Những điều cần làm khi bị bỏng
Bỏng là tai nạn thường gặp trong đời sống sinh hoạt và lao động, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bỏng không những gây ảnh hưởng tổn hại tới sức khỏe trước mắt mà còn để lại những hậu quả lâu dài. Vì vậy, việc sơ cứu ban đầu đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng giúp vết thương không ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bị bội nhiễm.
Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm, không những gây đau đớn, việc chữa trị phức tạp, lâu dài, tốn kém mà còn để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ, tàn phế suốt đời, thậm chí gây tử vong. Các tác nhân gây ra bỏng như bỏng nhiệt, bỏng hóa chất, bỏng điện,... Bỏng nhiệt ướt là bỏng do nước sôi, nồi canh sôi,... là nguyên nhân chủ yếu. Bỏng nhiệt khô do nhiệt của bàn ủi, ống pô xe máy, lửa, hơi,... thường do người lớn để bất cẩn hoặc trẻ nghịch ngợm đốt lửa sưởi, rơm rạ, đánh đổ xăng, dầu gây bắt lửa. Bỏng hóa chất do vôi tôi, bỏng do acid, kiềm. Bỏng điện do tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh.
Việc sơ cứu ban đầu tại chỗ khi bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp vết thương không ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm. Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên - Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, cho biết: “Khi bị bỏng, cần nhanh chóng dội nước/cho nước mát chảy qua vết bỏng hay ngâm vết bỏng trong nước mát khoảng 30 phút hoặc dùng gạc lạnh băng lại. Không dùng nước đá lạnh để làm mát vì có thể gây tổn thương da. Cắt bỏ toàn bộ phần áo quần che phủ vết bỏng, rồi lại dội thêm nước mát lên vết thương. Chú ý không cởi bỏ quần áo để tránh gây lột da vùng bỏng. Cũng không lộn áo qua đầu vì có thể làm nạn nhân bị bỏng ở mặt. Bọc vùng bị bỏng bằng vải khô hay gạc khô để tránh nhiễm trùng, có thể sử dụng màng bọc thực phẩm để bọc lại vết thương do bỏng rộng, nặng, sâu”.
Trường hợp bỏng do hóa chất, cần dùng nước lạnh để dội sạch các hóa chất dính trên cơ thể nạn nhân. Nếu như đó là loại hóa chất quá mạnh như bỏng vôi, có thể dùng bàn chải hay chổi lông để loại bỏ nó, sau đó mới xả nước. Cởi bỏ quần áo, đồ trang sức bị dính hóa chất. Nếu vết bỏng xảy ra ở mắt, phải nhanh chóng rửa mắt ngay với nước, rửa nhiều lần để loại bỏ hết hóa chất trong mắt. Rửa mắt trong nước ít nhất 10 phút. Sau khi rửa xong, nhắm mắt và băng lại bằng gạc mỏng.
Bỏng do điện: Vết bỏng có thể chỉ biểu lộ ra bên ngoài dưới dạng bỏng nhẹ nhưng nguy cơ phá hủy khi bị bỏng điện là rất cao, thậm chí sẽ ăn sâu vào bên trong dưới lớp biểu bì. Do đó, sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên khuyến cáo: “Không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng,... lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Không bôi mỡ hay dầu lên vết bỏng. Bôi mỡ hay dầu cá sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, gây nhiễm trùng. Ở chỗ da bị bỏng thường xuất hiện túi phỏng có chứa dịch lỏng bên trong, không nên chọc vỡ túi phỏng mà hãy để nó tự vỡ, tránh nguy cơ bị nhiễm trùng”.
Vết bỏng được sơ cứu kịp thời và đúng cách làm giảm tổn thương trên da, hạn chế mức độ nghiêm trọng; đồng thời, hỗ trợ quá trình điều trị, phục hồi sau này của bệnh nhân. Vì vậy, mỗi người nên trang bị những kiến thức về cách sơ cứu khi bị bỏng để áp dụng khi cần thiết./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-dieu-can-lam-khi-bi-bong-a166743.html