Những điều chưa biết về nhà ga xe lửa -'nóc nhà châu Âu'
Doanh nhân Adolf Guyer-Zeller đã có ý tưởng xây dựng một đường hầm lên đỉnh núi của Thụy Sỹ vào năm 1893 với 7 nhà ga xe lửa để lên đỉnh núi Sphinx (Nhân sư).
Việc xây dựng đường hầm này được bắt đầu vào ngày 27/7 năm 1896 và kéo dài 16 năm mới hoàn thành, gấp hai lần thời gian dự định và chi phí 15 triệu franc Thụy Sỹ, gấp hai lần so với ngân sách ban đầu. Đường hầm dài 7 km bắt đầu từ nhà ga Eiger Glacier ở độ cao 2.300m và kết thúc ở Jungfraujoch ở độ cao 3.454m và là nhà ga xe lửa cao nhất châu Âu, nóc nhà châu Âu.
Nóc nhà châu Âu
Thông thường, không có nhiều kỷ lục vẫn giữ được sau 100 năm, nhưng nhà ga xe lửa Jungfraujoch đặt trên sườn núi Jungrau ở Bernese Oberland,Thụy Sỹ vẫn là nhà ga xe lửa cao nhất châu Âu, 100 năm sau khi nó được khánh thành vào ngày quốc khánh Thụy Sỹ.
Năm 1913, năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà ga Jungfraujoch đã đón 42.880 du khách, nhưng hơn 100 năm sau, năm 2022, nó đã thu hút được 765.000 du khách và vẫn được xác lập là nhà ga xe lửa cao nhất châu Âu.
Cảm hứng từ kênh đào Suez
Tuyến đường sắt này là đứa con tinh thần của Adolf Guyer-Zeller, mặc dù ông không sống đến ngày được chứng kiến nó hoàn thành.
Adolf Guyer-Zeller là doanh nhân người Thụy Sĩ hay đi du lịch. Ý tưởng xây dựng tuyến đường xe lửa cao nhất châu Âu này được truyền cảm hứng khi ông chứng kiến việc xây dựng kênh đào Suez. Ông đã đầu tư một phần đáng kể tài sản cá nhân khổng lồ của mình vào dự án xây tuyến đường sắt xuyên các dãy núi cao.
Các công nhân Ý là những người thực hiện công việc xây dựng tuyến đường sắt này với tiền công chỉ 4,5 franc Thụy Sỹ/ ngày. Thế nhưng, họ đã hoàn thành một nhiệm vụ hoành tráng được thực hiện từ năm 1896 đến 1912, với thời gian nghỉ ngơi chưa đầy hai năm.
Những công nhân đã liều mạng làm việc quanh năm để cho nổ một đường hầm cong dài 7 km xuyên qua các ngọn núi Eiger và Mönch để tới nhà ga xe lửa Jungfraujoch. Ba mươi công nhân đã thiệt mạng trong quá trình thực hiện dự án và 90 người bị thương.
Họ khoét những lỗ ở hai bên sườn núi để loại bỏ những mảnh vụn – những cái lỗ bây giờ là những ô cửa sổ khổng lồ nơi tàu dừng trên đường lên để du khách có thể ngắm cảnh xung quanh.
Hệ thống bánh răng khổng lồ
Đầu máy xe lửa đầu tiên ở châu Âu được chế tạo bằng hệ thống bánh răng. Hệ thống bánh răng là ý tưởng chính được giới thiệu bởi các kỹ sư đường sắt Thụy Sĩ vào thế kỷ 19. Trong số năm hệ thống bánh răng đang tồn tại, bốn hệ thống được phát triển bởi các kỹ sư Thụy Sĩ. Hệ thống đường sắt bánh răng cho phép tàu hỏa đi lên đồi dốc.
Công nghệ đường sắt bánh răng đã mở ra một thế giới trải nghiệm du lịch hoàn toàn mới nhưng đó là một thị trường rất cạnh tranh. Tuyến đường sắt Jungfrau là một trong những tuyến đường núi thú vị nhất... đưa những người leo núi lão luyện nhất lên đỉnh.
“Sự điên rồ hủy diệt”
Không phải ai cũng đồng ý về việc đặt đường ray và cho nổ các đường hầm trên dãy Alps dành cho khách du lịch.
“Chúng ta phải chấm dứt sự điên rồ mang tính hủy diệt này và để dành cho con cháu chúng ta những gì còn sót lại trong di sản vẻ đẹp của chúng ta”.
Liên đoàn Bảo vệ Vẻ đẹp Tự nhiên Thụy Sĩ và Hiệp hội Di sản Thụy Sĩ đã từng viết như vậy trong một bản kiến nghị gửi chính phủ kêu gọi chấm dứt xây dựng tuyến đường sắt này để bảo vệ di sản quốc gia. Tuy nhiên, dự án này vẫn được thực hiện.
Trong những năm gần đây, nỗ lực tiếp thị ở châu Á của tuyến đường sắt lên núi này đã tạo ra những kết quả ấn tượng và nhà ga xe lửa Jungfraujoch vẫn nằm trong danh sách những điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của Thụy Sĩ, đặc biệt đối với du khách Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhà ga trên đỉnh núi hiện có một số nhà hàng, bao gồm một nhà hàng Ấn Độ, một "cung điện băng" và các điểm tham quan "vui chơi trên tuyết", cùng với các đài quan sát và một mê cung đường hầm. Đặc biệt, ở đây cò một đài thiên văn Sphinx, một trung tâm nghiên cứu khoa học.