Những điều chưa biết về hai vị trọng tài bắt các trận sắp tới của đội tuyển Việt Nam

Danh tính hai trọng tài chính bắt trận đấu của ĐT Việt Nam với Australia và Trung Quốc đã được xác định. Vậy họ là ai và có thể mang tới may mắn cho Những chiến binh Sao Vàng?

Trọng tài luôn là mối quan tâm lớn ở mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam. Và ở cuộc chạm trán tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á với Australia vào ngày 27/1 tới đây tại Melbourne sẽ được điều khiển bởi trọng tài người Hàn Quốc Ko Hyung-jin.

Mặc dù bắt các trận quốc tế từ năm 2010, bao gồm 2 trận ở vòng loại World Cup 2018, đây mới là trận đầu tiên của Ko Hyung-jin ở vòng loại World Cup 2022. Đồng thời, cũng là lần đầu ông điều khiển trận đấu có sự tham gia của ĐT Việt Nam. Tuy nhiên ở cấp độ CLB, Ko Hyung-jin không phải cái tên quá xa lạ với bóng đá Việt Nam.

Ông là trọng tài chính trong trận đấu giữa Sài Gòn Xuân Thành và East Bengal Club ở vòng bảng AFC Cup 2013, Sông Lam Nghệ An với Tampines Rovers ở vòng bảng AFC Cup 2012, cũng Sông Lam Nghệ An với Sriwijaya tại vòng bảng AFC Cup 2011. Kết quả lần lượt là hòa, thắng và thua. Các đội Việt Nam nhận tổng cộng 4 thẻ vàng, tương tự số thẻ của các đối thủ.

Thống kê 70 trận quốc tế đã bắt trong sự nghiệp, vị trọng tài 39 tuổi tỏ ra rất nghiêm khắc khi đã thổi 23 quả penatty, rút 270 thẻ vàng và 13 thẻ đỏ trực tiếp.

Trọng tài Ko Hyung-jin trong một trận đấu của AFC. (Ảnh: KFA)

Trọng tài Ko Hyung-jin trong một trận đấu của AFC. (Ảnh: KFA)

Vì trọng tài không phải nghề có thu nhập cao và ổn định ở Hàn Quốc, hầu hết các trọng tài ở xứ kim chi đều coi đây là nghề tay trái. Ví dụ, trọng tài Lee Young-woon hiện là cố vấn cho Tổ chức Phi lợi nhuận Truyền lửa Thanh niên, Kim Hee-gon dạy thể dục mầm non, Kim Seong-il là giáo sư đại học. Vì vậy, nghề chính của trọng tài Ko Hyung-jin là điều hành cửa hàng điện thoại di động của nhà mạng Olleh, tức KTF Telecom. Nếu không phải tham gia các trận đấu, ông sẽ ở cửa hàng từ lúc mở cửa vào 10h sáng đến tận đêm khuya.

Theo Ko Hyung-jin, sự khác biệt lớn nhất giữa hai công việc là tại cửa hàng, ông có thể giải thích cặn kẽ tại sao thế này, tại sao thế kia với mỗi phàn nàn của khách hàng, trong khi một trọng tài không có thời gian để làm việc đó. Và để làm tốt hai việc song song, Ko Hyung Jin cố tránh mọi căng thẳng ở cửa hàng để luôn đảm bảo vào sân với tâm trạng tốt nhất. Chỉ có một điều phiền toái là mỗi trận quốc tế sẽ khiến ông không thể điều hành công việc trực tiếp. Nhất là những trận như Việt Nam gặp Australia tại Melbourne tới đây, Ko Hyung Jin buộc phải xa cửa hàng đúng vào thời điểm Tết nhất, dịp bán hàng rất chạy.

Nawaf Shukralla, trọng tài sẽ điều khiển trận Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Nawaf Shukralla, trọng tài sẽ điều khiển trận Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Nawaf Shukralla, trọng tài người Bahrain sẽ điều khiển trận Việt Nam - Trung Quốc tại Mỹ Đình ngày 1/2. Tuy cũng có nghề khác là nghiên cứu luật nhưng thu nhập chính của ông này là từ bóng đá. Shukralla hiện được coi là trọng tài số một châu Á khi được FIFA tin tưởng bắt chính ở hai kỳ World Cup 2014 và 2018 cũng như FIFA Club World Cup 2016.

Năm 2015 trọng tài Shukralla từng cầm cân nảy mực trong trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan tại Mỹ Đình ở vòng loại World Cup 2018. Trận đó Việt Nam thua 0-3 song không có gì phải chê trách công tác trọng tài. Đơn giản vì đội quân của HLV Toshiya Miura chơi rất tệ, bế tắc về mặt chiến thuật và kém cỏi trên phương diện cá nhân.

Bây giờ Việt Nam đã khác xưa nhiều. Mặc dù chúng ta vẫn chưa có được điểm số nào ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhưng tinh thần và sự khát khao vẫn không giảm sút. Tất cả vẫn hướng đến kết quả tích cực bên cạnh những màn trình diễn đáng khen. Bên cạnh đó, hy vọng lần này sẽ không còn tranh cãi liên quan đến các quyết định của trọng tài, để họ không còn bị tấn công trên mạng xã hội. Sau trận đấu, Shukralla vẫn có thể yên tâm nghiên cứu luật pháp còn Ko Hyung jin tập trung có công việc bán điện thoại thường nhật.

Thanh Hải

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-hai-vi-trong-tai-bat-cac-tran-sap-toi-cua-doi-tuyen-viet-nam-post1408438.tpo