA)....
Qua khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư tuyến giáp có thể xác định khối u ở cổ được phát sinh từ tuyến giáp hoặc một cấu trúc lân cận. Đồng thời phân tích sự xuất hiện của các nhân giáp và xác định xem chúng là những nốt lành tính hay ác tính.
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý tiên lượng rất tốt, tỉ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%. Thể tủy tỉ lệ sống thêm 5 năm khoảng 50% và thể không biệt hóa thời gian sống thêm trung bình từ 6-8 tháng./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-ung-thu-tuyen-giap/197309.html