Những điều cần biết về vaccine phòng COVID-19 của Công ty Moderna
Nhóm chuyên gia Tư vấn Chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE) đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vaccine mRNA-1273 của Moderna phòng COVID-19 ở người từ 18 tuổi trở lên.
2 triệu liều vaccine Moderna ((mRNA-1273)) do Mỹ viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX Facility đã về tới nước ta từ ngày 10.7. Lô vaccine này, cùng với những nguồn khác, sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I.2022.
Nhóm chuyên gia Tư vấn Chiến lược về tiêm chủng của WHO (SAGE) đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng vaccine mRNA-1273 của Moderna phòng COVID-19 ở người từ 18 tuổi trở lên.
Dưới đây là những thông tin quan trọng bạn cần biết.
Những người nên được tiêm chủng trước?
- Cũng như mọi vaccine phòng COVID-19, nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người cao tuổi cần được ưu tiên tiêm chủng.
- Khi có thêm vaccine, cần bổ sung các nhóm ưu tiên tiêm chủng, chú ý tới những nhóm những người bị ảnh hưởng không cân xứng bởi COVID-19 hay mất công bằng về sức khỏe.
Những ai khác có thể tiêm chủng vaccine?
- Các bệnh đi kèm (bệnh nền) được nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 bao gồm bệnh phổi mạn tính, bệnh lý về tim, béo phì nặng, đái tháo đường, bệnh gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Khuyến cáo tiêm chủng cho nhóm những người mắc các bệnh nền này bởi các bệnh nền này được xác định làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng.
- Mặc dù cần phải có thêm các nghiên cứu ở người bị suy giảm miễn dịch, nhưng người trong nhóm này - nhóm được khuyến cáo tiêm chủng - có thể được tiêm sau khi được cung cấp thông tin và tư vấn.
- Người chung sống với HIV có nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng. Những người dương tính với HIV được tiêm vaccine cần được cung cấp thông tin và tư vấn.
- Có thể tiêm chủng vaccine cho những người đã từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, những người này có thể hoãn tiêm chủng phòng COVID-19 khoảng 6 tháng kể từ thời gian bị nhiễm SARS-CoV-2.
- Hiệu quả vaccine được đánh giá là tương tự trên phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ và những người trưởng thành khác. WHO khuyến cáo sử dụng vaccine ở phụ nữ đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ tương tự như ở người trưởng thành khác. WHO không khuyến cáo dừng cho con bú sữa mẹ vì lý do tiêm phòng COVID-19.
Phụ nữ mang thai có nên tiêm chủng không?
- WHO khuyến cáo sử dụng vaccine COVID-19 ở phụ nữ mang thai khi lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.
- Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc COVID-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương, và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.
- WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng.
- WHO không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng COVID-19.
Ai không nên tiêm chủng vaccine?
- Những người có tiền sử dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của vaccine không nên dùng loại vaccine này hay vaccine mRNA khác.
- Mặc dù khuyến cáo tiêm chủng cho người cao tuổi do nguy cơ cao mắc COVID-19 nặng và tử vong, nhưng những người cao tuổi rất yếu tiên lượng còn sống thêm dưới 3 tháng nữa cần được đánh giá cụ thể theo từng trường hợp.
- Không dùng vaccine này ở những người dưới 18 tuổi do chưa có kết quả từ các nghiên cứu thêm.
Khuyến cáo liều dùng như thế nào?
- SAGE khuyến cáo sử dụng vaccine mRNA-1273 Moderna theo lịch tiêm 2 liều (100 µg, 0,5 ml mỗi liều) cách nhau 28 ngày. Nếu cần, khoảng cách giữa các liều có thể kéo dài tới 42 ngày.
- Các nghiên cứu cho thấy tác động y tế công cộng cao khi khoảng cách giữa các mũi tiêm dài hơn khoảng cách do EUL khuyến cáo. Theo đó, các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao và thiếu hụt trầm trọng cung ứng vaccine có thể cân nhắc trì hoãn liều 2 tới 12 tuần để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm mũi đầu cao hơn ở các nhóm ưu tiên cao.
- Khuyến cáo tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ và cùng loại vaccine cho cả 2 liều.
Vaccine này có an toàn không?
- Ngày 30.4, WHO đã phê duyệt vaccine Moderna vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO (EUL) đánh giá chất lượng, sự an toàn và hiệu lực của vaccine COVID-19 và là điều kiện tiên quyết để cung ứng vaccine theo cơ chế COVAX Facility.
- Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã đánh giá kĩ lưỡng số liệu về chất lượng, an toàn và hiệu lực của vaccine COVID-19 Moderna và cho phép lưu hành sử dụng ở tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu.
- SAGE khuyến cáo tất cả những người được tiêm vaccine cần được theo dõi ít nhất 15 phút sau tiêm. Những người gặp phản ứng dị ứng nặng ngay trong liều đầu thì không nên tiêm liều tiếp theo.
- Đánh giá tính an toàn lâu dài bao gồm các hoạt động như tiếp tục theo dõi những người tham gia thử nghiệm lâm sàng cũng như các nghiên cứu cụ thể và tiếp tục giám sát các hiệu ứng thứ phát hay các biến cố bất lợi ở những người được tiêm trong giai đoạn tiêm đại trà.
- Ủy ban Tư vấn toàn cầu về An toàn vaccine là nhóm các chuyên gia cung cấp hướng dẫn độc lập và xác đáng cho WHO về nội dung sử dụng vaccine an toàn, tiếp nhận và đánh giá các báo cáo về các sự cố an toàn nghi ngờ có tác động quốc tế.
Vaccine này có hiệu lực như thế nào?
- Vaccine Moderna cho thấy hiệu lực bảo vệ khoảng 94,1% đối với COVID-19, hiệu lực bảo vệ bắt đầu 14 ngày sau khi tiêm liều đầu.
Vaccine này có hiệu lực với các biến thể mới không?
- Dựa trên các bằng chứng ở thời điểm hiện tại, các biến thể mới của SARS-CoV-2, bao gồm B.1.1.7 và 501Y.V2, không làm thay đổi hiệu quả của vaccine mRNA Moderna.
- Cần tiếp tục theo dõi, thu thập và phân tích số liệu về các biến thể mới và tác động của chúng đối với hiệu quả chẩn đoán, điều trị và vaccine COVID-19.
Vaccine này có phòng ngừa việc nhiễm và lây truyền virus không?
- Chúng ta chưa thể biết vaccine này có phòng ngừa được việc nhiễm và ngăn chặn lây truyền virus hay không. Khả năng miễn dịch kéo dài trong vài tháng nhưng chưa thể biết toàn bộ thời gian miễn dịch kéo dài bao lâu. Các câu hỏi quan trọng này đang được nghiên cứu.
- Đồng thời, chúng ta vẫn phải duy trì các biện pháp y tế công cộng hiệu quả: đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay, vệ sinh hô hấp và quy tắc che miệng khi ho, tránh tụ tập đông người, và đảm bảo thông khí tốt.