Những điều chưa biết về Thung lũng chết
Là công viên quốc gia nóng nhất, khô nhất và thấp nhất, Thung lũng chết (Death Valley), nằm giữa hai bang California và Nevada của Mỹ, là vùng đất của những điều cực đoan. Không chỉ là một sa mạc nóng bỏng, Thung lũng chết còn mang đến cho du khách sự tương phản ấn tượng về cảnh quan để khám phá - từ tuyết phủ sương giá trên đỉnh núi cao chót vót đến cánh đồng hoa dại tươi tốt và những ốc đảo nhỏ giúp xua tan cái nóng hay đồng bằng sa mạc dường như vô tận...
Điểm thấp nhất ở Bắc Mỹ
Thung lũng chết dài 209 km chạy theo hướng Bắc-Nam và rộng 10 đến 23 km, tổng diện tích khoảng 1.400 km2. Phía Tây của thung lũng là dãy núi Nevada và phía Đông là một lòng chảo rộng lớn. Nơi thấp nhất trong thung lũng so với mặt nước biển là 86 m được gọi là Badwater Basin. Đây là một cảnh quan siêu thực đánh lừa các giác quan. Điều mà nhiều người lầm tưởng rằng tuyết bao phủ mặt đất thực ra là một lớp muối dày dưới đáy thung lũng. Nhưng làm thế nào mà muối đến đó? Mưa và khoáng chất hòa tan từ đá chảy xuống nơi thấp hơn. Ở đây, tại Badwater Basin, nước tạo thành những hồ nước tạm thời sau những cơn bão lớn. Khi nước bay hơi, khoáng chất tập trung cho đến khi chỉ còn lại muối. Sau hàng nghìn năm, lượng muối đã lắng đọng đủ ở đây, dưới đáy lục địa để tạo ra khung cảnh rộng lớn, siêu thực này.
Do Thung lũng chết có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như quặng borac và muối nên từ năm 1880, ngành khai khoáng ở đây đã rất phát triển. Đến những năm 80 của thế kỷ 19, người ta bắt đầu khám phá ra mỏ đồng, vàng, bạc, nhôm ở vùng phụ cận thung lũng và nhiều thành phố, thị trấn quy tụ nhân công để khai thác. Nhưng cùng với sự cạn kiệt của khoáng sản, người ta rời đi và để lại một vùng hoang tàn đổ nát.
Không thể đánh bại cái nóng
Thung lũng chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49 °C (vào ngày 10/7/1913 nhiệt độ đã đạt đến mức kỷ lục 56,7 °C). Lượng mưa trong thung lũng rất thấp, bình quân mỗi năm chỉ khoảng 42 mm. Năm cao nhất, lượng mưa cũng chỉ là 114 mm và năm thấp nhất là không có một giọt mưa. Vì vậy, Thung lũng chết là nơi nóng nhất của Bắc Mỹ, lại rất sâu và hoang vu, đáy là dòng sông cạn Amagesa với những cồn cát lởm chởm khắp nơi và giữa thung lũng là một quần thể cồn cát rộng khoảng 155 km2, là nơi hoang vu nhất trong thung lũng.
Tháng 7/2018, nơi này đã trải qua tháng nóng nhất được ghi nhận với nhiệt độ trung bình là 42 độ C, bao gồm cả mức nhiệt thấp nhất vào ban đêm. Mức nhiệt cao nhất vào ban ngày khi đó là 52 độ C và kéo dài trong 4 ngày liên tiếp. Loại nhiệt này có thể nguy hiểm, nhưng điều đó không có nghĩa là khách du lịch không thể khám phá công viên vào mùa hè. Thực tế, khách du lịch được khuyến khích ở lại những khu vực đông người qua lại của công viên, để những người khác có thể giúp đỡ trong trường hợp xe bị hỏng. Và khi đến với Thung lũng chết, khách du lịch phải chắc chắn rằng có sự chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất bởi nơi đây thường không có sóng điện thoại. Vì thế, người ta thường khuyến cáo rằng, để có một chuyến thăm an toàn tới Thung lũng chết phải uống nhiều nước, ăn nhẹ, hạn chế các hoạt động bên ngoài máy điều hòa nhiệt độ và tham quan các điểm quan sát ở độ cao cao hơn, mát mẻ hơn.
Hoa dại trên sa mạc
Trái ngược với tên gọi của nó, Thung lũng chết thường trở nên sống động với nhiều màu sắc vào mùa Xuân. Công viên này nổi tiếng với những màn trình diễn hoa dại hiếm có và ngoạn mục. Khi gặp điều kiện thích hợp, những ngọn đồi và thung lũng bùng nổ thành một thảm hoa vàng, tím, hồng hoặc trắng. Mưa nhiều chính là tác nhân giúp hoa dại bung nở. Những bông hoa này mọc lên từ vô số những hạt giống đôi khi nằm hàng chục năm trong lòng đất. Những hạt giống đó nằm chờ cho đến khi có đủ mưa và đúng nhiệt độ thì mới nảy mầm.
Mùa Đông năm 2004-2005, Thung lũng chết được ghi nhận là có nhiều mưa nhất. Kết quả là có hơn 50 loài hoa dại nở rộ, gồm những loài như: phi yến, tử đinh hương, phong lan, anh túc, anh thảo, hướng dương và cỏ roi ngựa. Những bông hoa siêu nở đã để lại ấn tượng lâu dài với khách tham quan công viên. Một du khách người Đức khi tới đây đã phải thốt lên rằng, Thung lũng chết đầy hương thơm như một cửa hàng hoa tươi!
Tảng đá tự di chuyển
Racetrack Playa là nơi chứa đựng một trong những bí ẩn lâu dài nhất của Thung lũng chết. Rải rác dưới đáy hồ khô này là hàng trăm tảng đá để lại dấu vết trên mặt đất khi chúng di chuyển. Một số tảng đá nặng tới 200-300 kg đã di chuyển gần 450 m. Trong nhiều năm, người ta không thể lý giải được lý do về sự di chuyển của những tảng đá này mà chỉ có thể đưa ra các giả thuyết khác nhau, trong đó nổi lên giả thuyết là những hòn đá dịch chuyển có lực hấp dẫn.
Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Jim và Richard Norris đã đến khảo sát Thung lũng chết và gắn các thiết bị GPS lên những hòn đá tại Racetrack Playa rồi ghi lại vị trí và tốc độ. Theo The New York Times, bề mặt khu vực này được phủ một lớp nước có độ sâu vừa đủ để tạo thành khối băng nổi. Vào mùa Đông, khi nhiệt độ xuống thấp, mặt hồ sẽ đóng băng, phần bên dưới vẫn là nước. Phần băng dày lên để đủ độ cứng và tạo lực đẩy tảng đá. Khi nhiệt độ tăng lên, những tảng băng dần tan ra, nhờ sức gió va đập vào những hòn đá và đẩy hòn đá di chuyển. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới quan sát được sự dịch chuyển của một số hòn đá nhỏ.
Lắng nghe cát hát
Mặc dù cồn cát chỉ là một phần nhỏ của Thung lũng chết, nhưng những gợn sóng phủ bóng và những đường cong duyên dáng đã trở thành những điểm tham quan đáng nhớ nhất trong công viên. Trong khi cồn cát Mesquite Flat là nơi dễ tham quan nhất và là địa điểm duy nhất được phép trượt cát, thì cồn cát Eureka cao hơn nhiều có thể mang lại cho khách du lịch trải nghiệm một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất của sa mạc: cát biết hát. Khi cát trượt xuống mặt dốc của cồn cát cao, người ta có thể nghe thấy âm thanh giống như nốt trầm của đàn ống hoặc tiếng máy bay không người lái ở xa. Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa có lời giải, nhưng rất có thể là do ma sát giữa các hạt cát.
Khách du lịch khi tới Thung lũng chết còn có thể nhìn thấy một thiên hà ở rất xa trong công viên này. Quá trình oxy hóa của các mỏ kim loại tự nhiên trong núi tạo ra các sắc thái tuyệt đẹp của màu xanh lá cây, xanh dương và tím giống như bảng màu đầy màu sắc của một họa sĩ. Phong cảnh tuyệt đẹp nơi này chính là các địa điểm nổi bật trong các phim "Chiến tranh giữa các vì sao”, “Niềm hy vọng mới", "Spartacus", "The Twilight Zone" và "Tarzan".
Sân golf của quỷ
Sân golf của quỷ (Devils golf course) là một chảo muối lớn nằm ở Thung lũng chết, thuộc sa mạc Mojave. Theo nghiên cứu của giới khoa học, sân golf của quỷ thực chất là một hồ nước khổng lồ do băng tuyết tan chảy từ các dòng sông ở dãy núi Sierra Nevada. Nước bốc hơi, các khoáng chất hòa tan và ngưng tụ dưới đáy hồ để lại một lớp muối dày trên bề mặt của Thung lũng chết. Sau mùa lũ lụt tại lưu vực sông Badwater, những chảo muối lại trở nên khô cằn. Gió và mưa bào mòn chúng thành những ngọn tháp lởm chởm tuyệt đẹp. Người ta còn có thể nghe thấy tiếng nổ nhỏ của hàng tỷ tinh thể muối nhỏ đang nở ra và co lại trong sức nóng. Một cuốn sách mang tựa "National Park Service" xuất bản năm 1934 đã đề cập tới chi tiết "chỉ có những con quỷ mới chơi golf được ở nơi này" và từ đó người ta gọi chảo muối kỳ lạ này là “sân golf của quỷ”.
Lò than - tàn tích của thị trấn ma quái
Các cấu trúc kỳ lạ giống như tổ ong của lò than Wildrose lưu giữ lịch sử của Thung lũng chết trong các bức tường của chúng. Được xây dựng vào năm 1877 bởi những công nhân người Mỹ gốc Ấn Độ, gốc Tây Ban Nha và Trung Quốc, các lò nung cung cấp nguồn nhiên liệu phù hợp để sử dụng trong hai nhà máy luyện kim tại các mỏ bạc, chì gần đó cho đến năm 1900. Các lò than Wildrose này ở xa hơn các địa điểm nổi tiếng khác của công viên nhưng là một trong những địa điểm nổi tiếng nhất của công viên.
Thung lũng chết còn lưu giữ dấu vết của một vụ nổ núi lửa. Miệng núi lửa Ubehebe sâu hơn 180 m và rộng gần 1m được hình thành khoảng 2.100 năm trước, nhưng vụ nổ gần đây nhất có thể xảy ra cách đây 300 năm. Kích thước tuyệt đối của miệng núi lửa khiến du khách trở nên lùn đi và khơi gợi cảm giác kinh ngạc về sức mạnh của thiên nhiên.
Cá trong sa mạc
Nghe có vẻ không khả thi, nhưng thật ngạc nhiên là 6 loài cá có thể sống sót trong vùng nước mặn và điều kiện khắc nghiệt của Thung lũng chết. Một trong số đó là loài Devils Hole Pupfish đang có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này chỉ sống ở vùng nước 34 độ C của hang động Devils Hole, nơi nhiệt độ nước và nồng độ oxy có thể gây chết cho hầu hết các loài cá khác. Những con cá con màu xanh óng ánh dài vài cm này là một trong những loài cá hiếm nhất thế giới. Devils Hole Pupfish là loài cá vây tia thuộc họ cá sóc đặc hữu ở châu Mỹ, có khả năng tiến hóa cao, thường sống trong các vũng nước. Tuy nước ở đây nóng và có độ mặn gấp đôi nước biển nhưng loài cá này vẫn sống được vì đường ruột của chúng có thể đào thải muối vô cùng hiệu quả.