Những điều ít biết về 2 đại môn phái Nga My và Võ Đang
Trong giới võ lâm Trung nguyên, Trung Quốc, người ta thường đề cập tới 3 đại môn phái là Thiếu Lâm, Nga My và Võ Đang. Nhìn chung, Thiếu Lâm được dư luận và giới chuyên môn coi là 'Bắc Đẩu bội tinh' và thường được nói tới, Nga My và Võ Đang ít được đề cập. Để độc giả hiểu rõ về Nga My và Võ Đang, cũng như người đứng đầu 2 đại môn phái này, Năng Lượng mới xin giới thiệu bài viết dưới đây.
Kỳ I: Những truyền thuyết về người sáng lập Nga My
Tuy Nga My cùng Thiếu Lâm và Võ Đang được coi là 3 đại môn phái trong giới võ lâm Trung nguyên, nhưng người đời ít biết tới sự tinh diệu của môn phái này bởi nhiều nguyên do. Được biết, Nga My có uy tín rất lớn, gần như độc tôn tại khu vực Tây Nam, Trung Quốc và từ trước đến nay nó luôn là một môn phái có nhiều môn đồ.
Nga My là do Quách Tương, con gái Quách Tĩnh-Hoàng Dung sáng lập. Nga My được lấy từ tên ngọn núi Nga My, một trong tứ đại danh sơn của Phật giáo. Hai chữ Nga My còn có nghĩa muốn tranh cao thấp với các cao thủ trong thiên hạ. Nga My là sự kết hợp giữa Phật gia và Đạo gia cùng sự sáng tạo giữa tĩnh và động để tạo nên phương pháp luyện công độc đáo. Được biết, Quách Tương từng gặp Hà Túc Đạo, Phương trượng chùa Thiếu Lâm và Trương Tam Phong, người sáng lập ra Võ Đang để luận bàn về võ học.
Có 3 sự khác biệt cơ bản giữa Nga My với Thiếu Lâm và Võ Đang trong việc luyện công, đó là "Nội ngoại", "Cương nhu" và "Trường đoản". Nga My đã biết vận dụng một cách linh hoạt những điểm mạnh của Thiếu Lâm và Võ Đang vào môn phái của mình - Thiếu Lâm mạnh về cương, Võ Đang mạnh về nhu, còn Nga My kết hợp cả cương và nhu. Tuyệt kỹ của Nga My nằm ở 36 thức.
Cách luyện công thủa khởi thủy của Nga My là Ngọc nữ quyền pháp. Nội công tâm pháp của Nga My là Hồi sinh quyết. Võ công của Nga Mỹ gồm 5 tuyệt kỹ: Cửu âm bạch cốt trảo, Hồi phong phất liễu, Tiệt thủ cửu thức, Phiêu tuyết xuyên vân, Phổ độ từ hàng. Nga My có 12 đại thức: Thiên, Địa, Chi, Tâm, Long, Hạc, Phong, Vân, Đại, Tiểu, U và Minh. Nga My dùng Ngũ phong Lục chẩu (trửu) để luyện nội lực. Ngũ phong gồm đầu, vai, cùi trỏ, mông và đầu gối. Lục chẩu gồm 6 cách đánh của cùi trỏ: trên, dưới, trái, phải, trước, sau. Điểm đặc biệt nhất trong võ thuật Nga My là "Võ đức", "Nhân thuật" và "Dưỡng khí".
Tam đại khí giới của Nga My bao gồm kiếm pháp, trâm pháp và châm pháp (ám khí). Nói chung các môn đồ đều phải tuân thủ và biết kết hợp một cách hài hòa giữa cương và nhu, giữa sức mạnh và sự khôn khéo: họ linh hoạt như khỉ, uyển chuyển như rồng và động tác nhanh như gió.
Được biết, kể từ đời nhà Minh người ta bắt đầu ghi chép cẩn trọng những diễn biến của phái Nga My. Theo "Nga My quyền phổ" được ghi chép từ đầu nhà Thanh thì Nga My có "Ngũ hoa" và "Bát diệp". Ngũ hoa là ngũ đại chi phái trong giang hồ tới hội sư cùng với Nga My.
Thứ nhất là Hoàng Lăng phái đến từ Thiểm Tây. Thứ hai là Điểm Dịch phái được đặt tên bởi có nguồn gốc tại động Điểm Dịch, Bồi Lăng. Thứ ba là Thanh Thành phái bởi có xuất xứ từ núi Thanh Thành, thánh địa của đạo gia. Thứ tư là Thiết Phật phái (Vân Đỉnh phái) đến từ phía Bắc Tứ Xuyên. Thứ năm là Thanh Ngưu phái đến từ núi Thanh Ngưu. Bát diệp là 8 cách đánh của 8 phái trong võ lâm. Thứ nhất là Tăng môn, khởi thủy gọi là Khôn môn, ngoài ra còn được biết tới với cái tên "Tôn môn" đến từ Thiếu lâm.
Đặc điểm của Tăng môn là nhanh, linh hoạt, sống động và khéo. Thứ hai là Nhạc môn. Tương truyền do Nhạc Phi để lại với đặc điểm "thấp lùn" cùng những thủ pháp huyền diệu. Thứ ba là Triệu môn, còn gọi là Hồng môn. Tương truyền do Triệu Khuông Dận sáng lập, dựa trên nền tảng của Thái tổ trường quyền phái Thiếu Lâm. Thứ tư là Đỗ môn, đây là tên gọi được lấy từ "bát trận đồ" của Gia Cát Lượng - quyền pháp là do Tự nhiên môn họ Đỗ sáng lập mà thành.
Đặc điểm nổi bật nhất của Đỗ môn là phòng thủ nghiêm mật - rất giỏi trong việc phòng thủ. Thứ năm là Hồng môn với đặc điểm cực cương. Thứ sáu là Hóa môn hay còn gọi là Tàm bế môn. Thứ bảy là Tự môn, còn gọi là Trí môn. Thứ tám là Hội môn, còn gọi là Tuệ môn với điểm nổi bật là thần quyền.
Trong giang hồ gọi Hà Vỹ Kỳ, Trưởng môn nhân phái Nga My là "Thiết thoái khoái thủ" và điều này được tờ "Thành Đô thương báo" đăng tải. Hà Vỹ Kỳ cho biết, danh hiệu "Thiết thoái khoái thủ" là do người trên giang hồ yêu mến nên gọi, nhưng quả thực ông cũng chưa có đối thủ, do đó vẫn có ý lên Hoa Sơn để tìm kiếm những cao thủ ẩn cư trong võ lâm. Được biết, Hà Vỹ Kỳ là một độc giả trung thành với những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Trong những bộ tiểu thuyết của mình, Kim Dung luôn dành một phần để nói về phái Nga My, nhưng đậm nét nhất có lẽ là trong "Ỷ thiên đồ long ký".
Tương truyền rằng, sau khi lĩnh hội được Cửu âm chân kinh, Quách Tương đã sáng lập ra phái Nga My và Trưởng môn nhân đời thứ 3 là Diệt Tuyệt sư thái đã để lại di ngôn cho đệ tử Chu Chỉ Nhược. Để thực hiện di ngôn của sư phụ, Chu Chỉ Nhược đã bất chấp tất cả để có được ỷ thiên kiếm và Đồ long đao bởi trong đó giấu Cửu âm chân kinh và Di thư của Nhạc Võ Mục (Nhạc Phi), danh tướng đời Tống. Và nhờ luyện được Cửu âm chân kinh nên Chu Chỉ Nhược đương nhiên trở thành Trưởng môn nhân đời thứ 4 của Nga My phái và kể từ đó danh tiếng của Nga My ngày càng nổi trên giang hồ.
Từ đời nhà Minh người ta đã sáng tác một bài hát để ca ngợi và miêu tả một cách sinh động những đặc điểm trong võ thuật của phái Nga My. Tại buổi biểu diễn mới đây của Nga My phái, Vương Chính An, truyền nhân của Triệu Môn đã thể hiện tuyệt kỹ của mình qua hai tuyệt chiêu "Thiết chỉ thần công" và "Tỏa hầu cương thương khiêu thiên cân" - dùng ngón tay đâm thủng 9 chiếc bát. Đây là lần đầu tiên tuyệt chiêu này được công diễn trước công chúng. Hiện trung bình mỗi năm núi Nga My đón nhận hơn 1 triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan, du lịch và tìm hiểu phái Nga My.
Thiếu Lâm tự được thành lập năm 495, và là nơi luyện võ của các môn sinh từ đó đến nay. Thiếu Lâm tự và môn phái Thiếu Lâm từ lâu đã trở thành chủ đề hấp dẫn trong các tiểu thuyết, bộ phim xoay quanh chủ đề võ thuật. Trung Quốc vốn nổi tiếng với 2 phái Nam Thiếu lâm và Bắc Thiếu lâm. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, Thiếu Lâm tự có gần 130 câu lạc bộ dạy võ, các nhà sư Thiếu Lâm tự cũng có thể được dạy tiếng Anh, Đức và Tây Ban Nha.
Để mở rộng môn võ được ưa chuộng trên thế giới, Trung Quốc đã quyết định xây chùa Tây Thiếu lâm trên núi Bồ Đề ở thành phố Trùng Khánh (tháng 10-2010). Gần 4 năm trước (11-2010), tuy đã ở tuổi 98, nhưng truyền nhân của phái võ Nam Thiếu Lâm, ông Phòng Thái Sơn vẫn quyết định kết thúc cuộc sống cô đơn bằng đám cưới với nữ đồ đệ 43 tuổi họ Dương. Dù có hơn 3.000 đồ đệ, nhưng ông Phòng Thái Sơn chỉ mời hơn chục người thân thiết nhất dự ngày vui của mình.
(Còn tiếp)